Thứ Tư, 27/11/2024 07:33 (GMT +7)

Gỡ ‘rào cản’ để doanh nghiệp được hưởng các gói hỗ trợ nhanh nhất

Thứ 2, 05/10/2020 | 16:06:00 [GMT +7] A  A

Trước khó khăn của đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội đã đề xuất với Chính phủ, bộ ngành cần mở rộng, giảm thiểu các điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ của Chính phủ nhanh nhất, hiệu quả nhất. Tiến sỹ Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Vinasme) đã trả lời phóng viên báo Tin tức xung quanh vấn đề này, trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác – Liên kết và Phát triển doanh nghiệp khu vực phía Bắc lần thứ XIII năm 2020 được tổ chức mới đây.

Tiến sỹ Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Vinasme). Ảnh: Phạm Quyên

Thưa ông, những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trong thời điểm này là gì?

-Những khó khăn của doanh nghiệp thời điểm này bao gồm khó khăn mang tính trung hạn và dài hạn, bên cạnh đó còn có khó khăn từ những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.

Thời gian qua, đặc biệt khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, đang có một xu hướng diễn ra mạnh mẽ đó là chuyển đổi nguồn cung cấp nguyên liệu từ một nơi sang nhiều nơi nhằm đảm bảo an toàn hơn trong chuỗi cung ứng nguyên liệu đảm bảo về sản xuất. Tuy nhiên, việc triển khai hoạt động này của các doanh nghiệp lại gặp phải rất nhiều những khó khăn về mọi mặt như: Khó khăn về quy định giãn cách xã hội của Việt Nam; rào cản trong tiếp cận các nguồn nguyên liệu mới, thiết kế lại các nguồn nguyên liệu, các vấn đề liên quan đến các thủ tục xuất nhập khẩu, khả năng cung cấp số lượng, quy mô, chất lượng nguồn nguyên liệu.

Đối với các doanh nghiệp nhỏ, “hậu” COVID-19 cũng là dịp để các doanh nghiệp có xu thế tính toán cơ cấu lại sản phẩm của mình. Đó là: Thay vì việc cung cấp rất nhiều các sản phẩm như trước đây, giai đoạn hiện tại họ chỉ tập trung vào một vài sản phẩm chủ lục, bỏ bớt đi những sản phẩm không có tính cạnh tranh. Chính điều này tạo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNV&N) nhiều cơ hội tiếp cận với các nguồn nguyên liệu mới, thay đổi lại cách tiếp cận với thị trường…

Thói quen của người tiêu dùng cũng đã thay đổi lớn trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát như tiếp cận các kênh bán hàng trực tuyến (online), các kênh thương mại điện tử. Tuy nhiên, giao dịch trên các hệ thống online còn khá mới mẻ đối với các doanh nghiệp nhỏ, đó cũng chính là một thách thức rất lớn.

Bên cạnh đó là những khó khăn về phía thị trường, về chính sách hỗ trợ, chính sách thuế, khả năng tiếp cận với các quỹ tín dụng…là những thách thức luôn luôn thường trực với DNN&V thời gian qua.

-Vinasme đã có những hỗ trợ như thế nào với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian qua thưa ông?

-Dịch bệnh COVID-19 diễn ra là một tình huống khó chưa từng có trong tiền lệ. Mục đích của Hiệp hội là hỗ trợ những cái mà doanh nghiệp cần, căn cứ từ những khó khăn thực tế của cộng đồng doanh nghiệp. Trên cơ sở đó thiết kế những chương trình hỗ trợ phù hợp cho DNN&V tại Việt Nam.

Theo đó, chúng tôi chọn những hoạt động mà doanh nghiệp nhỏ cần trước đó là tìm cách giúp họ có thể duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh theo nguyên tắc thị trường như: Chuyển đổi sang bán hàng online, chọn cách thức quản lý mới trong điều kiện giãn cách xã hội, hướng dẫn các chương trình, gửi các bản lập trình, các hệ thống quản lý, đơn giản hóa bớt để phù hợp với các DNN&V trong tình hình mới.

Bên cạnh đó Hiệp hội cũng xác định sẽ tham gia xây dựng và phản biện các chính sách, tham gia tích cực xây dựng các gói chính sách hỗ trợ cho DNN&V. Tuy nhiên, tôi cũng lấy làm tiếc khi thời gian qua Chính phủ đã có những chính sách rất tốt đối với các đối tượng doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, nhưng khi bước vào thực hiện thì không đạt được kỳ vọng như ban đầu. Với những ý kiến phản biện từ phía Hiệp hội đưa ra chúng tôi tự tin hơn về chuyên môn trong chức năng nhiệm vụ của mình.

Vậy theo ông, những mong muốn, kiến nghị của Vinasme là gì?

-Trước tiên, muốn hỗ trợ đúng thì cần phải biết được sự thay đổi của doanh nghiệp đang diễn ra như thế nào. Tiếp theo, tôi thấy rằng cần phải mở rộng và bỏ bớt đi các điều kiện đối với các doanh nghiệp. Ví dụ như các chính sách liên quan đến xã hội, công đoàn, bảo hiểm, chính sách giãn thuế, nợ thuế… cần phải bỏ bớt đi để các doanh nghiệp có thể tiếp cận những gói hỗ trợ một cách nhanh nhất.

Bên cạnh đó, quan điểm của chúng tôi là doanh nghiệp có sứ mệnh làm ra của cải cho xã hội. Vì vậy nếu như vẫn tiếp tục xây dựng các chính sách theo hình thức cũ là hỗ trợ trực tiếp thì sẽ tốn rất nhiều nguồn lực mà ở Việt Nam nguồn lực không đủ để đáp ứng. Theo tôi, thay vì hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp thì nên hỗ trợ rộng hơn, như hỗ trợ một chuỗi thì tính lan tỏa sẽ rộng hơn, nguồn lực sẽ phù hợp với Việt Nam hơn.

Đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng hóa không nên thụ động ngồi chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước,mà nên chủ động phát huy tính tự chủ, sáng tạo, tự vận động và vận dụng các phương thức giao dịch thông qua Internet, qua các trang thương mại điện tử, giúp tiết kiệm tối đa các chi phí đi lại, chi phí tiếp thị…Các doanh nghiệp nên chủ động đầu tư vào việc đào tạo hoặc tuyển dụng nguồn nhân lực trẻ, biết sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ số để tiếp thị sản phẩm online thông qua các mạng xã hội,cũng như các nền tảng mua bán trực tuyến như: Facebook, Instagram, Pinterest, Etsy…qua các nhóm xuất khẩu chuyên ngành để hỗ trợ lẫn nhau.

-Xin trân trọng cảm ơn ông!

Minh Phương/Báo Tin tức

https://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/go-rao-can-de-doanh-nghiep-duoc-huong-cac-goi-ho-tro-nhanh-nhat-20201005105040073.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu