Thứ Tư, 27/11/2024 15:46 (GMT +7)

Giá lúa ĐBSCL vẫn ở mức cao, không có dấu hiệu thương lái chèn ép

Chủ nhật, 26/03/2017 | 15:45:00 [GMT +7] A  A

 

Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa Đông Xuân. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Trái ngược với những vụ thu hoạch trước đây, giá lúa vụ Đông Xuân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đến thời điểm này vẫn đang ở mức khá cao.

Ghi nhận từ một số hệ thống cung cấp giá ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, trong ngày 24/3, giá lúa tươi tại ruộng IR50404 dao động ở mức từ 4.900-5.000 đồng/kg, tăng khoảng 300 đồng/kg so với thời điểm đầu vụ thu hoạch lúa Đông Xuân (ngày 10/2).

Giá lúa tươi OM2514 có giá từ 5.200-5.300 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg. Lúa Jasmine có giá từ 5.700-5.800 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg.

Một số loại lúa khác có sự gia tăng khá cao như lúa OM2514 tăng thêm 500 đồng/kg, thành 5.200-5.300 đồng/kg; lúa OM2517 hiện là 5.700-5.750 đồng/kg, tăng 500-600 đồng/kg; lúa OM4218 có giá 5.300-5.400 đồng/kg, tăng 400 đồng/kg…

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, với tình hình giá cả và việc tiêu thụ lúa gạo vụ Đông Xuân năm nay, dù lợi nhuận của người trồng lúa chưa thực sự được cải thiện rõ rệt nhưng đã có nhiều tín hiệu tích cực.

Theo ông Sơn, vụ Đông Xuân này, không có dấu hiệu người nông dân bị các thương lái, doanh nghiệp chèn ép giá khi thu mua.

Diện tích lúa thu hoạch đến đâu hầu như đều được tiêu thụ hết đến đó, với mức giá khá cao và tương đối ổn định ngay từ đầu vụ.

Cho đến thời điểm hiện nay, thị trường vẫn chưa có dấu hiệu cần phải áp dụng chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo để kích cầu.

Liên quan đến việc giá lúa nội địa cao hơn so với giá xuất khẩu của doanh nghiệp đang khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo gặp khó khăn, đại diện Cục Trồng trọt cho rằng, đây là sự điều hòa lợi nhuận trở lại của các thành viên trong chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo.

Lâu nay, người nông dân được hưởng lợi ít nhất trong chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo. Còn hiện tại, do giá lúa nội địa cao hơn so với giá xuất khẩu nên lợi nhuận của doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu bị giảm đi, chuyển sang cho người trồng lúa.

Việc giá lúa gạo tăng cũng đồng nghĩa với lợi nhuận của người nông dân cũng được cải thiện đáng kể so với các vụ sản xuất trước. Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào năng suất sản lượng thu hoạch.

Dù Cục Trồng trọt dự báo sản lượng thu hoạch lúa vụ Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt trên 10 triệu tấn, tăng gần 200.000 tấn so với vụ Đông Xuân 2015-2016, song trên thực tế ghi nhận từ doanh nghiệp thì năng suất lúa bình quân của một số tỉnh trong khu vực giảm đến 20-30%.

Nguyên nhân chủ yếu là do trà lúa gieo sớm trổ vào thời điểm gặp mưa trái mùa đã ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn, tạo hạt, đồng thời gây đổ ngã khi thu hoạch.

Đồng thời, nhiều diện tích lúa bị sâu bệnh, dịch hại tương đối rộng và mức độ gây hại cao đã tác động đến năng suất lúa. Điều này được cho là tác động khá lớn vào việc người nông dân có thực sự “thắng lớn” trong vụ Đông Xuân này hay không.

Tính đến ngày 15/3, các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được khoảng 750.000 ha diện tích lúa vụ Đông Xuân 2016-2017, đạt khoảng 50% diện tích gieo trồng, với năng suất bình quân đạt 6,7 tấn/ha. Dự kiến vụ thu hoạch này sẽ kết thúc trong tháng 4 tới./.

Hứa Chung/TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu