Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 25/11/2024 14:38 (GMT +7)
Giáo viên không bắt buộc đạt chuẩn nếu có kinh nghiệm, tâm huyết với nghề
Thứ 5, 05/09/2019 | 10:23:00 [GMT +7] A A
Năm học 2019 – 2020, bậc giáo dục tiểu học triển khai áp dụng bộ sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới và thực hiện đào tạo đội ngũ giáo viên đáp ứng được thực hiện chương trình này. Ông Thái Văn Tài, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiểu học, Bộ GD&ĐT đã trao đổi với phóng viên báo Tin tức xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, hiện nay, đội ngũ giáo viên đã đáp ứng được những yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới chưa? Giải pháp của ngành giáo dục trong việc bồi dưỡng những giáo viên kế cận là gì?
Ông Thái Văn Tài, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tiểu học, Bộ GD&ĐT. Ảnh: TM
Hiện Bộ đã hoàn thành hướng dẫn triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới cho lớp 1 bắt đầu từ năm học 2020 – 2021 với nhiều chỉ đạo chuyên môn. Trong đó yêu cầu tỷ lệ phòng học là 1 phòng/lớp và giáo viên phải bố trí đảm bảo 1,5 giáo viên/lớp. Với địa phương chưa đủ định mức thì phải triển khai các kế hoạch để tuyển giáo viên. Nhưng khi tuyển dụng giáo viên phải lưu ý cơ cấu đủ số giáo viên cho các môn học, trong đó có các môn trước đây đang là tự chọn thì giờ là môn bắt buộc. Ví dụ tiếng Anh, tin học, hay âm nhạc, mỹ thuật… Vì trong chương trình giáo dục mới nói rõ các môn bắt buộc nên phải xây dựng vị trí việc làm để tuyển đủ giáo viên.
Thứ hai, theo Luật giáo dục mới được ban hành, chuẩn mới đào tạo giáo viên cho bậc tiểu học phải là đại học. Hiện nay theo thống kê, trên 60% đội ngũ có trình độ đại học trở lên, còn gần 35% chưa đạt chuẩn thì phải tăng cường tạo cơ hội cho thầy cô học tập bồi dưỡng. Về độ tuổi, đa số thầy cô trình độ trung cấp hoặc cao đẳng thì chỉ vài năm nữa về hưu. Chúng ta phải trân trọng sự cống hiến của họ. Trong giai đoạn vừa qua, họ là người tạo những nền móng, nền tảng. Họ sẽ khó vượt qua những khó khăn khi thực hiện chương trình mới. Vì vậy, ngoài việc tạo điều kiện đạt chuẩn cho giáo viên đang còn trẻ, nhiều thời gian công tác và tuyển giáo viên mới, thì hiện nay ngành đang quan tâm đến sự giúp đỡ trong tinh thần chia sẻ để những giáo viên sắp về hưu có thể tự tin cống hiến tiếp. Bộ không bắt buộc họ phải đạt chuẩn, vì chuẩn chỉ là một trong các điều kiện, còn sự tâm huyết, kỹ năng, kinh nghiệm và đặc biệt là sự yêu nghề của thế hệ trước cần trân trọng. Đây là việc làm Bộ trưởng rất quan tâm.
Việc tập huấn cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục về chương trình mới được thực hiện ra sao, thưa ông?
Việc tập huấn giáo viên đã được Bộ GD&ĐT ban hành kế hoạch 263, trong đó có bốn đối tượng được tập huấn, bồi dưỡng. Đó là, cán bộ lãnh đạo, quản lý của Sở, phòng GD&ĐT; Hiệu trưởng; Tổ trưởng chuyên môn; Giáo viên dạy lớp 1, lớp 2 theo lộ trình.
Trong năm nay Bộ chỉ đạo hoàn tất việc tập huấn cho lãnh đạo cấp Sở cấp phòng, hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn và yêu cầu nhà trường lập danh sách giáo viên dự kiến dạy lớp 1 năm 2020 – 2021, để khi triển khai tập huấn, đội ngũ giáo viên dạy lớp 1 cho năm sau sẽ được ưu tiên. 100% đội ngũ giáo viên này phải được tập huấn trước khi thực hiện chương trình. Sang năm sẽ làm lớp 2, 6, năm nữa lớp 3, 10…
Bộ GD&ĐT đã ban hành khung pháp lý cho việc thực hiện này chưa, thưa ông?
Hiện khung pháp lý cao nhất với nhiệm vụ này là Thông tư 32. Rất may Luật Giáo dục mới được ban hành đã làm rõ vấn đề này. Theo đó, Bộ sẽ chỉ đạo và tham mưu Chính phủ một số nghị định để sửa đổi bổ sung và ban hành một số nghị định mới để tạo hành lang pháp lý thực hiện Thông tư 32 một cách vững chắc.
Về văn bản chuyên môn, trong thẩm quyền của Bộ, các văn bản như thông tư lựa chọn sách giáo khoa sẽ được Bộ ban hành trong năm nay. Các điều lệ trường học sẽ được các vụ chức năng tham mưu phù hợp với thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, hoặc các văn bản chỉ đạo thực hiện chuyên môn. Ví dụ Vụ tiểu học hiện nay đang trình thứ trưởng ký hướng dẫn dạy học chương trình giáo dục phổ thông mới từ lớp 1, hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục địa phương, giáo dục địa phương… Những điểm mới trong Thông tư 32 sẽ có văn bản hướng dẫn thực hiện. Từ đó, các địa phương phân tích thực trạng của mình, làm căn cứ pháp lý tham mưu các UBND các cấp chính quyền xây dựng tổng thể triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Dự kiến, tháng 10 sẽ thông qua sách giáo khoa.
Để thực hiện những đổi mới về chương trình, sách giáo khoa lớp 1 trong năm học này, xin ông chia sẻ về những mục tiêu trong năm học này cần đạt được là gì?
Trong năm học này, bậc tiểu học có ba nhóm nhiệm vụ trọng tâm mới.
Thứ nhất, thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, tạo bước vững chắc cho đổi mới về sau. Những mô hình đổi mới đã thực hiện trong thời gian qua góp phần xây dựng hệ thống tài liệu và giúp thầy cô hình thành nên kỹ năng, phương pháp dạy học. Khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, các tài liệu cũ có thể mất đi nhưng kỹ năng và phương pháp mà thầy cô đã được hình thành sẽ là hành trang quan trọng.
Nhóm nhiệm vụ thứ hai là chuẩn bị các điều kiện đảm bảo để triển khai các chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nhóm nhiệm vụ trọng tâm thứ ba cũng được Bộ trưởng chỉ đạo kiên quyết là cần đảm bảo môi trường an toàn trường học, đội ngũ giáo viên phải gương mẫu, tạo điều kiện cho giáo viên thể hiện được hết tâm huyết của mình, giảm áp lực cho giáo viên. Việc kiểm tra giám sát các cơ sở để chỉ đạo dứt điểm ngay các cơ sở chưa thực hiện đúng để làm sao giảm áp lực cho giáo viên.
Trân trọng cám ơn ông!
Ý kiến ()