Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 24/11/2024 13:33 (GMT +7)
Giải quyết những vấn đề nóng của giáo dục trong năm học 2017 – 2018
Thứ 3, 22/08/2017 | 15:10:00 [GMT +7] A A
Trước thềm năm học mới 2017 – 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những đánh giá lại về năm học vừa qua, cũng như giải quyết những vấn đề nóng trong năm học tới.
Đó là mạng lưới trường lớp chưa phù hợp, tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ; việc tự chủ quản trị trong trường học còn hạn chế; tiến độ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể chưa đảm bảo… Đây cũng chính là những vấn đề nóng trong năm học 2017 – 2018 mà Bộ cần giải quyết.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu trong buổi tổng kết năm học 2016 – 2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017 – 2018. |
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã chỉ ra những điểm nóng của ngành giáo dục trong năm học 2016 – 2017. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết: Việc quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp học ở một số địa phương còn chưa phù hợp, chậm hướng dẫn triển khai; thiếu trường, lớp ở các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết. Năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên còn yếu, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới; năng lực quản trị của một bộ phận cán bộ quản lý trường học còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới.Trước những vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị các địa phương giải quyết những nhóm nhiệm vụ cụ thể trong năm học 2017 – 2018.
Đó là, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục, trọng tâm là các cơ sở đào tạo giáo viên. Bộ trưởng yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát, quy hoạch lại mạng lưới trường, lớp học gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Đẩy nhanh việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, theo đó, các trường có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn làm trung tâm, các trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm để trước mắt tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại đội ngũ giáo viên cho các địa phương.
Chuẩn bị các điều kiện để triển khai có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, tập trung vào công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo. Theo đó, đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục và các chương trình đào tạo; đề ra các giải pháp quyết liệt để Hội đồng trường đi vào hoạt động hiệu quả và thực chất hơn.
Để thực hiện 3 nhóm nhiệm vụ chính thì ngành giáo dục đã đề ra 5 giải pháp cơ bản là hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về giáo dục và đào tạo là rà soát văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục nhằm phát hiện các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với thực tế, không đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo để kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc thay thế.
Đẩy mạnh cải cách hành chính về giáo dục và đào tạo; Tập trung xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học. Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng bảo đảm công khai, minh bạch với các tiêu chí rõ ràng, cụ thể gắn với hiệu quả công việc được giao.
Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp, theo đó, ban hành các chuẩn, tiêu chí cán bộ quản lý các cấp và triển khai chương trình, kế hoạch bồi dưỡng đạt chuẩn các vị trí chức danh quản lý.
Xây dựng quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giáo dục chủ chốt ở các cấp, các trường để tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý phong phú, có chất lượng; thực hiện bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ chủ chốt các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, các cơ sở ở địa phương, đảm bảo phù hợp với năng lực, sở trường của từng cán bộ, góp phần nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành.
Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo sẽ cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng hiệu quả, bố trí hợp lý cho chi đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; tăng cường xã hội hóa giáo dục, nâng cao hiệu quả, đa dạng hóa nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo.
Các địa phương thực hiện có hiệu quả xây dựng nhà công vụ, nhà bán trú cho giáo viên, học sinh để phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn…
Tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, rà soát, xây dựng văn bản quy định về trường đạt chuẩn quốc gia và chuẩn công nhận kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo hướng tích hợp để các địa phương thuận lợi trong việc triển khai thực hiện. Ban hành bộ chỉ số đánh giá chất lượng giáo dục địa phương.
Đẩy mạnh kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục và đào tạo, các chương trình đào tạo, chú trọng kiểm định theo các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế, trên cơ sở đó phân tầng, xếp hạng, quy hoạch lại mạng lưới, giao quyền tự chủ và nâng cao hiệu quả đầu tư; tăng cường công tác tự đánh giá, đánh giá ngoài, cải tiến nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Tiếp tục thực hiện công tác khảo thí theo hướng đánh giá năng lực người học, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác khảo thí, bảo đảm công bằng, khách quan, chính xác, tin cậy, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho người dạy và người học.
Đẩy mạnh công tác truyền thông về giáo dục và đào tạo, theo đó, ban hành kế hoạch truyền thông năm học 2017 – 2018; xây dựng và triển khai kế hoạch truyền thông một cách bài bản, chuyên nghiệp.
Đánh giá về năm học vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết: Đó là công tác tự chủ, trách nhiệm giải trình với xã hội của các cơ sở đào tạo còn hạn chế; việc thực hiện tự chủ đại học chưa gắn liền với đổi mới quản trị nhà trường. Các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Việc ban hành văn bản còn chậm, chưa đồng bộ; công tác xử lý vi phạm sau thanh tra ở một số địa phương chưa nghiêm.
Mặc dù việc phổ cập mầm non 5 tuổi đã được ngành giáo dục nỗ lực nhưng năm qua chất lượng chăm sóc, giáo dục mầm non chưa đồng đều giữa các vùng miền; một bộ phận giáo viên còn hạn chế năng lực thực hành, kỹ năng tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ; tỷ lệ giáo viên mầm non/lớp ở một số địa phương còn thấp.
Vấn đề nóng được dư luận quan tâm là chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, một trong những điểm nhấn trong việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục thì vẫn chậm tiến độ. Do việc thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục ở một số địa phương còn chưa nghiêm túc; chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn thấp so với yêu cầu. Chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước; tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường chưa tìm được việc làm còn nhiều.
Ý kiến ()