Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 24/11/2024 21:32 (GMT +7)
Giải pháp phát triển thị trường nông sản sạch
Thứ 4, 19/09/2018 | 17:20:00 [GMT +7] A A
Sáng 19/9, Liên minh nông nghiệp và Tổ chức Oxfam đã tổ chức Diễn đàn chính sách nông nghiệp (VAPF) với chủ đề “Làm thế nào để phát triển thị trường cho nông sản sạch” nhằm nêu rõ những khó khăn và thực trạng hiện nay của sản xuất nông nghiệp sạch để từ đó đưa ra một số khuyến nghị về chủ trương và chính sách đối với nông sản sạch.
Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Phương Anh/TTXVN
Theo Tiến sĩ khoa học Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, nông nghiệp hữu cơ kết hợp phương pháp canh tác truyền thống với những tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm mang lại lợi ích cho môi trường, thúc đẩy mối quan hệ bình đẳng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả các thành phần tham gia vào nông nghiệp hưu cơ. Dựa trên 4 nguyên tắc chung của sản xuất hữu cơ gồm: sức khỏe – sinh thái – sự công bằng – sự cẩn trọng.
Nông nghiệp hữu cơ ở nước ta được biết đến vào đầu năm 1990 do các tổ chức phi chính phủ đến Việt Nam nghiên cứu và đầu tư như dự án trồng chè hữu cơ tại xã Tức Tranh, huyện Phú Lương (Thái Nguyên), dự án rau an toàn tại Hà Nội, sau mở ra các địa phương khác như Lào Cai, Tuyên Quang, Hòa Bình… Các hộ nông dân, cán bộ tham gia dự án đã được các chuyên gia nước ngoài đào tạo về kiến thức và thực hành nông nghiệp hữu cơ. Những mô hình sản xuất hữu cơ và nguồn nhân lực đã được đào tạo vẫn đang còn phát huy tác dụng tiên phong trong phong trào sản xuất hữu cơ hiện nay ở Việt Nam như sản xuất rau ở Lương Sơn (Hòa Bình), xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), chè Shan Tuyết Bắc Hà (Lào Cai), cam ở Hàm Yên (Tuyên Quang)…
Tuy nhiên, đến nay người tiêu dùng trong nước chưa biết nhiều và hiểu nhiều về nông nghiệp hữu cơ và sản phẩm hữu cơ, do vậy chưa tồn tại, hình thành thị trường tiêu thụ tại chỗ và chưa khuyến khích các nhà sản xuất chuyển đổi từ nông nghiệp thông thường sang nông nghiệp hưu cơ. Hạ tầng phụ trợ như chứng nhận, xúc tiến thương mại, cơ chế đầu tư, dịch vụ, cung ứng vật tư cho nông nghiệp hữu cơ hầu như chưa có. Bên cạnh đó, phí chứng nhận sản phẩm hữu cơ của tổ chức quốc tế quá cao, trong khi tiêu chuẩn của Việt Nam mới ban hành các tổ chức chứng nhận trong nước chứng nhận theo TCVN đang nhận được sự quan tâm của cả cộng đồng.
Để phát triển thị trường cho nông sản sạch tại Diễn đàn, các đại biểu cũng cho rằng, UBND các tỉnh, thành phố cả nước cần sớm triển khai đưa Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ đưa vào thực tiễn địa phương. Các địa phương có thể ban hành thêm các chính sách ưu tiên của tỉnh cho phát triển nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, huyện nên có đề án hoặc nghị quyết chuyên đề về phát triển nông nghiệp hữu cơ của tỉnh, địa phương.
Ngoài các chính sách khuyến khích sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã quy định tại Nghị định 109/2018/NĐ-CP, các địa phương cần chủ động và cụ thể hơn trong phát triển hữu cơ tại địa phương như hỗ trợ: sản xuất phân bón hữu cơ; giống cây trồng, vật nuôi hữu cơ; phân bón, thức ăn hữu cơ.
Đối với các cá nhân, tổ chức tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ và sử dụng sản phẩm hữu cơ cần định hướng rõ thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ của gia đình, trang trại (chợ địa phương, khu vực dân cư, siêu thị hay xuất khẩu…) Mỗi thị trường đều có các yêu cầu về tiêu chuẩn hữu cơ riêng và để đáp ứng được các yêu cầu đó cần phải đảm bảo tìm hiểu thị trường, tiêu chuẩn và các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm theo luật.
Các tổ chức chứng nhận nâng cao trình độ, hiểu biết trong chứng nhận hữu cơ, giữ vững chữ “tâm” với nghề đảm bảo chứng nhận đúng, đủ các nguyên tắc của tiêu chuẩn hữu cơ, minh bạch các hoạt động của tổ chức chứng nhận, khuyến khích người sản xuất theo đúng tiêu chuẩn hữu cơ đã lựa chọn và góp phần làm minh bạch thị trường. Không bao che cho các đơn vị sản xuất chưa đạt chuẩn mà vẫn được chứng nhận, điều này gây méo mó thị trường và mất niềm tin của người tiêu dùng vào sản phẩm hữu cơ có chứng nhận.
Ý kiến ()