Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 26/11/2024 16:25 (GMT +7)
Giải pháp công trình, phi công trình phòng chống sạt lở hai bờ sông Tiền
Thứ 4, 10/05/2017 | 15:10:00 [GMT +7] A A
Đồng Tháp là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, có sông Tiền dài 122,9 km và sông Hậu dài 34,4 km chảy qua, rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Tình trạng sạt lở xảy ra tại 26-45 xã, phường, thị trấn thuộc 10/12 huyện, thị xã, thành phố. Những năm gần đây, tình hình sạt lở dọc bờ sông chảy qua địa bàn tỉnh Đồng Tháp hết sức phức tạp, gây ra nhiều thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân sinh sống dọc hai bên bờ sông.
Nguyên nhân sạt lở
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, từ năm 2005-2016, các điểm bị xói lở tuy có tăng, giảm theo từng năm, nhưng nhìn chung đang có xu hướng ngày càng mở rộng.
Dòng sông Tiền có 23 – 101 km đường bờ sông bị xói lở, ở mức 20-80% so với tổng chiều dài dòng chính. Về diện tích đất xói lở, trong giai đoạn 2005 – 2016, bờ sông Tiền tỉnh Đồng Tháp mất hơn 290 ha đất do nước cuốn trôi, thiệt hại do xói lở đất, nhà cửa và di dời dân ước tính 320 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Võ Thành Ngoan cho biết, có nhiều nguyên nhân gây sạt lở bờ sông Tiền tại tỉnh Đồng Tháp. Thứ nhất là do động lực dòng chảy kết hợp với cấu tạo nền địa chất mềm yếu của lòng dẫn và do những cồn cát nổi lên ở lòng sông làm thay đổi dòng chảy ép sát bờ gây ra.
Đoạn sạt lở nghiêm trọng bên bờ sông Tiền. Ảnh: Văn Trí/TTXVN |
Xói lở thường diễn ra ở những khu vực các cù lao và nơi dòng sông phân nhánh, khu vực nhập lưu của các nhánh sông, đoạn sông có luồng lạch không ổn định. Thứ hai là do các hoạt động của con người như việc khai thác cát không đúng quy trình; nuôi trồng thủy sản dọc theo bãi bồi ven sông và xây dựng nhà ở, cơ sở sản xuất kinh doanh lấn chiếm mặt sông làm thu hẹp mặt cắt ướt lòng dẫn và sóng do các phương tiện đường thủy gây ra đã dẫn đến tình trạng sạt lở cục bộ.
Từ đầu năm đến nay, tình trạng sạt lở diễn ra thường xuyên nhất ở hai huyện Hồng Ngự và Thanh Bình. Tại huyện Hồng Ngự xảy ra 3 vụ sạt lở tại xã Long Thuận với chiều dài sạt lở là 116m, sâu vào bờ từ 10-20m, diện tích sạt lở 1.630 m2, gây thiệt hại 2 bè cá và khoảng 217 triệu đồng, ảnh hưởng tới 1 hộ dân.
Tại huyện Thanh Bình, từ đầu tháng 4 đến nay, trên địa bàn ấp Bình Hòa, xã Bình Thành đã xảy ra 4 vụ sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, chiều dài sạt lở 210 m, diện tích sạt lở là 1.959 m2. Đặc biệt điểm sạt lở này chỉ còn cách Quốc lộ 30 khoảng từ 15 – 25 m và có nguy cơ đe dọa xâm hại đến Quốc lộ.
Riêng tại huyện Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương vừa có công điện khẩn về tình hình sạt lở bờ sông Tiền khu vực xã Bình Thành, công điện khẩn chỉ đạo UBND huyện Thanh Bình, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó với Biến đổi khí hậu – Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh về tình hình sạt lở bờ sông Tiền tại ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, để kịp thời xử lý khẩn cấp.
Ông Phạm Văn Út ở ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, đã sống ở đây trên 60 năm, cho biết trong vòng 3 năm nay, tốc độ sạt lở bờ sông ở khu vực này diễn ra quá nhanh. Riêng một tháng nay, tình trạng sạt lở liên tiếp xảy ra đã ăn sâu vào đất liền từ 25 – 30m. Nhà của ông cũng đã di dời 6 lần, đến nay không còn đất để dời nên đành chấp nhận sống ở đây trong nỗi lo sợ.
Theo dự báo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, sạt lở bờ sông Tiền sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới, đặc biệt các đoạn bờ sông thuộc các xã Thường Lạc, Long Thuận, Thường Phước, Tân Quới, Tân Bình,Tân Long, An Phong, Bình Thành, Bình Thạnh, Phong Mỹ…
Giải pháp công trình, phi công trình chống sạt lở
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Võ Thành Ngoan nhấn mạnh hai giải pháp công trình, phi công trình chống sạt lở ở tỉnh. Thứ nhất, đối với biện pháp phi công trình, trước mắt là UBND các huyện, thị xã, thành phố giao cho các ngành chuyên môn phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn tổ chức theo dõi, cắm biển báo và tuyên truyền để nhân dân biết, chủ động phòng tránh.
Thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó với Biến đổi khí hậu – Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổ chức các đoàn khảo sát tình hình sạt lở và đề xuất UBND tỉnh giải pháp khắc phục. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố xác định vành đai các khu vực sạt lở, làm cơ sở cho việc di dời dân đến nơi an toàn.
Đối với biện pháp công trình cần xử lý khẩn cấp khắc phục sạt lở khu vực tổng kho xăng dầu và khu công nghiệp Trần Quốc Toản, khóm 4, phường 11, thành phố Cao Lãnh; xử lý khẩn cấp khắc phục sạt lở khu vực chợ Bình Thành, huyện Thanh Bình. Xử lý khẩn cấp khắc phục sự cố sạt lở bờ sông Lấp Vò – Sa Đéc khu vực xã Tân Dương, huyện Lai Vung.
Từ năm 2016 đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã đưa 200 hộ dân từ vùng sạt lở vào cụm tuyến dân cư an toàn, nhưng vẫn còn 531 trường hợp chưa bố trí được quỹ đất để di dân vào. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho biết thêm, tỉnh chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng phương án ứng phó cụ thể cho từng khu vực đang sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở trong thời gian tới; phải bám sát theo phương châm “Bốn tại chỗ” và yêu cầu “Ba sẵn sàng”.
Đồng thời, tỉnh cũng đôn đốc khẩn trương đưa số dân còn lại ở vùng sạt lở vào cụm tuyến dân cư và đầu tư xây dựng thêm các cụm tuyến dân cư phục vụ tái định cư các hộ dân vùng sạt lở mới phát sinh; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình kè chống xói lở đã có quyết định đầu tư; tổ chức nạo vét các bãi bồi, bãi cạn để tăng diện tích mặt cắt ướt lòng dẫn, giảm tốc độ dòng chảy, khơi thông dòng chảy; tăng cường công tác, quản lý, kiểm tra, giám sát việc khai thác cát sông, đặc biệt tại các khu vực đang diễn ra sạt lở nghiêm trọng.
Tỉnh Đồng Tháp mong muốn Chính phủ tăng nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia để đẩy nhanh tiến độ di dời các hộ dân vùng sạt lở dọc hai bên bờ sông Tiền qua địa phận của tỉnh; đồng thời tiếp tục hỗ trợ kinh phí để đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phòng, chống sạt lở đã có quyết định đầu tư, xây dựng thêm các cụm tuyến dân cư mới phục vụ cho việc di dời và ổn định dân vùng sạt lở, hỗ trợ sinh kế và việc làm cho người dân vùng sạt lở di dời vào cụm tuyến dân cư.
Ý kiến ()