Những ngày tháng Ba, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đi qua nhiều nơi thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Nơi nào người dân cũng cho biết nước từ các sông ngòi, kênh, rạch, thậm chí nước của nhiều nhà máy nước cũng bị nhiễm mặn.
Có địa phương như Bến Tre hầu như toàn bộ diện tích đã bị mặn xâm nhập. Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, Võ Thành Hạo đã phải thốt lên: “Bến Tre không còn mặn nữa mà là mặn đắng rồi.”
Người khát
Huyện Ba Tri là một trong những địa phương bị mặn xâm nhập nặng nề nhất của tỉnh Bến Tre. Men theo con đường bên cống ngăn mặn Giồng Trơn thuộc xã Tân Xuân, huyện Ba Tri đi hướng ra phía con sông nước đã bị mặn chát, chúng tôi gặp mấy chiếc ghe, thuyền đang đậu cặp bờ tránh nắng bên hàng cây bần.
Ông Lâm Văn Nhân, ấp 3, xã Tân Xuân, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre cởi trần, da đỏ au, môi khô nứt nẻ dưới cái nắng chói chang đang luôn tay lem luốc dầu nhớt, sửa cái máy chạy ghe bị hỏng.
Ông Nhân kể: “Nhà tôi có 2.000m2 nuôi tôm thuộc xã Tân Xuân, huyện Ba Tri phía trong đập ngăn mặn Giồng Trơn nhưng năm nay nước mặn quá nên phải bỏ ao nuôi tôm. Không còn sản xuất được gì, tôi đầu tư 7 triệu đồng mua hai chiếc ghe đi kéo lưới, đặt lú, đóng đáy bắt cá, tôm sống qua ngày phía ngoài cống ngăn mặn Giồng Trơn này. Đi như thế này không còn nước ngọt để uống, nhiều khi tôi phải nhấp tạm ngụm nước sông đã mặn chát.”
Đến nay, toàn tỉnh Bến Tre đã có hơn 60.000 hộ dân phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn.
Ông Võ Văn Thông ở ấp 1, thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri làm nghề chạy xe chở nước ngọt bán cho biết mấy năm trước, phải tới tháng Ba hoặc tháng Tư mới có ít người mua nước ngọt nhưng năm nay, từ tháng trước, ông đã đi mua nước ngọt bán lại cho người dân trong huyện.
Những năm trước chỉ có vài xã bị thiếu nước, nhưng năm nay hàng loạt các xã như An Đức, An Hiệp, Tân Hưng, Bình Tân… khan hiếm nước ngọt. Do nhiều năm qua ông bán nước ngọt nên nhiều người quen và có số điện thoại, lượng người gọi điện thoại mua nước ngọt đang ngày càng nhiều.
Ông Thông cho biết thêm: “Tôi mua nước ngọt từ giếng khoan với giá 10.000 đồng/m3, rồi chở bán cho các hộ dân 60.000 đồng/m3 với khoảng cách dưới 6km, nếu xa hơn sẽ tăng giá thêm. Sắp tới, chắc tôi cũng phải tăng giá bán vì nước giếng khoan cũng đang ngày một cạn kiệt dần, bơm hút mãi mới lên được đầy thùng.”
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đến trung tuần tháng 3/2016, đã có trên 200.000 hộ dân, với khoảng 800.000 người, nhiều trường học, bệnh viện, khách sạn, nhà máy sản xuất tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu nước ngọt trầm trọng. Con số này vẫn chưa dừng lại vì dự báo hạn, mặn tiếp tục khốc liệt trong thời gian tới.
Cá chết
Nhiều con sông, kênh, rạch bị nước mặn xâm nhập sâu khiến nhiều loài cá nước ngọt bị ảnh hưởng nặng nề.
Đi theo con đường dọc kênh Rạch Cá, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, lâu lâu chúng tôi lại gặp từng cơn gió thổi kèm theo mùi hôi thối do cá chết.
Đang vớt những con cá lừ đừ mặt nước, ông Nguyễn Văn Hải ở ấp Rạch Cá, xã Hàm Tân, huyện Trà Cú cho biết hơn 1 tháng nữa ao cá lóc 800m2 của gia đình mới đến kỳ thu hoạch nhưng hiện có nhiều con nổi lừ đừ mặt nước. Nếu không vợt bắt lên, nó sẽ lây lan sang những con cá khác trong ao. Những con cá này có tình trạng chung là tróc vảy, đỏ bầm, tổn thương ở nhiều vị trí. Hiện mỗi ngày, ông Hải phải vớt trên dưới 20kg cá lờ đờ mặt nước bán rẻ cho các vựa làm mắm cá.
Ở kế bên ao nhà ông Hải, ông Huỳnh Văn Đà đang cho cá ăn trên ao nuôi rộng 1.000m2, với sản lượng thu hoạch mỗi vụ nuôi trên 16 tấn cá.
Ông Đà lo lắng cho biết hơn 6 năm nuôi cá lóc tại đây, bình thường ao cá 1.000m2 này ăn hết sáu bao thức ăn trong chốc lát nhưng nay ông mới thả hai bao thức ăn, cá đã không muốn ăn nữa rồi.
Ông Hải và ông Đà đều cho biết, bình thường 1 đến 2 ngày là các ông thay nước cho ao cá nhưng đã gần 10 ngày nay, hai ông chưa thay nước được do kênh Rạch Cá quá mặn, từ 12 phần nghìn đến 20 phần nghìn. Nước trong ao nuôi lâu ngày bị ô nhiễm ngày một nặng, dẫn đến cá yếu dần, chết ngày càng nhiều.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở xã Hàm Tân, xã Đại An và xã Định An, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
Theo ông Võ Văn Lành, cán bộ nông nghiệp xã Định An, xã có 14 hộ nuôi cá lóc bị thiệt hại nặng. Nguyên nhân là do độ mặn nước các kênh, rạch khu vực ao nuôi cá luôn ở mức cao và kéo dài. Độ mặn cao, người dân không thay được nước ao nuôi thời gian dài, dẫn đến chất thải của cá, thuốc, thức ăn dư thừa làm cá bị ngộ độc và chết.
Theo ông Huỳnh Văn Thảo – trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Trà Cú, cán bộ nông nghiệp huyện đang rà soát, thống kê thiệt hại của những hộ dân nuôi cá lóc. Theo dự báo, tình trạng mặn sẽ còn kéo dài đến tháng Sáu thì nguy cơ cá lóc tiếp tục chết, thiệt hại sẽ còn tăng.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xâm nhập mặn đang tác động đến nuôi trồng thủy sản tại một số tỉnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, nhiều nơi độ mặn dao động từ 15 phần nghìn đến 30 phần nghìn làm thủy sản bị chết và người dân không thả nuôi thủy sản được.
Tại nhiều tỉnh như Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, nồng độ mặn đã vượt 30 phần nghìn làm thiệt hại nghiêm trọng nhiều diện tích ao nuôi nơi đây./.
Ý kiến ()