Thứ Hai, 25/11/2024 09:39 (GMT +7)

Giáo dục đi về đâu khi vẫn còn tiêu cực, sai phạm trong các kỳ thi

Thứ 5, 30/05/2019 | 16:17:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – ĐB Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, Bộ GDĐT đang nỗ lực cải tiến cho Kỳ thi THPT 2019 nghiêm túc, an toàn nhưng ai dám đảm bảo sai phạm sẽ không xảy ra.

Người dân, cử tri mất niềm tin vào giáo dục

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng ngành giáo dục vẫn được coi là một khoảng tối trong xã hội hiện nay. Theo ông, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ GD-ĐT chỉ loay hoay với những vấn đề mà dường như ít đem lại kết quả cho mục tiêu phát triển giáo dục đã đề ra. Cụ thể, nhiều sáng kiến về cải cách, tuy nhiên, trong khi chưa đạt được thành tựu gì rõ ràng mà sai phạm vẫn tiếp tục nảy sinh. Tiếp xúc với cử tri, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, nhiều cử tri phàn nàn về chất lượng giáo dục, bệnh thành tích, cho thấy người dân không yên tâm và mất niềm tin trong giáo dục.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận).

“Thử hỏi giáo dục của chúng ta sẽ đi về đâu, khi mà vẫn còn tình trạng tiêu cực trong xã hội vẫn còn nặng nề, vẫn còn tình trạng thị trường chứng chỉ văn bằng giả rất sôi động”- đại biểu Nguyễn Sỹ Cương băn khoăn.

Về những sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, ngành giáo dục- đào tạo vẫn chưa thấy hết những hệ quả tệ hại mà những sai phạm, gian lận của Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 gây ra. Sự việc đó khiến dư luận vô cùng bức xúc, xã hội mất niềm tin.

Theo đại biểu Cương, là người tổ chức kỳ thi do chính mình xây dựng nên nhưng Bộ GD-ĐT không kiểm soát được, ngay cả khi xảy ra sai phạm Bộ cũng không phát hiện được mà do nhóm thầy giáo ở Hà Nội phát hiện và tố giác, khi đó Bộ mới vào cuộc.

“Điều đáng nói, sau khi làm rõ những sai phạm, việc công khai danh tính những người liên quan đến vụ việc này thì Bộ GD-ĐT lại không có chính kiến rõ ràng vì cho rằng nhạy cảm, cần nhân văn nhưng xin thưa tất cả những mất mát từ vụ việc này chính là đạo đức xã hội. Chỉ khi xử lý triệt để vụ việc này mới lấy được niềm tin của người dân và để người dân tin rằng. Sau khi sai phạm xảy ra, Bộ đang nỗ lực cải tiến cho Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 nghiêm túc, an toàn nhưng ai dám bảo đảm sai phạm đó sẽ không xảy ra.”- đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho biết.

Đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) cũng cho rằng, thời gian qua, tình trạng bạo lực học đường và tình trạng xâm hại trẻ em, những vi phạm thi cử và xử lý trong cán bộ vi phạm, trách nhiệm của các cấp cho đến Bộ GD-ĐT về công tác quản lý nhà nước chưa được xác định rõ, đang gây bức xúc trong cử tri và nhân dân. Bên cạnh đó, việc phát triển nguồn nhân lực được coi là mũi nhọn, đột phá, tuy nhiên làm sao khắc phục tình trạng thừa thầy, thiếu thợ. Đặc biệt trong lĩnh vực dạy nghề, đào tạo nhân lực không được sử dụng hoăc không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và nhu cầu tổ chức của doanh nghiệp./.

Theo Thy Hạt/VOV.VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu