Thượng tọa Thích Thanh Quyết nhấn mạnh, đại lễ Phật đản là dịp để tăng ni, cư sĩ, phật tử Việt Nam ôn lại truyền thống “hộ quốc an dân”, được kết tinh qua chiều dài hơn 2.000 năm lịch sử Phật giáo Việt Nam. Với tư tưởng từ bi, hỉ xả, giáo lý Phật giáo đã góp phần tô điểm cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam với đức hiếu sinh, tinh thần ôn hòa, bao dung, vì hạnh phúc an cho mọi người.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Ở Quảng Ninh thì tất cả các chùa đều tổ chức long trọng, tập trung vào trọng tâm là các vùng biên giới, hải đảo, vùng núi, vùng sâu vùng xa. Đây là những vùng mà Phật giáo chưa phát triển, bà con khó khăn, người dân phật tử khó khăn thì Ban trị sự sẽ tập trung toàn lực ở đấy”.
Tham dự Đại lễ Phật đản, chị Ngô Bích Nhị, một Phật tử bày tỏ: “Chúng tôi tham gia Lễ Hội Phật Đản ở Yên Tử đến giờ là 18 năm. Mỗi lần về chốn tổ là Yên Tử, được dự lễ Phật Đản, đối với tôi cảm xúc như được trở về quê hương của mình, rất ấm cúng, rất tự hào”.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết, Phó chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh thực hiện nghi lễ tắm Phật |
Sau phần nghi lễ dâng hương, dâng hoa cúng dường đức Phật, các tăng ni, phật tử đã cử hành nghi lễ tắm Phật cầu nguyện cho đất nước hòa bình và phồn thịnh. Đồng thời, cũng cầu mong cho những người con Phật được bình an, hạnh phúc. Đây cũng là dịp để đông đảo tăng ni, phật tử cùng soi lại bản thân mình, hướng về Đức Phật để sống có ích hơn.
Bà Phạm Thị Vinh người dân tham dự lễ, cho biết: “15 năm tôi đi dự Lễ Phật Đản, rất may mắn được biết đến phật pháp. Trong cuộc sống sẽ có lúc thuận lợi nhưng cũng sẽ có lúc khó khăn, nhờ có phật pháp mà tôi được động viên, vượt qua được lúc khó khăn nhất”.
Cũng bắt đầu từ hôm nay, tại nhiều ngôi chùa khác từ thành thị đến biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, các hoạt động văn hóa và nghi thức mừng lễ Phật đản tiếp tục được diễn ra với sự tham dự của hàng nghìn Phật tử./.
Ý kiến ()