Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 26/11/2024 04:56 (GMT +7)
Hàng không đối mặt với khủng hoảng, cần sự hỗ trợ minh bạch
Thứ 7, 19/06/2021 | 09:13:00 [GMT +7] A A
Báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) về phát triển doanh nghiệp 5 tháng đầu năm 2021 công bố tình trạng thua lỗ của các hãng hàng không nội địa ở mức cực kỳ báo động, thậm chí đối mặt với phá sản và đang cần sự hỗ trợ minh bạch từ các cơ quan của Chính phủ.
Báo động!
Theo Bộ KHĐT, đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 3 trong giai đoạn cao điểm sát Tết và đang bùng mạnh trở lại từ cuối tháng 4 đến nay đã làm ngành Hàng không sụt giảm 80% doanh thu so với quý I/2020. Khả năng thanh toán của các doanh nghiệp hàng không đều suy giảm mạnh và tiến tới khả năng mất thanh toán. Khó khăn này không chỉ xảy ra riêng với Vietnam Airlines, mà với cả Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vasco.
Qua tìm hiểu, “đầu tàu” của ngành Hàng không là Vietnam Airlines do Nhà nước sở hữu 86% vốn điều lệ, trong đó, có cổ đông lớn là Hãng hàng không quốc gia Nhật Bản (ANA), nên “nhất cử nhất động” về tình hình của hãng đều minh bạch trên các báo cáo tài chính và do có quy mô vận chuyển trong, ngoài nước chiếm1/2 thị trường nội địa, nên hãng chịu sự giám sát cao nhất của Chính phủ so với các hãng còn lại.
Hoạt động vận tải ngưng trệ, các hãng hàng không đang cần sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ.
Đến hết tháng 5/2021, số nợ phải trả quá hạn của Vietnam Airlines đạt tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn. Hãng đang đối mặt với rủi ro pháp lý trong việc không cân đối trả các khoản vay ngắn hạn đến hạn tại các ngân hàng. Còn hết tháng 6/2021, dự kiến mức lỗ của hãng có thể lên đến 10.000 tỷ đồng.
Báo cáo của Bộ KHĐT cũng cho thấy, hiện mới chỉ có 2 hãng hàng không niêm yết trên sàn chứng khoán là Vietnam Airlines và Vietjet Air có báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán 2020. Vietnam Airlines lỗ trước thuế năm 2020 là 8.743 tỷ đồng. Nếu chỉ tính riêng vận tải hành khách lỗ 10.975 tỷ đồng. Vietjet Air lỗ 1.780 tỷ đồng (trước thuế); hiệu quả vận tải hành khách (không bao gồm các khoản doanh thu ngoài vận tải hành khách) lỗ 4.311 tỷ đồng. Bamboo Airways không phải là công ty niêm yết, mà là công ty liên kết với Tập đoàn FLC, nên không phải công bố báo cáo tài chính như các doanh nghiệp niêm yết, nhưng cũng có lỗ gộp gần 3.600 tỷ đồng năm 2020…
Những con số trên cho thấy Vietnam Airlines có mức thua lỗ lớn nhất trong các hãng hàng không (hãng tập trung 100 máy bay phục vụ vận chuyển hành khách và hàng hóa). Vietnam Airlines cũng là hãng có thị phần vận chuyển hàng không quốc tế lớn hơn các hãng còn lại của Việt Nam, với 27% (chiếm 65% doanh thu vận chuyển hàng không của hãng), trong khi Viejet Air thị phần này chỉ khoảng 16% (do chỉ bay quốc tế ở Châu Á, không bay Châu Âu), Bamboo Airways mới chỉ khai thác các chuyến bay charter (bay thuê chuyến), nên khi đường bay quốc tế bị đóng cửa, Vietnam Airlines sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Dự báo hoạt động của các hãng hàng không nội địa sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2021 và đang dần hết nguồn lực về tài chính để hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không. Đáng chú ý, trong khi Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia, chịu trách nhiệm trước các cơ quan quản lý Nhà nước, thì các doanh nghiệp hàng không tư nhân phải chịu trách nhiệm trước cổ đông. Do đó, các hãng hàng không đều cần có hỗ trợ minh bạch từ các cơ quan của Chính phủ.
Minh bạch như thế nào?
Chính phủ hiện đã thể hiện hai vai trò của Nhà nước đối với các hãng hàng không. Thứ nhất là đã tạo ra các chính sách hỗ trợ bình đẳng cho các hãng hàng không nội địa như: Giảm 50% phí cất hạ cánh, giá dịch vụ điều hành bay, giảm 30% phí bảo vệ môi trường nhiên liệu bay… Tuy nhiên, việc cắt giảm các chi phí này chỉ hỗ trợ được phần nhỏ cho các hãng hàng không, vì thực tế, dịch bệnh COVID-19 tiếp diễn phức tạp đang khiến hoạt động vận tải hàng không ngưng trệ.
Máy bay đắp chiếu, doanh thu các hãng sụt giảm nghiêm trọng
Vai trò thứ hai của Chính phủ là chủ sở hữu đối với phần vốn Nhà nước tại hãng hàng không quốc gia, nên sẽ thực hiện các chính sách hỗ trợ với tư cách cổ đông lớn để đảm bảo sự tồn tại của hãng.
Theo ông Trần Đình Thiên, Tổ trưởng tổ tư vấn của Thủ tướng, Chính phủ cần có đánh giá hiệu quả về gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng đã được Quốc hội phê duyệt cuối năm 2020. Vì báo cáo của Bộ KHĐT nêu rõ, do chưa có kết quả đánh giá, nên Vietnam Airlines không được các tổ chức tín dụng hỗ trợ, trong khi lợi nhuận của Vietnam Airlines những năm qua đều nộp về ngân sách Nhà nước.
Tổ trưởng tổ tư vấn của Thủ tướng đề xuất Chính phủ giao cho Bộ Tài chính xem xét lại quy chế tài chính đối với các doanh nghiệp Nhà nước theo cơ chế linh hoạt, phù hợp với nhịp độ và cơ chế thị trường; đồng thời xem xét phương án đổi mới quy chế hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, Bộ Tài Chính cần quy định cụ thể mức đóng góp lợi nhuận sau thuế cho ngân sách Nhà nước ổn định 5 năm theo Luật Ngân sách Nhà nước và đầu tư theo yêu cầu của thị trường, tạo sự chủ động cần thiết cho các hãng hàng không, nhất là Vietnam Airlines trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, theo hướng hỗ trợ minh bạch giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.
TH/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/kinh-te/hang-khong-doi-mat-voi-khung-hoang-can-su-ho-tro-minh-bach-20210618232216986.htm
Ý kiến ()