Thứ Hai, 25/11/2024 18:45 (GMT +7)

Gotthard – Đường hầm tàu hỏa xuyên núi dài nhất thế giới

Thứ 5, 02/06/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Ngày 1/6/2016, Thụy Sỹ khánh thành đường hầm tàu hỏa mang tên Gotthard Base xuyên dãy núi Alps. Đây được coi là tuyến đường hầm tàu hỏa dài nhất thế giới với hơn 57 km, nối 2 thành phố của nước này là Erstfeld và Bodio. Khi đi vào hoạt động, đường hầm Gotthard sẽ đem lại những trải nghiệm đặc biệt cho hành khách.

Bài toán giao thông cho miền Trung châu Âu
Dãy núi Alps chạy qua Thụy Sỹ và một số nước châu Âu là một trong những dãy núi thơ mộng và đẹp nhất hiện nay trên thế giới. Tuy nhiên, từ nhiều thế kỷ qua, dãy Alpes như một rào chắn thương mại giữa hai vùng Nam và Bắc châu Âu. Chính điều kiện đường xá giao thông còn hạn chế nên nó đã ngăn cách sự phát triển của nhiều trung tâm kinh tế như Zurich, Turin và Milan.
Trong khi đó, Thụy Sĩ lại đóng vai trò là đầu mối chính trong lưu thông hàng hóa ở châu Âu với hơn 4.000 xe tải hạng nặng đi qua vùng núi Alpes bằng đường bộ mỗi ngày. Trước đây, hầu hết hàng hóa vận chuyển qua dãy núi Alps đều bằng các loại xe tải hạng nặng, trong khi lượng hàng hóa cần vận chuyển lại ngày một tăng lên. Nếu như năm 1990, lượng hàng hóa vận chuyển qua đây là 40 triệu tấn thì đến năm 2001 đã là 90 triệu tấn. Hoạt động vận chuyển và bốc dỡ hàng hóa đã là nguyên nhân gây nạn kẹt xe, ô nhiễm không khí và tai nạn giao thông quanh khu vực này và thực tế đã có những vụ hỏa hoạn xảy ra trong 10 năm qua làm nhiều người thiệt mạng.

Gotthard được kỳ vọng sẽ làm nên cuộc cách mạng về giao thông ở khắp châu Âu. Ảnh: Reuters

 

Vì lý do đó, năm 1994, Thụy Sĩ đã mở một cuộc trưng cầu ý dân về việc sẽ vận chuyển hàng hóa bằng xe lửa. Và ngay sau đó, chính phủ nước này đã quyết định chi khoảng 10,3 tỷ USD xây dựng công trình đường hầm Gotthard Base dài nhất thế giới, xuyên qua dãy núi Alps.
Dự án xây dựng Gotthard Base chính là chìa khóa để giải bài toán giao thông cho miền Trung châu Âu.

Công trình vĩ đại
Đường hầm Gotthard bắt đầu được khởi công xây dựng từ năm 1999. Đây là một phần của dự án AlpsTransit, bao gồm đường hầm Gotthard và đường hầm Lotschberg giữa bang Bern và Valais. Nó sẽ thay thế đoạn đồi núi của tuyến đường sắt Gotthardbahn đã được xây trong thế kỷ XIX chay qua núi Saint-Gotthard Massif, đồng thời thiết lập một tuyến đường trực tiếp có thể sử dụng cho đường sắt cao tốc các chuyến tàu hỏa vận tải hạng nặng. Hai đường hầm Loetschberg dài 34 km và đường hầm Gotthard dài 57 km tạo thành một tuyến đường đi qua núi Alpes với mục tiêu cung cấp cho châu Âu nói chung cũng như Đức – Italy – Hà Lan – Thụy Sỹ một trạm trung chuyển giữa các phương tiện vận tải đường bộ hạng nặng và phương tiện đường sắt.
Sau gần 40 năm thai nghén, 16 năm thi công ròng rã, với công sức của hơn 2.500 kỹ sư và cả sự hy sinh của 8 công nhân, điều kiện làm việc cũng vô cùng khắc nghiệt, cuối cùng đường hầm mang tên Gotthard dài nhất thế giới, chạy xuyên dãy Alps đã chính thức thông suốt 2 đầu. Trong quá trình thi công, 13 triệu m3 núi đá đã được đào và di dời, khối lượng tương đương với 5 kim tự tháp Cheops của Ai Cập.
Đường hầm đã cơ bản hoàn thành vào ngày 30/8/2015 và được đưa vào thử nghiệm từ 1/10/2015. Tháng 12/2016, hầm Gotthard sẽ được đưa vào vận hành thương mại. Những chuyến tàu chở khách qua đây có thể chạy tốc độ tối đa 250 km/h, trong khi tàu chở hàng có thể vận hành với vận tốc tối đa 160 km/h. Nhờ vậy, thời gian di chuyển từ thành phố Zurich (Thụy Sĩ) đến Milan (Italy) sẽ rút ngắn được khoảng 1 giờ so với 3 giờ rưỡi như hiện tại.
Ước tính, đường hầm tàu hỏa Gotthard sẽ đón trung bình 6,5 triệu lượt khách mỗi năm. Mỗi ngày sẽ có từ 50 đến 80 tàu chở khách qua hầm. Hàng hóa vận chuyển qua khu vực này ước đạt 49 triệu tấn/năm với khoảng 220 đến 260 chuyến tàu hàng mỗi ngày. Thời gian khai thác hầm dự kiến trong khoảng 1 thế kỷ.
Dự án đường hầm Gotthard lớn nhất trong lịch sử Thụy Sỹ này đã được sách kỷ lục Guinness công nhận là đường hầm tàu hỏa dài nhất thế giới. Công trình này còn giữ cả kỷ lục về độ sâu trong lòng núi, với 2,3 km, sâu hơn nhiều so với đường hầm Seikan của Nhật Bản, chỉ ở mức 240 m.
Trọng Đức (tổng hợp)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu