Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 27/11/2024 01:48 (GMT +7)
Grab chưa thông tin rõ với cơ quan thuế lý do tăng giá cước và mức chiết khấu
Thứ 5, 10/12/2020 | 09:41:00 [GMT +7] A A
Kết thúc buổi làm việc nội bộ giữa 2 bên vào chiều 9/12, đại diện Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng: Phía Grab chưa thông tin rõ ràng với cơ quan thuế lý do vì sao tăng giá cước và mức chiết khấu – khiến hàng loạt lái xe Grab bất bình trong mấy ngày qua. Việc điều chỉnh được phía Grab đưa ra vì liên quan tới Nghị định 126 là không hợp lý.
Hàng trăm lái xe Grabike tập trung đông đảo diễu hành trên đường Trần Duy Hưng. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN.
Tại cuộc họp, đại diện Tổng cục Thuế đã giải thích rõ cho Grab về Nghị định 126/2020/NĐ-CP không có thay đổi về chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT). Nghị định 126 quy định nghĩa vụ khai thuế GTGT đối với hoạt động hợp tác kinh doanh là do doanh nghiệp thực hiện.
Theo đó, Nghị định 126 quy định nghĩa vụ khai thuế GTGT đối với hoạt động hợp tác kinh doanh là do doanh nghiệp thực hiện. Doanh nghiệp phải khai thuế GTGT đối với toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh.
Đối với Grab là hoạt động kinh doanh vận tải, đại diện Tổng cục Thuế nhấn mạnh: Doanh nghiệp khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thì thuế suất thuế GTGT là 10% và doanh nghiệp được khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo quy định. Trước đó, Grab Việt Nam cho biết, sẽ tăng thuế GTGT từ 3% lên 10% với mỗi cuốc xe công nghệ với lý do thực hiện theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP. Do đó, Grab đã cân nhắc cẩn trọng để đề xuất giá cước mới phù hợp; đồng thời tiến hành khấu trừ nghĩa vụ thuế GTGT 10% từ cước phí chuyến xe mà người dùng hiện đang chi trả. Phí sử dụng ứng dụng (chiết khấu) áp dụng cho đối tác tài xế vẫn được giữ nguyên không thay đổi.
Việc tăng thuế này đã khiến cho hàng trăm tài xế chạy xe “ôm” công nghệ Grab đã diễu hàng bằng xe máy tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng để phản đối mức khấu trừ mới này.
“Thông tin của Công ty TNHH Grab cho rằng, do tác động của Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 dẫn đến Grab tăng giá cước từ 8% đến 18% đối với từng loại hình dịch vụ và ở từng khu vực khác nhau, đồng thời giảm tỷ lệ chia cho tài xế 7% là hoàn toàn không đúng”, đại diện Tổng cục Thuế nói.
Theo quy định tại Nghị định 126, hình thức tổ chức hợp tác kinh doanh với cá nhân (bao gồm cả lĩnh vực taxi công nghệ) thì tổ chức phải có trách nhiệm khai thuế GTGT và xuất hoá đơn trên toàn bộ doanh thu theo quy định về thuế suất và khai thuế của tổ chức, tổ chức chỉ khấu trừ và khai thay, nộp thay cho cá nhân đối với thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật thuế thu nhập cá nhân không phân biệt hình thức phân chia khoản tiền thu được giữa tổ chức và cá nhân
Tổng cục Thuế cho biết, trong thời gian qua do chưa có hướng dẫn cụ thể về chính sách thuế đối với mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân nên dẫn đến việc thực hiện khai thuế đối với mô hình Grab không thống nhất, không đúng quy định. Nghị định 126 của Chính phủ là văn bản hướng dẫn về quản lý thuế nên chỉ quy định rõ hơn về việc khai thuế đối với mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân, không phải quy định mới về chính sách thuế GTGT – chính sách thuế GTGT đối với hoạt động vận tải công cộng không thay đổi, vẫn áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% như từ trước đến nay.
Đại diện Tổng cục Thuế khẳng định: Quy định mới tại Nghị định 126 không làm tăng nghĩa vụ của cá nhân tài xế (tài xế chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân 1,5% nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng), không làm tăng giá cước vận tải (do chính sách thuế GTGT 10% đối với vẫn tải không thay đổi mà vẫn áp dụng từ trước đến nay).
Do đó, theo Tổng cục Thuế, Grab phải có trách nhiệm điều chỉnh lại cơ cấu giá tính thuế để đảm bảo không ảnh hướng đến người tiêu dùng cũng như thu nhập của tài xế.
Theo Tổng cục Thuế, trách nhiệm của Grab trong việc phải thực hiện khai thuế GTGT theo quy định của pháp luật là Grab được xác định là hoạt động kinh doanh vận tải, không phải là hoạt động kinh doanh công nghệ. Vì thực tế, Grab giữ vai trò quyết định về giá vận tải, quyết định về các chính sách với khách hàng, chịu trách nhiệm giao dịch với khách hàng, do đó, Grab có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ về pháp lý trong mọi lĩnh vực (bao gồm nghĩa vụ thuế) với cơ quan Nhà nước, nghĩa vụ với khách hàng và các vấn đề liên quan đến tư pháp (nếu có) là đúng với bản chất hoạt động kinh tế phát sinh.
Trước đó, từ ngày 5/12, Grab điều chỉnh giá cước tối thiểu của GrabCar tại Hà Nội từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2 km đầu và tăng thêm 1.000 đồng (từ 8.500 đồng lên 9.500 đồng) cho mỗi km tiếp theo. Hiện tại, trong các hãng xe công nghệ như Grab đang hoạt động ở Việt Nam gồm Gojek, BE, VATO, FastGo, MyGo duy chỉ mới có Grab đã nhanh chân thực hiện việc tăng giá cước khi Nghị định 126/2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12.
Tương tự, GrabCar 7 chỗ sẽ áp dụng mức tăng từ 30.000 đồng lên 32.000 đồng cho 2 km đầu tiên và từ 10.000 đồng lên 11.000 đồng cho mỗi kilômét tiếp theo.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, giá cước tối thiểu của GrabCar cũng tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu tiên và tăng thêm 500 đồng cho mỗi km tiếp theo. Giá các dịch vụ GrabBike, GrabFood, GrabExpress cũng được điều chỉnh tăng.
Mặt khác, Grab cũng tăng tỷ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe đối với đối tác tài xế GrabCar và GrabBike, trong đó tỷ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe đối với đối tác tài xế GrabBike tăng từ 20% lên 27,273% và và tăng từ 28,375% lên 32,841% đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25%.
Đáng chú ý đối với dịch vụ xe GrabCar, Grab thu thêm 400 đồng/phút tính theo thời gian di chuyển. Đối với dịch vụ GrabCarPlus, Grab thu 500 đồng/phút tính theo thời gian di chuyển.
https://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/grab-chua-thong-tin-ro-voi-co-quan-thue-ly-do-tang-gia-cuoc-va-muc-chiet-khau-20201209191544537.htm
Ý kiến ()