Theo tờ thời báo tài chính nổi tiếng Financial Times, Chủ tịch ANA, ông Shinichiro Ito, cho biết công ty đang thảo luận với một vài hãng hàng không – một phần trong chiến lược mở rộng hoạt động toàn cầu và tìm kiếm sự hợp tác có lợi tại thị trường châu Á.
Theo ông Ito, việc hợp nhất là hết sức cần thiết với khu vực hàng không giá rẻ ở châu Á, nơi đã có quá nhiều đối thủ cạnh tranh.
Tập đoàn ANA đã tìm kiếm cơ hội đầu tư vào một hãng hàng không Đông Nam Á trong thời gian qua, sau khi thu được 170 tỷ yen (1,4 tỷ USD) từ phát hành vốn cổ phần năm 2012. Tuy nhiên những cuộc thương thảo sau đó với các hãng hàng không vẫn chưa mang lại kết quả.
Năm ngoái, ANA đã phải từ bỏ kế hoạch trị giá 25 triệu USD nhằm mua 49% cổ phần hãng hàng không Asian Wings Airways của Myanmar vì sự cạnh tranh ngày càng căng thẳng tại thị trường mới mở này.
Ông Ito cho biết, số các hãng hàng không do nhà nước sở hữu một phần hay toàn bộ ở châu Á khiến việc hợp nhất trở nên khó khăn hơn so với ở châu Âu hay Mỹ.
“Việc đạt được thỏa thuận gần như là không thể. Do đó, thay vì mua đứt một công ty, việc sở hữu cổ phần của mỗi công ty một chút, hiểu nhau hơn và hưởng lợi từ sự hợp tác là hướng đi chắc chắn hơn”, ông Ito phát biểu.
Chiến lược của ANA có nhiều điểm tương đồng với những gì hãng hàng không vùng Vịnh Etihad đã thực hiện. Nhà phân tích chiến lược của Barclays, Ryota Himeno dự đoán rằng sự hợp nhất các hãng hàng không châu Á có thể sẽ diễn ra trong 5 năm tới.
“Trong bối cảnh các hãng hàng không giá rẻ đang nắm giữ nhiều thị phần, các hãng hàng không truyền thống sẽ gặp nhiều áp lực, và việc hợp nhất sẽ có nhiều khả năng xảy ra hơn. ANA đang theo dõi rất kỹ các cơ hội như vậy,” ông Himeno cho hay.
ANA có thể tìm thấy cánh cửa rộng mở tại Việt Nam, vì chính phủ tại đây hiện đang tìm kiếm một đối tác chiến lược để bán cổ phần nhằm mở rộng kinh doanh hàng không, sau khi đã bán 5% cổ phần cho các nhà đầu tư trong đợt niêm yết đầu tiên hồi năm ngoái. Những nguồn tin thân cận cho hay chính phủ Việt Nam đang có ý định bán thêm 20% cổ phần cho một đối tác nước ngoài.
Với ANA, Việt Nam là một thị trường hấp dẫn. Vốn đầu tư trực tiếp của các công ty Nhật Bản vào Việt Nam giai đoạn 2011-2014 đã tăng hơn 3 lần, lên đến 9 tỷ USD. Aeon, nhà bán lẻ lớn nhất Nhật Bản và châu Á cũng đã mở hai trung tâm mua sắm lớn ở Việt Nam hồi năm ngoái.
Ông Himeno đánh giá rằng một khoản đầu tư trực tiếp vào một hãng hàng không châu Á thay vì một liên minh doanh nghiệp sẽ mang đến lợi thế đàm phán cho ANA và bảo đảm được nhiều vị trí đỗ máy bay tại các sân bay châu Á hơn.
Lợi nhuận tăng do giá dầu giảm và lượng du khách Trung Quốc tới Nhật tăng vọt đã làm dịu bớt áp lực theo đuổi các thương vụ quốc tế của ANA. Tuy nhiên, công ty vẫn có kế hoạch mở rộng dịch vụ toàn cầu, mở đường bay mới từ Tokyo đến Houston vào tháng 6, cũng như tăng gấp đôi tần suất các chuyến bay tới Bắc Kinh và Thượng Hải, và mở đường bay mới từ sân bay Haneda tới thành phố Quảng Châu vào tháng 10.
Mùa Hè vừa qua, ANA cũng đã vượt mặt hãng Delta Air Lines của Mỹ để mua 16,5% cổ phần của hãng hàng không giá rẻ Skymark đang gặp khó khăn ở Nhật Bản./.
Ý kiến ()