Thứ Năm, 28/11/2024 08:40 (GMT +7)

Giải bài toán an toàn thực phẩm: Phi thương bất hoạt

Thứ 2, 05/06/2017 | 09:50:00 [GMT +7] A  A

Luật An toàn thực phẩm năm 2010 đi vào cuộc sống đã chuyển hoạt động quản lý về an toàn thực phẩm theo cơ chế phân khúc sản xuất, kinh doanh sang cơ chế quản lý theo nhóm sản phẩm; đồng thời khắc phục sự chồng chéo trong hoạt động (8 bộ cùng quản lý theo Pháp lệnh Vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2003) nhưng hiện tại vẫn còn “ba bộ cùng quản lý một mâm cơm”: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương.

Để có “mâm cơm an toàn” nên bắt đầu từ đâu?

Có người cho rằng phải bắt đầu từ người sử dụng và kêu gọi “hãy là một người tiêu dùng thông thái”. Điều đó không sai vì có cầu thì mới có cung, người tiêu dùng tẩy chay thì thực phẩm bẩn sẽ không còn đất sống. Tuy nhiên, trong điều kiện cụ thể ở xứ ta thì hầu như không có đất cho sự thông thái, bởi người tiêu dùng không có sự lựa chọn, ngoại trừ mua hàng ngoại nhập. Nhưng rau quả ngoại nhập vào Việt Nam có giá đắt gấp nhiều lần sản phẩm cùng loại trong nước thì đây không phải là lối thoát cho đại đa số người tiêu dùng Việt Nam. Cho nên, chúng ta đành “khuất mắt trông coi”, ăn thực phẩm bẩn biết là sẽ nguy hiểm nhưng nếu có chết thì cái chết cũng đến từ từ, còn không ăn thì có thể… chết ngay.

Nông sản thực phẩm an toàn luôn được người dân quan tâm. Ảnh: Đỗ Phương Anh/TTXVN

Một giải pháp khác, có thể nói là mang tính căn bản giải quyết từ gốc bài toán an toàn thực phẩm, đó là giải pháp bắt đầu từ người sản xuất. Bởi nếu đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người nông dân để họ hiểu, sản xuất thực phẩm an toàn trước hết là để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân họ; còn lợi ích lâu dài là phát triển một nền nông nghiệp bền vững thì họ sẽ tự giác sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch.

Tuy nhiên, khi những người làm ăn gian dối, tắc trách bằng cách lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng bừa bãi… không những vẫn có đất sống mà còn “sống khỏe” thì tất yếu sẽ chèn ép, dồn những người làm ăn chân chính vào chân tường và họ lại phải hùa theo cách làm ăn gian dối, vô lương tâm để tồn tại. Nếu không, họ sẽ không thể cạnh tranh được với sản phẩm bẩn. Sự phá sản của nhiều dự án rau sạch, mô hình nông sản VietGAP là một minh chứng đau lòng.

Như vậy, trong chu trình từ đồng ruộng đến bàn ăn, chỉ còn lại khâu trung gian là lưu thông phân phối.

Người xưa có câu: “Phi nông bất ổn, phi trí bất hưng, phi công bất phú, phi thương bất hoạt” ( “phi thương bất hoạt” chứ không phải là “phi thương bất phú” như cách dùng của nhiều người lâu nay). Xã hội loài người bắt đầu bằng nền kinh tế tự cấp tự túc. Xã hội càng phát triển, thương mại càng đóng vai trò quan trọng, đến mức nếu không có thương mại, sản xuất sẽ đình đốn, xã hội sẽ trì trệ và hỗn loạn. Chẳng nói đâu xa, ngay như nước ta mới ngày nào còn phải phân phối, chia nhau từ cái kim, chiếc lốp xe thì bây giờ, nỗi trăn trở lớn nhất của cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp không phải là sản xuất ra bao nhiêu sản phẩm mà là tiêu thụ hàng hóa ra sao.

Trở lại vấn đề thực phẩm sạch, một điều hiển nhiên ai cũng nhận thấy là, nhu cầu thực phẩm sạch là có thật và ngày càng cao, người nông dân cũng sẵn sàng sản xuất thực phẩm sạch nhưng “cung” và “cầu” này lại không gặp nhau. Người nông dân sản xuất thực phẩm sạch tất nhiên chi phí phải cao hơn nhưng khi bán thì lại bị thực phẩm không sạch cạnh tranh ép giá nên rất khó tiêu thụ. Trong khi đó, người tiêu dùng có nhu cầu thì lại không biết mua thực phẩm sạch ở đâu, nếu có cửa hàng rau sạch thì nhiều người cũng vẫn hoài nghi vì không rõ xuất xứ và cũng khó có gì bảo đảm nguồn thực phẩm đó là sạch.

Như vậy có thể nói, trong chu trình của thực phẩm từ sản xuất đến tiêu dùng, yếu nhất là khâu lưu thông. Có thể nói, khâu bán lẻ thực phẩm ở nước ta hiện nay hầu như bị thả nổi nên rất khó kiểm soát về chất lượng. Ngay trong các siêu thị được coi là “đứng đắn” thì nhiều lần cũng bị phát hiện tuồn thực phẩm không sạch lên kệ hàng. Điều đó dẫn đến mất niềm tin ở người tiêu dùng. Người tiêu dùng không tin ở người bán thì người sản xuất có sạch đến mấy cũng bằng thừa. Đây có thể coi là nguyên nhân chính khiến cho việc thị trường Việt Nam cả “cung” và “cầu” thực phẩm sạch là rất cao nhưng lại không thể gặp nhau.

Có lẽ nhận ra khâu yếu chí tử này mà VINGROUP, một tập đoàn chuyên về bất động sản đã tham gia vào lĩnh vực nông sản theo phương thức khép kín từ gốc đến ngọn. Theo mô hình này, VINGROUP vừa tổ chức sản xuất rau sạch công nghệ cao, vừa tổ chức hệ thống bán lẻ thông qua chuỗi cửa hàng tiện ích Vinmart đang từng bước phủ kín ở những đô thị lớn. Như vậy, bản thân doanh nghiệp vừa kiểm soát được khâu sản xuất, vừa bảo đảm được xuất xứ hàng hóa nên tạo được niềm tin với người tiêu dùng. Hơn nữa, bản thân uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp đã là một sự tín chấp lớn, khiến người tiêu dùng yên tâm và bước đầu doanh nghiệp đã thành công trong lĩnh vực mới mẻ này.

Tương tự như thế, ở Thái Lan lại đang nở rộ “mô hình kinh tế vừa đủ” với sức lan tỏa mạnh mẽ. Có thể rút ra nhiều vấn đề từ mô hình này, nhưng trong bài này chúng tôi muốn nhấn mạnh đến khía cạnh sản xuất và cung cấp thực phẩm khép kín theo hộ gia đình. Nói nôm na thì mô hình này khuyến khích hộ nông dân làm nông nghiệp theo hướng trồng cây gì, nuôi con gì theo cách tự nhiên nhất, để tự đảm bảo cuộc sống cho chính mình, cho gia đình và dần đóng góp cho xã hội. Mở rộng ra, những người thân của hộ nông dân này ở thành phố sẽ đặt hàng để họ sản xuất thực phẩm sạch vừa đủ cung cấp theo đơn đặt hàng. Như vậy, vừa thúc đẩy được nông nghiệp sạch, tạo việc làm ổn định cho nông dân, vừa bảo đảm nguồn thực phẩm sạch cho người thân và bạn bè của họ ở thành phố.

Nói như thế không phải để cổ súy cho phương thức sản xuất – kinh doanh khép kín, mà chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều, để giải quyết ma trận thực phẩm an toàn hiện nay, rõ ràng cần những giải pháp mang tính đồng bộ, từ sản xuất đến tiêu thụ, từ kêu gọi lương tâm, trách nhiệm, tuyên truyền nâng cao nhận thức, xây dựng hành lang pháp lý, hỗ trợ người dân tổ chức sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn, kiểm tra giám sát xử lý vi phạm, tăng cường năng lực hệ thống… nhưng vấn đề quan trọng là cần phải tìm ra được điểm then chốt để đột phá. Nếu không, chúng ta sẽ mãi vướng trong mớ bùng nhùng như kiểu “con gà có trước hay quả trứng có trước” và không thể thoát ra được. Và nếu không, trong tình trạng “ba bộ cùng quản lý một mâm cơm” thì cuối cùng, lại chỉ… người tiêu dùng chịu trách nhiệm.

Từ những phân tích có thể chưa đầy đủ nêu trên, để giải bài toán an toàn thực phẩm, chúng tôi cho rằng cần bắt đầu đột phá từ khâu lưu thông. Nhưng, ngành thương mại sẽ bắt đầu từ đâu, giải bài toán này ra sao, khơi thông điểm nghẽn này như thế nào? Điều này rõ ràng cần một sự nghiên cứu nghiêm túc, bài bản, cần tham khảo kinh nghiệm các nước đồng thời phải tính đến yếu tố truyền thống của thị trường bán lẻ Việt Nam.

Đó quả là điều không hề dễ dàng. Nhưng không có nghĩa khó thì không làm.Và, một trong những vấn đề chúng tôi muốn nêu ra ở đây là, có lẽ cần nghiên cứu những mô hình thích hợp với từng khu vực, đối tượng; đồng thời cần những doanh nghiệp uy tín tham gia lĩnh vực này để trước hết lấy lại lòng tin của người tiêu dùng.

Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của Quốc hội kỳ này, bài toán an toàn thực phẩm sẽ từng bước được giải quyết.

Bùi Văn Doanh (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu