Thứ Sáu, 29/11/2024 01:54 (GMT +7)

Giảm thuế thu nhập cá nhân: Những ai được hưởng lợi?

Thứ 4, 16/08/2017 | 15:26:00 [GMT +7] A  A

Luật thuế thu nhập cá nhân giảm từ 7 bậc còn 5 bậc nên người nộp thuế ở bậc 1 và 2 có lợi, nhưng vẫn còn những ý kiến khác đối với người thu nhập cao.

Chiều 15/8, Bộ Tài chính họp báo thông tin về những điểm bộ này đề xuất trong một luật thuế mới sửa 5 luật thuế khác. Nếu được thông qua, nhiều người dân sẽ bớt gánh nặng thuế thu nhập cá nhân nhưng có thể phải tăng nộp một số loại thuế khác.

Đa số sẽ được giảm thuế

Tại buổi họp báo, ông Phạm Đình Thi – vụ trưởng Vụ Chính sách thuế Bộ Tài chính – cho biết biểu thuế thu nhập cá nhân mới dự kiến chỉ còn 5 bậc thuế thay vì 7 bậc như hiện nay.

Cán bộ Chi cục Thuế quận Bình Thạnh, TP HCM hướng dẫn người dân khai thuế.

Mục tiêu sửa đổi là để phù hợp với thực tế, đơn giản, dễ tính toán và tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Thời gian qua, nhiều ý kiến phản ảnh biểu thuế lũy tiến từng phần với 7 bậc là quá nhiều.

Hơn nữa, khoảng cách giữa các bậc quá hẹp dẫn đến thu nhập của người dân vừa tăng một chút đã phải chịu bậc thuế cao hơn, tăng số thuế phải nộp.

Ngoài ra, thu nhập tính thuế ở từng bậc theo số lẻ dẫn đến khó nhớ, người nộp thuế khó khăn trong việc tự xác định số thuế phải nộp.

Để thực hiện chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011-2020 là sẽ giảm thuế trực thu, Bộ Tài chính cho biết đã trình Chính phủ cho sửa đổi biểu thuế lũy tiến từng phần theo hướng giảm bậc thuế chỉ còn 5 bậc và giãn khoảng cách giữa các bậc.

Ông Thi cũng khẳng định việc này chắc chắn sẽ giúp những người đang có thu nhập chịu thuế ở bậc 1 và 2 hiện nay sẽ có lợi. Bởi số tiền thuế phải nộp sẽ giảm.

Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thuế, 70% người nộp thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công nộp thuế từ bậc 2 trở xuống. Như vậy, đa số người nộp thuế có thu nhập từ tiền công, tiền lương được giảm thuế.

Cụ thể, nếu thu nhập tính thuế của một người đang là 10 triệu đồng, với bậc thuế hiện hành sẽ phải nộp tới 750.000 đồng/tháng. Với biểu mới Bộ Tài chính đề xuất, tiền thuế chỉ còn 500.000 đồng.

Tuy nhiên, mức thuế được giảm theo một số dẫn chứng của Bộ Tài chính cũng không nhiều. Ví dụ ông A có thu nhập 40 triệu đồng/tháng, Vụ Chính sách thuế cho biết sau khi giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng cho bản thân ông và 7,2 triệu đồng cho 2 người phụ thuộc, số tiền thuế mỗi tháng mà ông A được giảm 1,23 triệu đồng.

Biểu thuế thu nhập cá nhân hiện hành

Bậc thuế

Phần thu nhập tính thuế/ tháng (triệu đồng)

Thuế suất (%)

1

Đến 5

5

2

Trên 5 đến 10

10

3

Trên 10 đến 18

15

4

Trên 18 đến 32

20

5

Trên 32 đến 52

25

6

Trên 52 đến 80

30

7

Trên 80

35

Biểu thuế đề xuất sửa đổi

Bậc thuế

Phần thu nhập tính thuế/ tháng (triệu đồng)

Thuế suất (%)

1

Đến 10

5

2

Trên 10 đến 30

10

3

Trên 30 đến 50

20

4

Trên 50 đến 80

28

5

Trên 80 triệu

35

Nên giãn khoảng cách hơn nữa

Bà Đỗ Thị Thìn – nguyên phó chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, việc giảm bậc thuế từ 7 xuống còn 5 bậc cũng tốt, có lợi nhất cho những người đang nộp thuế ở bậc 1 và 2.

Song bà Thìn cũng lưu ý, việc cốt yếu cần sửa là phải giãn khoảng cách giữa các bậc thuế nhiều hơn nữa. Nhất là bậc thuế cuối cùng, phần thu nhập tính thuế cần được nâng lên 120 triệu đồng thay vì 80 triệu đồng như đề xuất. Bởi thông lệ các nước, khoảng cách giữa bậc 1 với bậc cuối cùng là 16 lần, trong khi của ta chỉ là 8 lần.

Đồng tình với ý kiến của bà Thìn, một vị chuyên gia về thuế thu nhập cá nhân cho rằng, nên nới rộng khoảng giữa các bậc thuế. Vì như đề xuất của Bộ Tài chính, mức thuế giữa các bậc vẫn rất gần nhau từ 5%, 10%, 20%, 28% và 35%.

Do đó, người có thu nhập 100 triệu đồng/tháng, sau khi giảm trừ gia cảnh cho mình và 2 người phụ thuộc, số tiền thuế phải nộp lên tới gần 23 triệu đồng/tháng. Đây là mức khá cao.

Bên cạnh đó, vị này cũng đề xuất nên sửa quy định về người nộp thuế được miễn giảm tiền thuế thu nhập cá nhân khi chính người nộp thuế và người phụ thuộc bị mắc bệnh hiểm nghèo.

Vướng mắc này đã có từ lâu, phía Bộ Tài chính nhận thấy nhưng không hiểu sao không sửa lần này. Thực tế, khi người nộp thuế khỏe mạnh phải nộp thuế. Khi ốm, quy định hiện nay chỉ chấp nhận giảm tiền thuế khi họ bị bệnh hiểm nghèo như ung thư…

Và số tiền thuế được giảm không quá số tiền thuế phải nộp. Trong khi đó, tiền chữa bệnh hiểm nghèo lên đến vài trăm triệu đồng và có người sống chung với bệnh cho đến lúc chết.

Nói tóm lại, quy định hiện hành chưa thực sự công bằng và nhân văn đối với người nộp thuế và cần phải được sửa đổi thêm…

Trúng vé số phải nộp thuế nhiều hơn

Theo ông Phạm Đình Thi, Bộ Tài chính cũng đã đề nghị tăng thuế đối với thu nhập từ trúng thưởng. Theo đó, thay vì mức thuế là 10% đối với thu nhập từ 10 triệu đồng, Bộ Tài chính đề xuất biểu thuế lũy tiến với thu nhập từ trúng số.

Cụ thể từ 0-5 triệu đồng có thuế suất 10%, trên 5 triệu đến 10 triệu đồng là 20% và thuế suất 30% đối với thu nhập trên 10 triệu đồng.

Ông Thi giải thích từ khi VN xuất hiện mô hình trả thưởng của xổ số Vietlott, có ý kiến cho rằng cần phải nâng mức thuế đối với thu nhập từ trúng xổ số. Bộ Tài chính thấy việc tăng lên là phù hợp nên đề xuất thực hiện./.

Theo Lê Thanh/Báo Tuổi trẻ

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu