Chủ Nhật, 24/11/2024 06:19 (GMT +7)

Giáo viên trường công bỏ sang dạy dân lập vì thu nhập không đủ sống

Thứ 4, 07/06/2017 | 13:52:00 [GMT +7] A  A

Chế độ ưu đãi giáo viên tại các trường công lập chưa đảm bảo nhu cầu đời sống khiến giáo viên các trường công lập đang có khuynh hướng chuyển sang dạy tại các trường ngoài công lập hoặc chuyển sang ngành nghề khác.

Thu nhập ở các trường công lập không đảm bảo đời sống, nhiều giáo viên chuyển sang dạy ở các trường dân lập.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, dự kiến năm học 2017 – 2018, trên địa bàn thành phố sẽ tăng khoảng gần 60.000 học sinh. Cụ thể, bậc mầm non tăng 19.833 học sinh, tiểu học tăng 20.199 học sinh, THCS tăng 12.741 học sinh và THPT tăng 6.319 học sinh. Trong đó, tập trung tăng mạnh ở các quận, huyện có áp lực tăng dân số tăng cơ học như quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, huyện Bình Chánh, huyện Củ Chi… Với tốc độ gia tăng số học sinh như hiện nay đang tạo áp lực cho ngành giáo dục thành phố trong việc đảm bảo cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên giảng dạy.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng Phòng giáo dục Tiểu học Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, cho rằng trong nhiều năm qua, ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với các trường sư phạm để tích cực thúc đẩy đào tạo giáo viên, đồng thời mở rộng diện tuyển dụng sang những người có KT3, nhưng với tốc độ gia tăng dân số và tăng học sinh như hiện nay rất khó để tuyển đủ giáo viên, đặc biệt là giáo viên ở khối mầm non và tiểu học.

Dự kiến đến năm 2023 và theo chương trình giáo dục phổ thông mới, 100% học sinh ở bậc tiểu học phải được học 2 buổi/ngày, nếu không có quy hoạch về trường lớp và xây dựng đội ngũ giáo viên thì sẽ khó thực hiện được.

Theo các quận huyện, việc tuyển dụng giáo viên hiện rất khó khăn, nhất là ở những quận huyện vùng ven. Nhiều quận liên tục tuyển dụng nhưng không đủ, như quận 3, 4, 11… Nguyên nhân dẫn đến khó tuyển là do thu nhập của giáo viên, nhất là bậc mầm non và tiểu học, còn rất thấp, chỉ khoảng trên 2 triệu đồng/tháng, trong khi công việc lại vất vả.

Cũng theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, số giáo viên mầm non bỏ việc mỗi năm tăng mạnh, bình quân mỗi năm có hơn 1.000 giáo viên mầm non ngưng việc, trong khi đó nguồn tuyển từ các trường trung cấp đến Đại học Sư phạm lại hạn chế.

“Hiện giáo viên các trường công lập đang có khuynh hướng chuyển sang dạy tại các trường ngoài công lập hoặc chuyển sang ngành nghề khác, nhất là đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh”, ông Vinh chia sẻ thêm.

Để giáo viên gắn bó lâu dài với nghề, ông Nguyễn Quang Vinh cho rằng, bên cạnh việc xây dựng đội ngũ giáo viên thì phải đi đôi với chế độ đãi ngộ. Bởi muốn tuyển dụng được thì giáo viên phải đủ sống với nghề, còn với đồng lương 3 – 4 triệu đồng/tháng thì không thể duy trì được. Nếu không có chế độ chính sách phù hợp thì dù có tuyển dụng một năm 4 – 5 lần cũng khó đáp ứng đủ lực lượng giáo viên.

Trước thực tế này, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã phối hợp chặt với các sở, ban ngành để đề xuất một số chính sách hỗ trợ giáo viên cải thiện thu nhập. Ngoài ra, Sở cũng đề xuất nhiều giải pháp khác, như có cơ chế tuyển dụng giáo viên không gắn với yêu cầu hộ khẩu và kiến nghị Thành phố cho vay ưu đãi không trả lãi cho sinh viên vào học ngành sư phạm mầm non. Sinh viên cam kết ra trường công tác tại các cơ sở mầm non công lập ở thành phố và hoàn trả khoản vay trong 3 – 5 năm đầu công tác.

Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, cho biết trước mắt Sở đang tập trung chế độ giữ chân và thu hút giáo viên ở bậc mầm non, bước tiếp theo sẽ có chế độ thu hút và giữ chân giáo viên ở cấp tiểu học.

 

Đan Phương/Báo Tin Tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu