Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 24/11/2024 09:45 (GMT +7)
Gieo chữ cho học sinh nghèo vùng biển
Thứ 7, 05/12/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Những đứa trẻ mồ côi do cha đi biển và mãi mãi không trở về, những đứa trẻ khuyết tật hoặc là con của những gia đình nghèo vùng biển đã được cô Nguyễn Thị Thông ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa dạy chữ, lo cái ăn, cái mặc, chăm sóc khi ốm đau…
Cứ như vậy suốt 13 năm qua, hết lớp học này đến lớp học khác, cô Thông đã tận tâm với hàng trăm học trò nghèo vùng biển mà không thu bất kỳ đồng học phí nào. Cô Nguyễn Thị Thông đã được Chủ tịch nước gửi thư khen và cô cũng vinh dự là một trong những đại biểu sẽ tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX.
Một lớp học của cô Thông. |
Cô Thông nguyên là Hiệu trưởng trường tiểu học Ngư Lộc II và được phong tặng là Nhà giáo ưu tú năm 1997. Năm 2001, cô được nghỉ hưu, nhưng vẫn tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”. Chứng kiến cảnh những đứa trẻ mồ côi do cha đi biển mãi mãi không trở về, những đứa trẻ da cháy nắng, hàng ngày phải ra biển nhặt tôm cá mà không được đến trường… năm 2002, cô Thông đã xin xã được mở lớp học tình thương cho trẻ em nghèo ngay tại nhà mà không thu học phí.
Những ngày đầu mở lớp, cô gặp vô vàn khó khăn. Cô còn nhớ như in lớp học đầu tiên, ban đầu chỉ có 16 em, trong đó có tới 8 em mồ côi. Bàn ghế dành cho các em ngồi cũng chỉ là những cánh cửa nhà, cửa bếp ọp ẹp, cũ kỹ. Chiếc bảng viết ngày đó là tấm cót ép đã rách mép… Các em học sinh thì thiếu đủ thứ, từ sách, vở, đồ dùng học tập. Cô Thông đã dùng đồng lương ít ỏi của mình mua để cho các em. Cô còn đến các trường trên địa bàn huyện, vận động các nhà hảo tâm để xin sách giáo khoa, vở, bút, đồ dùng học tập… mang về cho các em học sinh nghèo.
Cô Thông đứng lớp mà không thu bất kỳ đồng học phí nào. |
Không chỉ thiếu thốn về cơ sở vật chất học tập, các em còn thiếu ăn thiếu mặc, thiếu sự chăm sóc của gia đình. Đến lớp học của cô Thông, chúng tôi ngạc nhiên bởi trong lớp học có lọ đường và kẹo gừng luôn có sẵn. Cô Thông giải thích: Nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các em đến lớp mà không được sáng, ăn trưa, có em đói lả tụt huyết áp đến mức bị ngất lịm trong lớp học. Chính vì lý do đó mà trong lớp học của cô luôn có lọ đường và gừng để dự phòng. Những gia đình khó khăn này, cô cũng kiến nghị UBND xã Ngư Lộc hỗ trợ 10 kg gạo trong 3 tháng để các em có cái ăn để đi học. Nhiều khi học sinh không đến lớp do bị ốm, cô đi mua thuốc mang đến tận nhà, động viên để các em sớm khỏi bệnh tiếp tục đi học. Cũng có rất nhiều em học sinh thiếu quần, áo mặc, cô đã đến các trường vận động xin và tự bỏ tiền túi ra để mua sắm quần áo cho các em.
Trong suốt 13 năm dạy chữ cho các học trò nghèo, có rất nhiều mảnh đời bất hạnh nhưng được sự che chở, chăm sóc của cô, các em đã vượt qua khó khăn để quyết tâm đi tìm học con chữ. Điển hình là trường hợp em Nguyễn Thị Thùy, 12 tuổi, bị liệt cả hai chân, nhà lại rất nghèo. Cô Thông đã đến tận nhà vận động bố mẹ Thùy cho em đi học. Để có phương tiện đi lại, cô đã xin cho Thùy một chiếc xe lăn. Không phụ lòng cô, Thùy học rất chăm chỉ và là học sinh giỏi của lớp.
Bên cạnh việc dạy chữ cho lũ học trò nghèo ở cái xã bãi ngang này, cô Thông cũng tranh thủ buổi tối dạy chữ, xóa mù cho phụ nữ trong xã. Ở đây đa phần là những phụ nữ từ 45 – 50 tuổi, nên việc dạy học cho họ cũng gặp không ít khó khăn, bởi họ bận việc gia đình, lo mưu sinh. Cô Thông phải đến từng nhà vận động họ đi học. Chị Bùi Thị Đức Thắng ở thôn Ngư Lợi, xã Ngư Lộc cho biết: “Ban đầu tôi cũng ngại đi học bởi còn bận việc nhà và thu mua thủy hải sản để kiếm thêm thu nhập. Được cô Thông đến tận nhà vận động đi học, đến nay tôi đã biết đọc, biết viết, biết tính toán… thành thạo”. Từ nằm 2004 đến nay, cô Thông đã xóa mù được cho gần 100 phụ nữ mù chữ ở xã Ngư Lộc.
Hiện tại, cô Thông còn là Chủ tịch Hội khuyến học xã Ngư Lộc. Cô đã cùng các ban, ngành, đoàn thể của xã vận động các tổ chức, cá nhân đóng góp để xây dựng Quỹ khuyến học của xã được gần 3 tỷ đồng. Từ nguồn tiền này, Hội đã hỗ trợ cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường.
Ý kiến ()