Theo Sở Y tế Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội sẽ có 31 điểm bắn pháo hoa, trong đó có sáu điểm tầm cao và 25 điểm tầm thấp.
Để đảm bảo công tác y tế phục vụ bắn pháo hoa, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các bệnh viện huyện, Trung tâm Y tế quận, huyện và các bệnh viện đa khoa tuyến thành phố, mỗi đơn vị cử một tổ cấp cứu gồm hai bác sỹ, hai điều dưỡng, một lái xe và xe cứu thương với đầy đủ thuốc, trang thiết bị trực đảm bảo y tế.
Thời gian trực tại điểm bắn pháo hoa tầm cao bắt đầu từ 6 giờ ngày 6/2 (tức 28 Tết), tầm thấp từ 7 giờ 7/2 (tức 29 Tết) đến khi kết thúc bắn pháo hoa.
Các tổ y tế được phân công trực chủ động liên hệ, phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự các quận, huyện, thị xã để nhận vị trí trực và triển khai thực hiện. Ngành y tế cũng đã thành lập năm đoàn kiểm tra trực bắn pháo hoa để đôn đốc, động viên các cán bộ y tế nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cùng với đảm bảo y tế phục vụ các điểm bắn pháo hoa, Sở Y tế yêu cầu tất cả các đơn vị trong ngành thực hiện các biện pháp đảm bảo công tác an ninh trật tự trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân. Theo đó, các đơn vị kịp thời nắm bắt tình hình, chỉ đạo các bộ phận chức năng kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ tại đơn vị.
Đối với các bệnh viện, phòng khám đa khoa thuộc Trung tâm y tế nắm chắc tình hình người bệnh nằm điều trị nội trú, kiểm soát số lượng bệnh nhân ra, vào viện, tránh để kẻ xấu lợi dụng thực hiện trộm cắp tài sản và các hành vi gây rối mất trật tự an ninh.
Đặc biệt, duy trì trực an ninh trật tự 24/24 giờ và phải bàn giao ca trực hàng ngày. Bên cạnh sự nỗ lực của từng đơn vị, các đơn vị phối hợp chặt chẽ với cơ quan an ninh địa phương để có phương án bảo vệ các vị trí quan trọng của cơ quan, đơn vị; trong trường hợp có sự việc xảy ra phải thông báo kịp thời cho Sở Y tế và cơ quan công an địa phương để xử lý, giải quyết kịp thời./.
Ý kiến ()