Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 27/11/2024 01:48 (GMT +7)
Giải Cờ vua Quốc tế HDBank 2017: Chuyện về những kỳ thủ đặc biệt
Thứ 6, 17/03/2017 | 14:57:00 [GMT +7] A A
Gần như chìm khuất trong số hơn 130 kỳ thủ góp mặt ở bảng đấu Thách thức (Challengers) thế nhưng họ vẫn nhận được nhiều sự quan tâm từ đồng nghiệp và giới truyền thông. Cả ba kỳ thủ này là một cặp vợ chồng khiếm thị hoàn toàn và một người phải di chuyển bằng xe lăn.
Chàng trai 29 tuổi Nguyễn Văn Quân gương mặt khá điển trai, lúc nào cũng cười rạng rỡ. Mắc chứng bệnh teo tóp cả hai chân khi vừa mới chào đời, anh chưa bao giờ cảm thấy tự ti khi nhìn vào cơ thể khiếm khuyết của mình. “Chân yếu nhưng mình vẫn còn đôi tay lành lặn, còn bộ óc sáng suốt để tư duy, chẳng có lý do gì để cứ buồn thảm mãi” – Quân chia sẻ như thế với bất cứ ai quan tâm.
Làm quen với cờ vua từ năm 2012, Quân quyết định gắn bó ngay. Quân cũng nhanh chóng trở thành thành viên của đội tuyển cờ vua người khuyết tật Việt Nam. Tuy thành tích vẫn chưa đến, cũng chưa có được hệ số Elo để tự tin theo đuổi nghiệp thể thao, Quân vẫn chờ đợi cơ hội.
Không kịp tham dự ở lần tổ chức đầu tiên hồi năm ngoái, lần này, Quân đăng ký góp mặt ở bảng Thách thức của giải HDBank 2017 từ rất sớm và chuẩn bị hết sức chu đáo cho sự kiện này. Những nỗ lực của anh được đền đáp xứng đáng sau 8 ván, kỳ thủ đặc biệt này đã có 5 thắng và 2 hòa, vượt qua hàng loạt kỳ thủ có Elo từ 1.700 trở lên, trong đó có cả những người được phong cấp Kiện tướng quốc tế hay Kiện tướng FIDE. Quân có mặt trong tốp kỳ thủ thứ ba, chỉ kém 4 kỳ thủ dẫn đầu giải lần lượt 1 điểm và 0,5 điểm, hoàn toàn có thể cải thiện được thứ hạng ở ván đấu cuối cùng.
Trong khi đó, kỳ thủ khiếm thị Nguyễn Mạnh Hùng một lần nữa nhận được sự săn đón của báo chí như cách đây một năm. Bầu không khí chộn rộn, hối hả của một giải đấu quốc tế hầu như không ảnh hưởng đến Hùng bởi anh tiếp tục bận rộn với mục tiêu “giành được ít nhất một ván thắng tại giải” để có thêm động lực gắn bó lâu dài với bộ môn mà anh theo đuổi hơn 10 năm qua.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Hùng đã lấy luôn tấm bằng thạc sĩ khoa Tâm lý học và với cương vị trợ lý giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp và Công nghệ trợ giúp người mù Sao Mai (Q.11, TP HCM), anh thường xuyên lập dự án và tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng mềm cho người khiếm thị.
Đến với giải HDBank 2017, Mạnh Hùng còn “rủ rê” được cô vợ Đào Thị Lệ Xuân cùng tranh tài. Cũng là một người khiếm thị từ nhỏ, Lệ Xuân chơi cờ đã được 9 năm sau khi hoàn thành chương trình cử nhân xã hội học trường Đại học Khoa học Xã hội – Nhân văn TP HCM. Cô tham gia dịch thuật, viết sách và cùng chồng góp mặt ở rất nhiều chương trình từ thiện dành cho người khuyết tật.
Hành trang của cặp vợ chồng Mạnh Hùng – Lệ Xuân tại giải HDBank 2017, ngoài bàn cờ chuyên dụng cho người khiếm thị với ô màu nổi hẳn lên, ô trắng hơi chìm xuống và trung tâm mỗi ô có khoét một lỗ tròn nhỏ để “gắn” quân cờ – đế có gắn thêm một đoạn đinh dài – cho khỏi đổ, còn là những tình nguyện viên hết sức kiên trì và nhẫn nại. Kỳ thủ ngồi đánh bao lâu, tình nguyện viên cũng ngồi chừng ấy thời gian, kiêm nhiệm vai trò thư ký ghi biên bản từng nước đi theo quy định của giải sau khi kỳ thủ thực hiện nước đi tương tự trên bàn cờ truyền thống. Thử hình dung sự khó khăn của các kỳ thủ khiếm thị khi thi đấu: Người bình thường chỉ cần quan sát toàn cục và thực hiện nước đi trong vài mươi giây trong khi kỳ thủ khiếm thị phải dùng tay để “nhận biết” cục diện ván cờ, nhớ kỹ từng nước đi của đôi bên trước đó và đưa ra quyết định cho nước đi tiếp theo, trung bình mất đến vài phút cho một nước cờ. “Thư ký” ngồi kế bên, tất nhiên, không được phép nói bất cứ câu gì hoặc làm động tác gì để hỗ trợ ngoài việc nhấn đồng hồ để kỳ thủ biết đã đến lượt đi của mình.
Sau 8 ván, Lệ Xuân đã có được điểm đầu tiên còn Mạnh Hùng kịp giành đến 4 ván thắng, một bước tiến bộ rất dài so với mùa trước không giành được điểm nào. “Quá vui, quá hạnh phúc”, kỳ thủ đặc biệt nhất của giải HDBank 2017 rưng rưng.
Nguồn: Ngọc Hân – thethaovietnam
Ý kiến ()