Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 26/11/2024 11:41 (GMT +7)
Giải ‘bài toán’ nghỉ hè mùa COVID
Thứ 2, 31/05/2021 | 11:00:00 [GMT +7] A A
Dịch COVID-19 bùng phát khiến nhiều tỉnh, thành trên cả nước cho học sinh nghỉ hè sớm hơn so với kế hoạch năm học. Nhưng học sinh nghỉ hè vẫn là nỗi lo chưa hoàn thành năm học, tù túng không được tham gia các hoạt động vui chơi văn hoá giáo dục. Đây là câu hỏi lớn với nhiều gia đình, đơn vị chức năng.
Linh hoạt lớp năng khiếu online
Hai con đang độ tuổi tiểu học của gia đình chị Hoàng Thu Ngân (phố Đồng Bông, quận Cầu Giấy, Hà Nội) được nghỉ hè 2 tuần nay nhưng bài kiểm tra cuối năm học vẫn bị treo vì dịch COVID-19. Chị Ngân cho biết: “Các trung tâm năng khiếu, bể bơi đóng cửa. Ngay cả việc các con đá bóng trong khu cũng bị hạn chế vì tập trung đông người”.
“Tôi cũng đau đầu suy nghĩ làm gì để giúp con có thời gian nghỉ hè bổ ích trong bối cảnh dịch”, chị Ngân than thở.
Anh Hoàng Văn Mạnh (phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng cho biết: “Con trai tôi vừa nghỉ hè, vừa lo ôn luyện để không bị hổng kiến thức vì bài kiểm tra học kỳ bị treo vì dịch. Chưa kể, thời gian lên mạng quá nhiều của con cũng khiến tôi lo lắng”.
Trẻ học vẽ online mùa dịch COVID. Ảnh: TT
Không chỉ các bậc phụ huynh, những trung tâm năng khiếu tìm cách “sống chung với dịch”. Sau 3 lần lùi lịch học đàn online, Trung tâm Magic Music phải triển khai lịch cho học sinh học online. Một giáo viên của Trung tâm cho biết: “Học sinh học đàn online là trường hợp bất đắc dĩ, nhưng việc học đàn là cả quá trình liên tục. Trung tâm đưa ra giải pháp là dạy online, giảm mức học phí so với học trực tiếp để duy trì việc học của các con. Mặc dù, soạn một buổi piano trực tuyến vất vả hơn nhiều so với dạy trực tiếp nhưng chúng tôi vẫn cố gắng”.
Buổi học đàn piano trực tiếp diễn ra trong vòng 30 phút, nhưng với lớp học online phải diễn ra cả tiếng đồng hồ. “Chúng tôi đành chấp nhận học theo hình thức này vì trong tình hình hiện nay thì đây là một hoạt động hè của con”, chị Hồng Vui (Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết.
Ở một số trung tâm nghệ thuật về vẽ cũng mở những lớp học online để phụ huynh, học sinh lựa chọn. Tại Tí Toáy Atelier – Xưởng nghệ thuật cho trẻ em, học sinh được học 2 buổi demo trước khi đăng ký chương trình học online. Nhiều phụ huynh cũng lựa chọn hình thức này nhằm đa dạng hoạt động khi con phải ở nhà quá lâu.
Cha mẹ cần có kế hoạch mùa COVID cho con
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, anh Lê Hải Long, Phó Chủ tịch Hội đồng đội Trung ương cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ có văn bản hướng dẫn sinh hoạt hè và tổ chức hoạt động hè cho các em. Một trong những hoạt động nổi bật trong mùa hè này chính là những thước phim về kỹ năng an toàn cho trẻ trong bối cảnh dịch COVID-19. Những vở kịch với những nghệ sĩ nổi tiếng tham gia để công chiếu trực tuyến cho trẻ em. Kỹ năng an toàn là một trong những hoạt động hè, trước mắt, chúng tôi triển khai ở mức tuyên truyền phù hợp với tình hình hiện nay”.
Bên canh đó, Ban Bí thư Trung ương Đoàn cũng chỉ đạo những chiến dịch sinh viên tình nguyện hè, chi viện những vùng dịch. Những hoạt động như “1 triệu ly sữa”, “Hành trình cuốn sách” tặng các học sinh là con những công nhân khu công nghiệp; Chăm lo những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em đang ở trong khu cách ly vì dịch COVID-19 với tên gọi “Chia sẻ cùng em thơ”.
Ở khía cạnh tâm lý, PGS. TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục (Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là gia đình hay các tổ chức xã hội giúp trẻ em cân bằng được các yếu tố như: Thân, tâm, trí. Thân là thân thể, đảm bảo sức khoẻ, vận động; Tâm là tâm lý, thế giới tinh thần được thoải mái, mối quan hệ xã hội cân bằng; Trí là được tham gia vào hoạt động phát triển trí tuệ.
PGS. TS Trần Thành Nam cho rằng: “Cha mẹ cần hiểu được những tâm lý hay cá tính của con. Ví dụ, trong tình hình hiện nay các con có một số phản ứng như buồn chán, từ chối, chống đối. Đây là hệ quả của tâm lý chán nản. Để khắc phục được tình trạng này, bố mẹ cần lập kế hoạch cho con. Với học sinh ở độ tuổi tiểu học, phổ thông, bố mẹ nên để con tự đưa ra thời khoá biểu của con. Vì dựa trên sở thích của con thì cha mẹ mới có định hướng phù hợp”.
PGS. TS Trần Thành Nam dẫn chứng, để con tham gia hoạt động thể thao thì chính bố mẹ và con có thể nhảy những bài zumbar theo nền nhạc mà con yêu thích. Bố mẹ có thể cùng con tham gia những trò chơi lắp ghép, tạo sự khéo léo đôi tay. Trong hoạt động trí tuệ, bố mẹ hướng các con tới hoạt động thủ công, kể chuyện. Ví dụ, thay vì đi thăm bảo tàng trực tiếp thì các con có thể thăm bảo tàng 3D trên mạng. Sau đó, các con có thể kể về những chuyến thăm bảo tàng với bố mẹ…
“Trẻ em hay thanh thiếu niên đều thích phần thưởng. Do đó, đi cùng với những định hướng là phần thưởng phù hợp với sở thích của các con. Điều đó sẽ khích lệ các con thực hiện thời khoá biểu mà con và bố mẹ đưa ra hiệu quả. Các con vẫn có thời gian lên mạng internet nhưng xem gì, ứng dụng điều gì, rất cần sự định hướng của gia đình”, PGS. TS Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Lê Vân/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/giao-duc/giai-bai-toan-nghi-he-mua-covid-20210530101524933.htm
Ý kiến ()