Tất cả chuyên mục

Thuở xa xưa, đèo Hải Vân nổi tiếng với nạn giặc cướp, thú dữ hoành hành. Những năm trước thời kỳ Đổi mới, đường sá kém phát triển, cung đèo này là nỗi ám ảnh của cánh lái xe đường dài, bởi lơ mơ là phơi xe dưới vực thẳm. Ấy thế mà giờ đây đèo Hải Vân lại trở thành một cung đường có sức hấp dẫn đến kỳ lạ.
Thậm chí, các anh nhà xe, nhất là xe chở khách, trước khi đổ đèo đều chuẩn bị mấy bó nhang to để thắp và cầu khấn ở các miếu trên đỉnh đèo nhằm cầu mong thần linh, trời Phật phù hộ cho xe xuôi đèo bình an vô sự. Thành ra, ở mấy khúc cua nguy hiểm trên đèo bầu không khí lúc nào bảng lảng khói hương, khiến cho người đi qua đây thường có cái cảm giác chờn chợn, rợn người.
Con đường đèo ngoằn ngoèo uốn lượn lúc ẩn lúc hiện men theo triền núi. Đèo Hải Vân nổi tiếng với những cung đường vòng vèo nguy hiểm men theo triền núi cao với một bên là vực sâu và biển thẳm, nhưng nó cũng đem lại cho du khách những trải nghiệm khó quên về vẻ đẹp hùng vĩ và nên thơ ở một cung đèo hiểm trở nhất trên con đường thiên lí Bắc Nam.
|
Đèo Hải Vân dài chừng hơn 20km, cao khoảng 500m so với mực nước biển. Đèo nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 80 cây số về phía Nam, và trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng hơn 20 cây số về phía Bắc. Đèo nằm trên tuyến đường Quốc lộ 1A, chạy vắt ngang qua núi Bạch Mã, dãy núi chạy dài từ dãy Trường Sơn ra phía biển, tạo thành ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng. Du khách có thể khám phá đèo Hải Vân bằng ôtô, môtô phân khối lớn và thậm chí bằng cả tàu hỏa, nhưng hấp dẫn nhất là vẫn bằng xe máy hoặc môtô phân khối lớn. Ngoài ra, một số công ty du lịch ở Huế và Đà Nẵng cũng đã mở tour du lịch đưa đón du khách đi khám phá đèo Hải Vân bằng xe ôtô và môtô phân khối lớn. |
Ngày nay, khi hầm Hải Vân được đưa vào sử dụng, mọi phương tiện xe cộ đi qua đoạn đường này đều đi theo tuyến hầm đường bộ vì vừa an toàn lại vừa rút ngắn được đáng kể thời gian đi lại. Chỉ một số ít loại xe như xe chở xăng dầu, vật liệu cháy nổ, súc vật mới phải đi đường đèo. Cùng với đó, người ta đã cho mở mang, tu sửa, chỉnh trang lại con đèo này, biến nó từ cung đường đáng sợ nhất trở thành cung đường hấp dẫn nhất, đáng khám phá nhất của miền Trung và cả nước.
Có lẽ vì thế mà giờ đây, không chỉ người dân tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng, mà hầu hết những ai đến với hai tỉnh thành này cũng đều không muốn bỏ qua cơ hội được một lần đặt chân lên con đèo nổi tiếng này. Thế rồi nhiều tour du lịch đã được mở ra, và cũng nhiều người đã tự tìm đến để thử sức và khám phá bằng nhiều hình thức và phương tiện khác nhau.
Chỉ cần một chiếc xe máy du khách đã có thể làm một cuộc hành trình đầy ấn tượng, không thể nào quên qua những cung đường tuyệt đẹp trên đèo Hải Vân. Đường đèo rộng thoáng vi vu gió, qua mỗi cung đường cảnh vật lại đổi khác. Có những đoạn chỉ thấy núi cao vực thẳm, cây rừng bạt ngàn một màu xanh ngắt, đường đèo thì ngoằn ngoèo thoắt ẩn thoắt hiện. Ấy thế mà thoáng cái chỉ mới qua khỏi một khúc cua, cảnh vật như đã mở choàng ra trước mắt với bát ngát bao la màu xanh của biển, của trời, của núi non trùng trùng điệp điệp… Rồi thì thấp thoáng xa xa đâu đó phía dước chân đèo là hình ảnh của vịnh biển ăn sâu vào vách núi tạo thành những vòng cánh cung khổng lồ với dải cát vàng lung linh trong nắng.
Du khách nước ngoài đến Huế và Đà Nẵng hiếm khi bỏ qua tour khám phá đèo Hải Vân đầy thú vị bằng xe môtô phân khối lớn do chính những tay lái người địa phương điều khiển. Hải Vân quan, một công trình quân sự do triều đình nhà Nguyễn xây dựng trên đỉnh đèo Hải Vân vào năm 1826 để bảo vệ kinh thành Huế và giám sát các hoạt động ở cửa biển Đà Nẵng, nay là điểm tham quan ưa thích của du khách trong và ngoài nước.
|
Có thể nói, đèo Hải Vân xứng đáng là một điểm đến hấp dẫn hang đầu trên con đường thiên lí Bắc Nam. Và chỉ mất hơn hai tiếng đồng hồ du khách đã có thể thực hiện một chuyến du ngoạn đầy ấn tượng qua hơn 20 cây số đường đèo quanh co, ngoạn mục để khám phá về lịch sử, văn hóa, tâm linh và đặc biệt là cảnh quan thiên nhiên, đất nước và con người hai xứ Đà Nẵng và Thừa Thiên./.
Ý kiến ()