Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 25/11/2024 03:43 (GMT +7)
Giải thưởng Loa Thành: Bao giờ hết trên giấy
Thứ 4, 23/12/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Giải thưởng Loa Thành – giải thưởng vinh danh những đề án suất sắc của sinh viên chuyên ngành đào tạo về kiến trúc và xây dựng. Tuy nhiên, trải qua 27 mùa giải, có hàng trăm đề án tốt ra đời, nhưng vẫn chưa có một đề án nào được đưa vào sử dụng.
Vinh danh những ý tưởng sáng tạo
Ngày 20/12/2015, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam và Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã phối hợp cùng Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức lễ trao Giải thưởng Loa Thành lần thứ 27, năm 2015. Tại lễ trao giải lần này, Ban tổ chức (BTC) đã trao 48 giải chính thức, bao gồm 4 giải nhất, 22 giải nhì và 22 giải ba cho các đề án xuất sắc. Bên cạnh đó, BTC còn trao 29 giấy khen cho các sinh viên có đồ án tuy chưa đạt hết các tiêu chí của cuộc thi, nhưng đã có ý tưởng sáng tạo, có đề tài độc đáo và mới lạ; ứng dụng khoa học công nghệ mới; đồ án hướng tới cộng đồng và đồ án có xu hướng công trình bền vững, công trình xanh…
Giải thưởng Loa Thành lần thứ 27 đã trao giải nhất cho 4 đề án, trong đó có 2 đề án thuộc về chuyên ngành kiến trúc – quy hoạch, gồm đồ án “Trung tâm văn hoá Lý Sơn-Quảng Ngãi” của sinh viên Võ Trường Giang, Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh và đồ án “Thiết kế nội ngoại thất trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh cơ sở Đà Lạt” của Nguyễn Hữu Chí Thiện, trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, đồ án “Trung tâm văn hóa Lý Sơn – Quảng Ngãi” được BTC đánh giá cao, bởi đây là công trình có quy mô lớn, nhưng ý tưởng tạo hình đã thể hiện sự tinh tế nhất định. Đồ án được thể hiện công phu, trình bày dễ hiểu, hình ảnh mô phỏng ấn tượng. Việc nghiên cứu kỹ các hoạt động trong cuộc sống trên đảo đã cho tác giả nhiều chất liệu để xử lý các chi tiết trong không gian hoạt động. Tuy nhiên, theo các thành viên BTC, để đồ án có tính khả thi cao thì tác giả cần khai thác tốt hơn các yêu tố biến đổi với một hòn đảo và nghiên cứu sâu hơn tính bền vững và an toàn.
Chuyên ngành xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp có một giải nhất, thuộc về đồ án “Thiết kế chung cư cao cấp kết hợp trung tâm thương mại 15 tầng, quận 2, TP. Hồ Chí Minh của sinh viên Lê Minh Thảo (Trường Đại học mở TP. Hồ Chí Minh). Chuyên ngành Kinh tế và quản lý xây dựng có một giải nhất, thuộc về đồ án “Lập dự án đầu tư xây dựng công trình toà nhà hỗn hợp cao tầng 16B Nguyễn Thái Học, Hà Đông, Hà Nội” của sinh viên Trần Thị Trang, Trường Đại học Xây dựng.
GS.TSKH Nguyễn Tài, Uỷ viên Hội đồng giám khảo, Trưởng BTC Giải thưởng Loa Thành lần thứ 27 cho biết: Năm 2015 có 23 trường gửi 173 đồ án tham gia dự thi. Trong đó có 76 đồ án thuộc khối ngành kiến trúc quy hoạch và 97 đồ án thuộc kỹ thuật công trình – kinh tế.
Theo đánh giá của GS.TSKH Nguyễn Tài, nhìn chung, các đề tài dự thi năm nay đa dạng hơn, nhưng phân bố không đều. Đề tài về công trình công cộng vẫn chiếm đa số, trong khi các đề tài thiết thực, sát với nhu cầu xã hội đương đại còn chưa nhiều. Bên cạnh đó, các trường vẫn khuyến khích sinh viên chọn các nội dung đồ án quá hoành tráng, khối lượng quá lớn, dẫn đến việc sinh viên không đủ thời gian và kiến thức để hoàn thành, tạo nên việc sao chép, nội dung lan man, dàn trải, không logic, không sâu, tốn kém, không hiệu quả. Một số đồ án có phương pháp nghiên cứu, phân tích khoa học, trình bày bài bản, nhưng cũng có nhiều đồ án quá sa đà vào chuyên đề nghiên cứu, bỏ qua tiêu chí về yêu cầu đào tạo của các chuyên ngành… Theo GS.TSKH Nguyễn Tài, trong những năm tới, BTC cần đặt ra quy định về quy mô đồ án dự thi, như giới hạn một đồ án trên dưới 100 trang, 12-14 bản vẽ…), đồng thời khuyến khích các sinh viên chọn các công trình bền vững, công trình xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân…
Vẫn chỉ là trên giấy
Tính đến năm 2015, Giải thưởng Loa Thành đã trải qua 27 mùa giải, có 23 trường tham gia, với tổng số 2.369 đồ án dự thi. Trong đó, BTC đã chọn và trao 151 giải nhất, 330 giải nhì và 415 giải ba cho các đồ án xuất sắc. Theo đánh giá của BTC, có rất nhiều đồ án được các em thực hiện tốt, với những ý sáng tạo, độc đáo và mới lạ, cũng rất nhân văn… song, tất cả vẫn chỉ là trên giấy, mà chưa có một đồ án nào được sử dụng, được ứng dụng vào đời sống.
KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, thành viên Hội đồng Giải thưởng cho biết, trải qua 27 kỳ giải thưởng Loa Thành, đến nay, BTC đã chọn và trao giải thưởng cho hàng trăm đồ án tốt, nhưng đáng tiếc là chưa có một đồ án nào được cơ quan nhà nước, ngành xây dựng cũng như chưa có địa phương nào tiếp nhận, triển khai để đưa những ý tưởng của đồ án thành hiện thực. “Đó là một sự lãng phí và là điều rất đáng tiếc, không chỉ riêng ở giải thưởng Loa Thành, mà còn ở nhiều giải thưởng sáng tạo khác của các bạn thanh niên”, KTS Phạm Thanh Tùng nói.
KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, Giải thưởng Loa Thành tôn vinh những ý tưởng sáng tạo của sinh viên, nhằm động viên và phát huy tài năng của thế hệ trẻ, nhưng việc vận dụng và đưa những đồ án đó vào cuộc sống là cả một quãng đường dài, cần có hỗ trợ của nhiều cơ quan, đơn vị, trong đó cần có sự hỗ trợ tuyên truyền của các cơ quan truyền thông. Đặc biệt, rất cần có sự quan tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước, để tận dụng những ý tưởng này vào cuộc sống. “Cho dù là một đồ án không hoàn chỉnh, nhưng nếu chỉ cần biết vận dụng một phần ý tưởng trong đó thì cũng đã là một việc rất tốt. Tôi lấy ví dụ, trong khi chúng ta đang bỏ hàng nghìn tỉ đồng để làm các giải pháp cho giao thông an toàn, nhưng ngay trong các đồ án tốt nghiệp lần này, đã có em sinh viên làm đồ án về giải pháp cho giao thông an toàn. Hoặc ví dụ như đồ án “Làng nổi trên đảo chìm Đá Tây – Trường Sa” của Nguyễn Phạm Sơn Tùng, về những ngôi nhà nổi liên kết tạo thành cụm dân cư trên đảo tiền tiêu bảo vệ vùng biển đảo của Tổ quốc… Nếu được cơ quan có trách nhiệm xem xét kỹ đồ án, có thể nâng lên, tôi cho rằng đó là một đồ án rất tốt, rất nhân văn ”, KTS Phạm Thanh Tùng khẳng định.
Phương Hà– TTXVN
Ý kiến ()