Thứ Hai, 25/11/2024 14:29 (GMT +7)

Giáo dục thường xuyên: Không đánh đổi chất lượng lấy số lượng

Thứ 6, 02/08/2019 | 14:58:00 [GMT +7] A  A

Ngày 2/8, tại Nghệ An, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2019-2020 đối với Giáo dục thường xuyên.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bích Huệ/TTXVN

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết: Trong năm học 2018-2019, Giáo dục thường xuyên đã có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó số lượng người học các chương trình giáo dục thường xuyên vẫn được duy trì ở quy mô lớn, công tác xóa mù chữ có những tiến bộ đáng kể.

Đa số các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Số lượng Trung tâm ngoại ngữ, tin học tăng, đáp ứng gần 2 triệu lượt người học.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nêu rõ: Bên cạnh những mặt tích cực, Giáo dục thường xuyên vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập như mạng lưới cơ sở Giáo dục thường xuyên phát triển chưa tương xứng với nhu cầu học tập của người dân. Việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở Giáo dục thường xuyên làm không đồng bộ.

Chất lượng giáo dục bổ túc trung học phổ thông vẫn còn nhiều hạn chế, các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy học của Giáo dục thường xuyên chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số địa phương chưa quan tâm đến việc học tập của người lớn, xây dựng xã hội học tập. Tỷ lệ huy động người học xóa mù chữ ở những vùng khó khăn còn thấp, kết quả xóa mù chữ không bền vững…

Đề cập phương hướng triển khai nhiệm vụ năm học mới, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Mục tiêu của giáo dục là chất lượng, giáo dục không chất lượng thì coi như không có giáo dục. Vì vậy, Giáo dục thường xuyên cần chú trọng đảm bảo chất lượng, vì một nền giáo dục chất lượng, xây dựng xã hội học tập, không đánh đổi chất lượng để lấy số lượng.

Học viên Giáo dục thường xuyên duy trì được tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông cao nhưng chất lượng giáo dục cũng phải tăng lên; đối với công tác xóa mù chữ, người học được xóa mù nhưng cần đảm bảo xóa mù bền vững.

Trong năm học 2019-2020 Giáo dục thường xuyên ưu tiên kiện toàn hệ thống các trung tâm học tập cộng đồng, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên sau sáp nhập; chấn chỉnh các trung tâm ngoại ngữ, tin học, đào tạo từ xa hoạt động không đúng quy định.

Đồng thời, cần triển khai nhân rộng các mô hình học tập hiệu quả; nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ; nâng cao năng lực quản lý nhà nước đối với cơ sở Giáo dục thường xuyên tư thục, có vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy việc học tập suốt đời của người lớn, cần tăng cường phối hợp, liên kết với các cơ sở giáo dục đại học trong việc hỗ trợ nguồn học liệu mở cho Giáo dục thường xuyên.

Báo cáo tổng kết năm học 2018-2019, bà Vũ Thị Tú Anh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Trong năm học 2018-2019 cả nước có trên 20,8 triệu lượt người tham gia học tập các chuyên đề tại các Trung tâm học tập cộng đồng, Trung tâm Giáo dục thường xuyên; hơn hai triệu lượt người học ngoại ngữ và tin học ứng dụng; trên 276 nghìn lượt người tham gia học nghề ngắn hạn; gần 26,7 nghìn người theo học lớp xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ; trên 244 nghìn học viên tham gia học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông; gần 166 nghìn lượt người học bồi dưỡng thường xuyên.

Nhiều tỉnh, thành phố đã có những giải pháp để đáp ứng nhu cầu người học như tổ chức các lớp học theo chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông kết hợp với học nghề nhằm phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, tỷ lệ học viên tham gia học văn hóa kết hợp với học nghề đạt 64,5% trong tổng số học viên Giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông (tăng 4,5%).

Tại hội nghị, đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các vụ, cục của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các chuyên gia đã thảo luận một số nội dung trọng tâm của Giáo dục thường xuyên trong thời gian tới như: cơ chế, chính sách phát triển; xây dựng các mô hình học tập gắn với học tập suốt đời; nâng cao chất lượng đào tạo không chính quy; việc dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam…

Theo Việt Hà (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu