Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 26/11/2024 02:52 (GMT +7)
Giải pháp nào kìm đà tăng giá phân bón?
Thứ 4, 23/06/2021 | 15:28:00 [GMT +7] A A
Thời gian qua, giá phân bón tiếp tục tăng cao, khiến sản xuất nông nghiệp của người dân cũng gặp khó.
Nhiều ý kiến cho rằng, giá phân bón tăng do giá nguyên liệu đầu vào tăng phi mã và chi phí vận chuyển tăng nhanh. Do đó, để kìm chế giá tăng và bình ổn thị trường, vẫn cần sự minh bạch về sản lượng sản xuất, bán ra của doanh nghiệp.
Giá nguyên liệu tăng cao
Phân bón bày bán tại một cửa hàng vật tư nông nghiệp ở huyện Thới Lai, Cần Thơ. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN
Từ trung tuần tháng 6 đến nay, giá phân bón tiếp tục neo ở mức cao. Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh, giá phân bón Ure được bán ở mức 10.200 – 10.500 đồng/kg, mức cao nhất trong nhiều năm qua. Giá phân bón DAP cũng đã lên tới hơn 16 triệu đồng/tấn với DAP Trung Quốc xanh 64%, 16,5 triệu đồng/tấn DAP Hàn Quốc và 12,6 triệu đồng/tấn DAP Đình Vũ.
Anh Nguyễn Văn Chung, nông dân tại xã Thanh Thùy – Thanh Oai, Hà Nội cho biết, giá lúa gạo không tăng, thậm chí sụt giảm, nhưng giá phân bón tăng mạnh, có loại 200.000-250.000 đồng/bao khiến chi phí sản xuất lúa của người dân tăng. Bên cạnh đó, giá thuốc, dịch vụ thu hoạch lúa cũng tăng theo, khiến người nông dân không có lợi nhuận.
Theo Cục Hóa chất – Bộ Công Thương, nguyên liệu sản xuất phân bón tăng và chi phí vận tải tăng chính là lí do đẩy giá phân bón tăng. Cụ thể, lưu huỳnh và amoniac là hai nguyên vật liệu chiếm tỷ lệ chi phí cao để sản xuất 2 loại phân bón DAP và MAP.
Hiện nay, giá lưu huỳnh về tới các nhà máy sản xuất tăng hơn 2 lần, từ 95 USD/tấn tăng lên 208 USD/tấn và giá amoniac tăng 31,4% tương đương mức tăng 120 USD/tấn; cùng với giá vận chuyển container tăng từ 3 đến 5 lần…
Đại diện Bộ Công Thương cho hay, hiện nay, 3 nhà máy sản xuất phân bón DAP và MAP của Việt Nam có công suất 710.000 tấn/năm, trong khi đó nhu cầu phân bón DAP và MAP của Việt Nam khoảng 1 triệu tấn/năm, do đó cơ bản 3 nhà máy này đã đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước.
Cùng quan điểm trên, ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, giá nguyên liệu sản xuất phân bón và giá phân bón thế giới để sản xuất các loại phân bón tổng hợp trong tháng 6/2021 tăng mạnh so với tháng 12/2020. Cụ thể, phân đạm ure tăng 62%, DAP tăng trên 54%, Kali tăng 45%, Ammonia tăng tới 60%.
Ngoài lý do nguyên nhiên liệu sản xuất tăng thì nguồn cung phân bón trong khu vực Đông Nam Á đã bị sụt giảm do nhiều nhà máy bước vào giai đoạn bảo dưỡng, sửa chữa. Vì vậy, các yếu tố này đã khiến giá phân bón thế giới và phân bón trong nước bước vào chu kỳ tăng, ông Hà cho hay.
Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường phân bón Việt Nam liên thông với thị trường thế giới. Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do nên có độ mở cao. Mọi biến động về giá trên thị trường thế giới sẽ có tác động trực tiếp tới giá phân bón trong nước. Tuy nhiên, về lâu dài, Việt Nam cần giải pháp để kìm lại đà tăng giá của phân bón, tăng sản xuất và bình ổn thị trường hơn.
Giải pháp nào cho vấn đề “giá”?
Nhân viên một cửa hàng vật tư nông nghiệp ở huyện Thới Lai, Cần Thơ chuẩn bị giao phân bón cho khách. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN
Giá bán phân bón tiếp tục tăng, mặc dù thời gian qua, các doanh nghiệp đầu ngành trong sản xuất phân bón như Phú Mỹ, Cà Mau, Đình Vũ… đều đã tăng công suất sản xuất để phục vụ, đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước.
Theo ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giải pháp cho vấn đề giá phân bón có thể thực hiện bằng việc dừng xuất khẩu phân bón và yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất tăng tối đa công suất sản xuất phân bón DAP, MAP cung ứng trong nước với giá bán hợp lý nhất.
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp cơ bản đã tạm dừng xuất khẩu để ưu tiên phục vụ thị trường trong nước. Mức tăng giá của phân DAP và Ure nhập khẩu luôn thấp hơn mức giá của Ure và DAP của doanh nghiệp trong nước, cho thấy sự chia sẻ của doanh nghiệp với nông dân nước nhà.
Ông Hoàng Trung cho hay, Cục Bảo vệ thực vật cũng đã khuyến cáo, hướng dẫn nông dân căn cứ vào tính chất cây trồng, mùa vụ để sử dụng phân bón hiệu quả nhất và sử dụng theo nguyên tắc 5 đúng (đúng chủng loại phân, đúng nhu cầu sinh lý của cây, đúng nhu cầu sinh thái, đúng vụ và thời tiết, đúng phương pháp). Đồng thời, khuyến khích nông dân sử dụng phân bón hữu cơ bởi loại phân này không những cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng mà còn bảo vệ hệ sinh thái đất. Năm 2020, cả nước đã được trên 2,63 triệu tấn phân bón hữu cơ. Đây cũng là nguồn cần phát huy và sử dụng nhiều hơn trong thời gian tới. Vì Việt Nam có nguồn phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản để sản xuất phân bón hữu cơ rất phong phú. Nếu tận dụng tốt nguồn phụ phẩm này sẽ một phần thay thế được phân bón vô cơ.
Còn theo ông Phùng Hà, để đảm bảo nguồn hàng, trước mắt các doanh nghiệp nên tạm dừng xuất khẩu đồng thời, tranh thủ đẩy mạnh sản xuất trong nước. Để tránh tình trạng sốt giá, găm hàng… thì các doanh nghiệp phải công khai, minh bạch thông tin nguồn hàng, lượng tồn hàng… để người dân biết, yên tâm sản xuất. Khi doanh nghiệp trong nước sản xuất, tự chủ, chất lượng đảm bảo, giá thành cạnh tranh sẽ góp phần đảm bảo nguồn cung, kìm hãm mức tăng giá chung của phân bón.
Ngoài ra, một giải pháp để giá bán phân bón trong nước hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp và người nông dân, Cục trưởng Cục Hóa chất Nguyễn Văn Thanh cho rằng, cần sớm sửa đổi những bất cập trong Luật Thuế 71/2014/QH13, có hiệu lực từ năm 2015. Khi phân bón thuộc diện hàng hoá chịu thuế giá trị gia tăng, các dự án đầu tư sản xuất phân bón cũng như các dự án cải tạo kỹ thuật sản xuất sẽ được khấu trừ chi phí trang thiết bị, công nghệ, do đó sẽ giảm chi phí giá thành và gián tiếp góp phần giảm giá bán phân bón trên thị trường.
Ngoài ra, việc đưa phân bón vào diện chịu thuế cũng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chủ động đáp ứng nhu cầu về số lượng, chất lượng và chủng loại phân bón, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
“Bộ Công Thương thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để theo dõi diễn biến thị trường phân bón và có các giải pháp kiểm soát, bình ổn thị trường cho phù hợp”, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.
https://baotintuc.vn/kinh-te/giai-phap-nao-kim-da-tang-gia-phan-bon-20210623111234525.htm
Ý kiến ()