Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 28/11/2024 12:49 (GMT +7)
Giá gạo hồi phục mạnh ở cả thị trường nội địa lẫn xuất khẩu
Thứ 7, 17/06/2017 | 10:39:00 [GMT +7] A A
Nhờ những tín hiệu tích cực của thị trường, vài tuần gần đây, giá lúa gạo cả xuất khẩu lẫn trên thị trường nội địa đều tăng liên tục.
Theo một số doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo, hầu hết các loại gạo xuất khẩu đều có mức tăng đáng kể so với cách đây 3 tuần.
Đáng chú ý, gạo Jasmine có có mức tăng ấn tượng, đang chào bán ở mức 565-570 USD/tấn, tăng 65-70 USD/tấn so thời điểm cách đây 3 tuần.
Tương tự, gạo 5% tấm của Việt Nam đang được chào bán ở mức 410-420 USD/tấn, tăng 35-45 USD/tấn; gạo 25% tấm có giá bán 370-375 USD/tấn, tăng 25-30 USD/tấn.
Các loại nếp tăng 20-30 USD/tấn. Hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam gần như chỉ thấp hơn so với gạo Thái Lan, còn lại đều ngang bằng hoặc cao hơn các nguồn cung khác.
Tại thị trường nội địa, giá gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng đáng kể. Theo bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lương thực Thực phẩm Long An, hầu hết giá các loại gạo nội địa đều tăng, trung bình tăng trên 1.000 đồng/kg.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt Hưng (Tiền Giang) cho biết, riêng loại gạo Jasmine, hiện doanh nghiệp có nhu cầu mua khá nhiều, nhưng nguồn cung khá hạn chế.
Thậm chí còn xuất hiện tình trạng nông dân, tư thương “găm hàng” chờ giá tăng. Thực tế này dẫn tới tình trạng “tranh mua” giữa các doanh nghiệp, đẩy giá gạo nội địa lên cao hơn gạo xuất khẩu.
Với mức giá tăng quá cao, nếu doanh nghiệp tiếp tục mua vào sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế. Một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng trước đó cũng phải đối mặt với khó khăn khi giá nội địa tăng quá cao.
Lý giải nguyên nhân giá gạo hồi phục mạnh ở cả 2 thị trường, các doanh nghiệp cho rằng, do nhu cầu tiêu thụ gạo của thế giới đang tăng cao trong khi nguồn cung hạn chế. Đặc biệt, thông tin gần đây về nhu cầu nhập khẩu gạo từ Việt Nam ở một số thị trường như Bangladesh, Philippines, Malaysia… làm nóng thị trường gạo trong nước.
Cụ thể, mới đây Bangladesh và Việt Nam vừa ký biên bản ghi nhớ về thương mại gạo, đồng thời nước này thông báo muốn mua khoảng 250.000-300.000 tấn gạo trắng 5% tấm và mua tổng số lượng khoảng 500.000 tấn gạo của Việt Nam từ nay đến hết năm 2017.
Philippines cũng có thông báo chính thức về kế hoạch nhập khẩu 250.000 tấn gạo trong tháng 6-7, nhằm tăng cường lượng gạo dự trữ trước thời điểm trái vụ và phòng trường hợp thóc bị hư hại do mưa bão…
Ngoài ra, việc Thái Lan xả toàn bộ lượng gạo tồn kho khổng lồ giúp thị trường gạo thế giới trở lại với cán cân cân bằng.
Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), 5 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu gạo của Việt Nam sụt giảm so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, nếu tính riêng từng tháng thì từ tháng 4 đến nay, xuất khẩu gạo có mức tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước.
Đơn cử như trong tháng 5/2017, so với cùng kỳ 2016, xuất khẩu gạo đã tăng 27,3% về lượng và 24% về trị giá FOB (giá tại cảng xuất đi). Điều này cho thấy xuất khẩu gạo của Việt Nam đã bắt đầu hồi phục sau một thời gian dài luôn trong tình trạng ảm đạm.
Nguồn tin từ các doanh nghiệp cũng cho biết, mặc dù nhu cầu tiêu thụ đang tăng, song nguồn cung khá hạn chế dẫn đến giá gạo xuất khẩu của các nước trên đà tăng theo.
Ở Việt Nam, lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp hiện không còn nhiều, hầu hết đã có hợp đồng xuất khẩu nhưng chưa giao hàng. Hiện vẫn còn hơn 1,3 triệu tấn gạo đã được các doanh nghiệp ký kết xuất khẩu nhưng chưa giao. Các doanh nghiệp đang chờ vào vụ thu hoạch lúa Hè Thu để tập trung mua vào, đáp ứng nhu cầu.
Theo số liệu của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến ngày 15/6, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống vụ Hè Thu 2017 được 1,58 triệu ha trong tổng số 1,6 triệu ha diện tích theo kế hoạch. Khoảng 280.000 ha diện tích lúa Hè Thu đã được thu hoạch, với năng suất trung bình 6,1 tấn/ha./.
Ý kiến ()