Trong đó, thu nội địa đạt 45,6% dự toán, tăng 12,4% (không kể thu tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết, cổ tức, lợi nhuận còn lại và thu bán vốn cổ phần sở hữu nhà nước thì đạt 45,5% dự toán, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2016) cơ bản sát với tăng trưởng kinh tế. Thu từ dầu thô đạt 60,1% dự toán, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016 (do giá dầu cao hơn giá dự toán, bình quân 54,6 USD/thùng, cao hơn 4,6 USD/thùng); thu cân đối từ xuất nhập khẩu đạt 49,2% dự toán, tăng 22,2% so cùng kỳ năm 2016, chủ yếu nhờ hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm tiếp tục đà tăng trưởng. Tổng chi NSNN ước đạt 582.960 tỷ đồng, bằng 41,9% dự toán, tăng 8,3% so cùng kỳ năm 2016.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rằng việc giải ngân vốn đầu tư công quá chậm, chỉ đạt 25% dự toán, làm ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế; vốn ngân sách từ năm trước chuyển sang năm nay tính đến nay chưa giải ngân được là 300.000 tỷ đồng. Số vốn mang tính chất “vốn mồi” này nếu giải ngân kịp thời, có thể thu hút khoảng 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư của xã hội cho phát triển kinh tế. Dù trách nhiệm chính là của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhưng cũng có phần trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc phối hợp.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh toàn ngành tập trung cao độ, phấn đấu thu NSNN vượt 5%-8% so với kế hoạch bằng cách mở rộng cơ sở tính thuế để tăng thu nội địa nhưng không lạm thu. Về nhiệm vụ chi ngân sách, yêu cầu theo sát tinh thần Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị là chi theo dự toán. Nếu bộ, ngành và địa phương thu không đạt dự toán thì phải có nguồn tài chính bù đắp, nếu bù đắp không đủ dự toán thì cắt giảm chi tương ứng.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, trong vấn đề giải ngân chậm vốn đầu tư, ngành tài chính chỉ là khâu cuối cùng và để giải ngân, điều quan trọng phải hoàn thành các thủ tục mới có thể thanh toán. “Bộ Tài chính có trách nhiệm phối hợp nhưng cam kết với Phó Thủ tướng là nếu có hồ sơ đầy đủ, hậu kiểm xong sẽ giải ngân hết”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói. Về chi, người đứng đầu ngành tài chính nhấn mạnh, điều hành dự toán ngân sách sẽ tích cực, chủ động, chặt chẽ, đẩy mạnh kỷ luật ngân sách, hạn chế ban hành chính sách chi và cần “cắt giảm chi không cần thiết, chậm triển khai”.
Ý kiến ()