Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 27/11/2024 09:42 (GMT +7)
Giá tăng trở lại, nghề nuôi tôm ở ĐBSCL bắt đầu khởi sắc
Thứ 5, 17/09/2020 | 11:37:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Xuất khẩu tôm khả quan giúp ngành tôm được vực dậy sau khoảng thời gian ảm đạm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Giá tôm tại vùng ĐBSCL đã tăng trở lại, thị trường xuất khẩu tôm cũng đã xuất hiện những tín hiệu khởi sắc. Với việc Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực, các tỉnh có thế mạnh về con tôm tại ĐBSCL đang rất kỳ vọng tình hình xuất khẩu thời gian tới sẽ khả quan hơn, ngành tôm được vực dậy sau khoảng thời gian ảm đạm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Tại tỉnh Trà Vinh, hiện tôm sú được các thương lái đến tận ao thu mua với giá khoảng 180.000 – 200.000 đồng/kg; tôm thẻ chân trắng có giá 95.000 – 150.000 đồng/kg, bình quân tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với đầu vụ.
Dự báo tình hình thị trường tôm thời gian tới được dự báo tiếp tục khởi sắc.
Ông Trần Thanh Nghiệp (ở xã Hiệp Mỹ Đông, huyện Cầu Ngang) nơi có diện tích chuyên canh tôm thẻ lớn nhất tỉnh Trà Vinh cho biết, đầu vụ thời tiết bất lợi tôm hao hụt nhiều, giá thấp. Nay giá tôm tăng trở lại nông dân phần nào đỡ khó khăn hơn.
“Trong vụ đầu nuôi tôm có gặp thất bát nhưng mọi người tiếp tục nuôi vụ thứ hai. Đến nay chỉ còn 2 tháng nữa là cho thu hoạch, dự kiến thu lãi trên dưới trăm triệu đồng, gỡ được phần lỗ trước đây”, ông Nghiệp cho biết.
Tại tỉnh Bạc Liêu, giá tôm gần đây cũng đã có chuyển biến. Hiện giá tôm sú loại 20 – 25 con/kg có giá từ 190.000 – 200.000 đồng/kg; tôm càng xanh từ 20-30 con/kg, có giá từ 170.000 – 200.000 đồng/kg. Tín hiệu tích cực từ giá tôm làm bà con phần nào đỡ lo lắng và kích thích họ cải tạo ao, mở rộng diện tích nuôi.
Tại huyện Hồng Dân, đến thời điểm này, nông dân trong huyện đã thu hoạch tôm nuôi vụ 2 được gần 20.000 trong tổng số 25.500 ha, với năng suất tăng hơn 50kg/ha so với cùng kỳ. Niềm vui của bà con nhân đôi khi vừa được mùa mà giá tôm thương phẩm cũng đã tăng.
“Nuôi tôm sú năm nay đạt năng suất từ 200-300 kg/ha, tôm càng đạt khoảng 500 – 700kg/ha. Hồi đầu năm giá tôm có phần bấp bênh nhưng đến nay giá tôm kể cả tôm thẻ, tôm sú và tôm càng đang có chiều hướng tăng từ 5%-10% nên người nuôi tôm thấy phấn khởi”, ông Nguyễn Công Danh (ở xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân) chia sẻ.
Theo ngành chức năng các địa phương trong vùng ĐBSCL, nguyên nhân giá tôm tăng là do dịch Covid-19 ở nước ta đã từng bước được khống chế. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã mở cửa lại thị trường, tình hình xuất khẩu tôm đang từng bước ổn định trở lại. Đặc biệt, vừa qua hiệp định EVFTA có hiệu lực, những lợi thế về thuế quan tại thị trường EU cũng góp phần không nhỏ trong kích thích thị trường xuất khẩu, làm giá tôm nguyên liệu tăng.
Tại Cà Mau – tỉnh đứng đầu cả nước về xuất khẩu tôm, kim ngạch xuất khẩu tháng 7 vừa qua đạt 94 triệu USD, tháng 8 đạt khoảng 100 triệu USD. Trong 3 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu tôm của Cà Mau tăng trung bình khoảng 10% mỗi tháng.
Ông Dương Vũ Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Cà Mau cho biết, thị trường xuất khẩu tôm trong nước bắt đầu từ tháng 3 nhưng đối diện với khó khăn do dịch Covid-19. Tuy nhiên, những dấu hiệu hiện nay là hết sức khả quan, dự báo thời gian tới xuất khẩu tôm sẽ còn tăng.
Giá tôm nguyên liệu tại cùng ĐBSCL đã tăng trở lại
Ông Nam cho rằng, cú hích quan trọng cho thị trường đến từ mức ưu đãi thuế quan đối với xuất khẩu tại thị trường EU khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay nước ta đang nắm lợi thế khi khống chế tốt dịch Covid-19, tình hình sản xuất không bị trì trệ, trong khi nhiều nước cạnh tranh trực tiếp với ta vẫn đang phải đối mặt với làn sóng Covid-19.
“Nhìn chung tôm Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh với Ấn Độ, Ecuador vì các nước này chưa kiểm soát được dịch Covid-19 nên các đối tác không nhập hàng của nước này. Trong khi sản phẩm tôm của nước ta đã có thương hiệu, nên được các nước trên thế giới lựa chọn, khiến kim ngạch xuất khẩu tôm những tháng gần đây tăng rất nhanh”, ông Nam phân tích.
Trước những tín hiệu tích cực từ thị trường, dự báo thời gian tới tình hình xuất khẩu tôm sẽ khả quan hơn. Đặc biệt, tại thị trường EU với Hiệp định EVFTA đang mang lại nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp nước ta. Tuy nhiên, EU luôn là thị trường rất khó tính, người dân, doanh nghiệp cần chủ động trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nguồn và chất lượng hàng để đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường này./.
Sa Oanh/VOV-ĐBSCL
Ý kiến ()