Chủ Nhật, 24/11/2024 16:00 (GMT +7)

Gỡ “điểm nghẽn” về đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn

Thứ 6, 21/07/2017 | 09:35:00 [GMT +7] A  A

Nhóm công tác về Nông nghiệp của Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam kiến nghị xóa bỏ hạn điền để tạo cơ chế tập trung/tích tụ đất đai…

Cần tổ chức lại hệ thống sản xuất nông nghiệp theo hướng lấy doanh nghiệp làm trọng tâm, đổi mới cách làm về thị trường tiêu thụ và có chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp để hướng đến phát triển quy mô lớn và bền vững… là những kiến nghị được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân với chủ đề “Tổ chức lại sản xuất theo nhu cầu thị trường”, tổ chức hôm nay tại Hà Nội.

Theo Nhóm công tác về Nông nghiệp thuộc Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam, sau hơn 30 năm đổi mới, các văn bản chủ trương, chính sách lớn về nông nghiệp vẫn duy trì vai trò nòng cốt của kinh tế hộ. Mặc dù, đã có nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhưng cách làm còn lúng túng nên chưa có đột phá. Cho đến nay, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp mới chỉ chiếm khoảng 1%.

go diem nghen ve dat dai de phat trien nong nghiep quy mo lon hinh 1
Theo ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN, nông nghiệp công nghệ cao đầu tư nhiều nhà lưới, nhà kính nhưng không được nhận thế chấp các tài sản đó.

Ông Trần Mạnh Báo – Chủ tịch Nhóm công tác Nông nghiệp thuộc Diễn đàn Kinh tế tư nhân cho rằng, cần thay đổi hệ thống sản xuất nông nghiệp từ chỗ lấy hộ cá thể làm trọng tâm, chuyển sang hệ thống sản xuất lấy doanh nghiệp làm trọng tâm cho phù hợp với yêu cầu thời kì mới.

“Muốn vậy thì điều kiện đầu tiên diện tích đất đai cho sản xuất/canh tác phải là quy mô lớn, biến đổi linh hoạt theo bài toán kinh doanh của từng doanh nghiệp. Thực tế hiện nay, chính sách hạn điền không cho phép điều này đang là rào cản lớn nhất trong việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp” – ông Trần Mạnh Báo chia sẻ.

Nhóm công tác về Nông nghiệp của Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam kiến nghị xóa bỏ hạn điền để tạo cơ chế tập trung/tích tụ đất đai tùy bài toán kinh doanh của các doanh nghiệp. Tất nhiên, Chính phủ cần phát huy vai trò đại diện, để hạn chế việc lạm dụng đất nông nghiệp cho các mục đích khác. Sau khi có cơ chế xóa bỏ hạn điền thì trực tiếp Chính phủ quản lý các vùng đất đai dành cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, cho doanh nghiệp thuê căn cứ tính khả thi từng dự án. Còn doanh nghiệp sẽ xây dựng thị trường để đảm bảo dự án hiệu quả, kể cả việc lo vốn.

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến cũng cho rằng, chính sách phát triển thị trường là vấn đề trọng yếu của nông nghiệp Việt Nam hiện nay. Cách làm thị trường hiện rất cũ, lạc hậu, dựa vào “thứ mình có” hơn là “thứ thị trường cần”.

Ông Nguyễn Hoàng Anh – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung cho rằng, với tình trạng cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển đổi lúng túng, nhỏ lẻ, tự phát, chưa tập trung vào sản phẩm chủ lực, có thế mạnh, dẫn đến nhiều hệ lụy về chất lượng nông sản cũng thiếu thị trường tiêu thụ. Do đó, cần hình thành các khu vực/các vùng canh tác, chế biến, sản xuất ”kiểu mẫu” với cách thức triển khai chuẩn từ khâu sản xuất tới phân phối sản phẩm đầu ra để tạo “các mặt hàng thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam. Đồng thời, tạo cơ chế để doanh nghiệp xúc tiến thương mại, còn Nhà nước đóng vai trò ”mở thị trường”.

Về thu hút đầu tư trong nông nghiệp, một số doanh nghiệp cho biết rất quan tâm đến gói tín dụng 100.000 tỉ đồng dành cho nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn này không phải dễ.

Ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm) cho rằng: “Cần xem xét về định hướng nguồn lực, không nên theo cơ chế xin – cho mà cần hướng vào hỗ trợ các doanh nghiệp có dự án tốt trong lĩnh vực có hiệu quả. Chúng tôi làm việc với nông dân và thấy rằng họ thiếu vốn nhưng vay khó.

Nông nghiệp công nghệ cao đầu tư nhiều nhà lưới, nhà kính nhưng không được nhận thế chấp các tài sản đó. Nên chăng là ngân hàng chấp nhận tài sản giá trị để gỡ vướng cho người sản xuất. Như vậy thì doanh nghiệp mới mở rộng được diện tích hợp tác với nông dân”.

Một số ý kiến cũng đề xuất xem xét tháo gỡ khó khăn về chính sách thuế để tạo cân bằng trong sản xuất kinh doanh và đúng trọng tâm ưu tiên của ngành; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính để kích thích các hộ chuyển đổi thành doanh nghiệp./.

VOV-VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu