Thứ Bảy, 30/11/2024 23:25 (GMT +7)

Giải pháp nào để ĐBSCL phát triển bền vững?

Thứ 2, 17/06/2019 | 09:42:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được xây dựng và lồng ghép vào thực hiện với Nghị quyết 120 nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Như đã đề cập ở bài trước, dù ra đời chưa đầy 2 năm, nhưng Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu đã góp phần đem lại những hiệu quả ban đầu rất đáng khích lệ, hợp lòng dân. Tuy nhiên, trước những biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra gay gắt, đòi hỏi chính quyền và người dân vùng ĐBSCL phải tiếp tục có những bước đi, lộ trình phù hợp; trong đó rất cần những chủ trương, chính sách hỗ trợ từ Trung ương.

Quy hoạch lại sản xuất phù hợp theo điều kiện từng vùng

ĐBSCL là vựa lúa, trái cây, thủy sản lớn của cả nước. Trong sản xuất nông nghiệp, người nông dân được xác định là chủ thể chính để thực hiện Nghị quyết 120, do đó, trong sinh hoạt và sản xuất phải luôn thay đổi theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu. Những phong tục, tập quán canh tác theo kiểu truyền thống nay không còn phù hợp. Tùy theo điều kiện từng vùng, từng địa phương phải thay đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi phù hợp; tích cực tiếp cận những khoa học kỹ thuật mới, diễn biến thời tiết để sản xuất ổn định nhằm tránh rủi ro, giảm giá thành; trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc quy hoạch, định hướng và tạo đầu ra sản phẩm cho nông dân.

Nhà vườn tỉnh Bến Tre dùng cơ giới đào đất đắp đê bao chống triều cường bảo vệ vườn cây ăn trái

Để sản xuất nông nghiệp lâu dài, đề nghị các cấp chính quyền phải có hỗ trợ thiết thực, giải pháp căn cơ. Phải quy hoạch lại sản xuất, có thể quy hoạch lại Cánh đồng mẫu lớn, hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới. Đồng thời, phải có hướng dẫn, định hướng cho nông dân trồng cái gì, sản xuất cái gì và tiêu thụ ở đâu. Có như thế mới giúp cho người nông dân phát triển bền vững, sống được với nghề nông và bám trụ địa phương sinh sống”, ông Nguyễn Tấn Đức, nông dân xã Phú Vĩnh, Thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang nêu ý kiến.

Trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản…của vùng hiện nay, không chỉ phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ nội địa mà phải chuyển sang hướng xuất khẩu. Các địa phương cần nhận rộng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn Viet Gap, Global Gap, sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, liên kết sản xuất rải vụ. Trong sản xuất, phải xoay trục chiến lược sang nuôi trồng thuỷ sản là quan trọng nhất, sau đó đến trái cây, lúa gạo. Tiếp tục thực hiện công tác liên kết vùng, tiểu vùng, liên kết với TP. Hồ Chí Minh trong việc tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp, nhiều địa phương như: Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long tiếp tục nhân rộng mô hình kết hợp với du lịch, thân thiện với môi trường, tạo ra giá trị cộng hưởng.

Theo ông Phan Văn Mãi, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, ĐBSCL là địa bàn sản xuất nông nghiệp rất lớn. Thời gian qua, có rất nhiều giải pháp nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, trong đó, phát triển du lịch ở vùng ĐBSCL được coi là một trong những giải pháp hiệu quả.

Do tác động biến đổi khí hậu, rừng phòng hộ ven đê biển Gò Công (Tiền Giang) thưa dần

Xu hướng sắp tới của nông nghiệp nói chung là gắn kết giữa nông nghiệp và du lịch, nó sẽ định hình nên hướng phát triển nông nghiệp – nông dân – nông thôn. Ở ĐBSCL và Bến Tre (nói riêng) tùy theo từng địa phương, từng sản phẩm có khi nông nghiệp là trụ gắn với du lịch, có khi du lịch là trụ gắn với du lịch, để tạo ra giá trị gia tăng thông qua hoạt động du lịch”, ông Phan Văn Mãi chia sẻ.

ĐBSCL đang đứng trước những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan diễn biến phức tạp như hiện nay, nhất là vấn đề bão lũ, triều cường, sạt lở đất, sạt lở đê ven biển. Tại tỉnh Tiền Giang – Bến Tre có hàng chục km bờ biển xung yếu đang bị đe dọa; hơn 200 điểm sạt lở lớn ven sông, rạch cần được khắc phục. Hàng năm, mỗi địa phương phải chi hàng chục tỷ đồng để khắc phục sạt lở nhưng tình trạng này vẫn tái diễn.

Có “an cư” mới có “lạc nghiệp”, thế nên vùng ĐBSCL cần Trung ương hỗ trợ nguồn kinh phí để nâng cấp, tu sửa hệ thống đê điều thật an toàn, nhất là các vùng ven biển mặt đê vừa là đường giao thông để người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa làm ra đến nơi tiêu thụ. Đồng thời, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm, đầu tư hoàn chỉnh các hệ động cống đập để trữ nước ngọt, kiểm soát nguồn nước mặn; khắc phục kịp thời hơn 600 điểm sạt lở ven sông, cửa sông.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, vấn đề biến đổi khí hậu đang tiếp tục tác động đến sản xuất, đời sống của người dân địa phương; trong khi đó, nguồn lực tại địa phương có hạn.

“Cà Mau 5 năm trở lại đây mức ngập tràn, càng về sau càng nghiêm trọng hơn, sâu hơn và vùng bị ngập rộng hơn. Đường Hồ Chí Minh mới làm xong 2 năm trước, bây giờ ngập, tôi phải huy động anh em ra đắp bờ bao để bảo về đường. Thứ 2 là vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển thấy rất rõ và ngày càng nghiêm trọng hơn. Những cái vùng, khu vực mà đưa vào phải xử lý khẩn cấp ngày càng nhiều. Diện tích đất rừng và cây rừng bị mất hàng năm khoảng 400 – 500ha đất rừng và cây rừng”, ông Nguyễn Tiến Hải cho biết.

Rừng phòng hộ Cà Mau ngày càng mỏng ( Ảnh: Trần Hiếu)

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, dù Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được xây dựng từ trước đó và lồng ghép vào thực hiện với Nghị quyết 120 nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là tăng trưởng nông nghiệp có phát triển nhưng chưa nhiều, chủ yếu vẫn theo chiều rộng thông qua tăng diện tích, tăng vụ và dựa vào nguồn lực tự nhiên. Sản xuất chưa gắn kết được các khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm, các sản phẩm sản xuất chủ yếu bán thô, chưa qua chế biến nên giá trị thấp và thường bị ép giá khi được mùa. Đặc biệt, hệ thống kết cấu hạ tầng nhất là hệ thống thủy lợi còn hạn chế, sạt lở đê biển ngày càng nặng nề hơn.

“Hệ thống đê biển từ Kiên Lương – Kiên Minh kể cả từ Rạch Giá đến Kiên Lương rất xuống cấp nên cần phải đầu tư hệ thống đê bao. Trên đê thì phải có đường theo Nghị định 667 của Chính phủ mà đến nay vẫn chưa làm được. Thứ 2, tỉnh còn 18 cống đập, khi làm xong hệ thống cống này gắn với cống Cái Lớn – Cái Bé nữa thì Kiên Giang mới đảm bảo được trong việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với Nghị quyết 120 của Chính phủ trong nông nghiệp”, ông nguyễn Văn Tâm nói.

Phù hợp với quy luật tự nhiên để tồn tại và phát triển

Theo dự báo, tốc độ sụt lún, ngập lụt vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục ảnh hưởng nặng nề. Khi nước biển dâng lên 1 mét sẽ có gần 39% khu vực bị ngập. Do đó, trong phát triển sản xuất cần phải phát triển theo các vùng riêng biệt, phù hợp. Tại tỉnh An Giang, thực hiện Nghị quyết 120 hướng đến sự phát triển thịnh vượng dựa trên 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường. Địa phương sẽ chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng, gắn với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu.

Một đoạn kè của đê biển Gò Công(Tiền Giang) để chống sạt lở

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 120, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL còn đề xuất các Bộ, ngành Trung ương sớm ban hành các chính sách chung cho toàn vùng để làm cơ sở thực hiện; các chương trình, dự án thực hiện Nghị quyết này phải được đưa vào kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, có chính sách thu hút, khuyến khích đào tạo và nghiên cứu khoa học, ứng dụng đối với các lĩnh vực như liên kết vùng, biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững, môi trường thích ứng biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL.

Trong đợt kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ tại ĐBSCL, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý các địa phương cần nâng cao tính chủ động hơn nữa, biến thách thức thành cơ hội. Công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội cần làm khẩn trương, phù hợp với các công trình thủy lợi phòng chống thiên tai đang đầu tư.

Nông dân tỉnh An Giang sản xuất lúa trong điều kiện lũ dâng cao (Ảnh: Văn Ánh)

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, thực hiện Nghị quyết 120 thì tính chủ động phải cao hơn trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Phải biến thách thức thành cơ hội; trong thách thức và cơ hội này, trước đây phải ngọt hoá nhiều để trồng lúa, nhưng đến thời điểm này cần kiểm soát nguồn nước theo Nghị quyết và thực tiễn ngày nay, nước mặn là tài nguyên và phải biết phát huy tài nguyên này.

“Quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL bây giờ quy hoạch gì cũng vậy phải chuyển cơ cấu phù hợp. Đặc biệt là phải phù hợp với các công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai mà chúng ta đang đầu tư. Nếu chúng ta không làm ngay bây giờ, không làm sớm thì sau này sẽ vướng mọi thứ”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Nghị quyết 120 của Chính phủ bước đầu đã giúp chính quyền và người dân vùng đất chín rồng thay đổi căn bản về tư duy, nhận thức và thay đổi phương thức sản xuất theo hướng “thuận thiên”; phù hợp với quy luật tự nhiên, tôn trọng tự nhiên. Với sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương tin rằng, chính quyền và người dân vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục cụ thể hóa, có những chương trình hành động cụ thể, đạt hiệu quả cao biến những khó khăn, thử thách thành cơ hội để diện mạo vùng đất này ngày càng vươn lên, phát triển bền vững./.

Nhóm PV/VOV-ĐBSCL

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu