Nhiều trường hợp hàng hóa bị chủ hàng chối bỏ nên hàng vô chủ đang chiếm một diện tích lớn tại các cảng trên toàn quốc.
Khai báo nhập rổ nhựa, ván ép… song kiểm tra toàn tủ lạnh, máy lạnh, máy rửa chén… đã qua sử dụng. Nhiều trường hợp bị phát hiện thì chủ hàng chối bỏ. Hàng vô chủ đã và đang chiếm một diện tích lớn tại các cảng lớn trên toàn quốc.
Hàng nhập lậu ở khắp các cảng
Ngày 15/6, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Chi cục Hải quan KV.1, Cục Hải quan TP HCM) phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan, Đội kiểm soát hải quan – Cục Hải quan TP HCM, Bộ đội biên phòng cảng Nhà Rồng khám xét và thu giữ 3 container hàng nhập từ Nhật Bản chứa 1.100 máy điều hòa không khí và 165 quạt điện đã qua sử dụng, thuộc danh mục những mặt hàng cấm nhập.
|
Hàng trăm container vô thừa nhận ùn ứ tại cảng ở Việt Nam. |
Lô hàng trên được công ty giao nhận có địa chỉ ở Bình Dương khai báo là gỗ ván ép. Đây là vụ buôn lậu hàng điện lạnh qua cảng Cát Lái lớn nhất từ đầu năm 2017 đến nay.
2 ngày trước đó, cũng qua cảng Cát Lái, có hai lô hàng với tổng số lượng 380 bộ máy điều hòa không khí, 129 máy giặt, 28 bếp từ, 90 nồi cơm điện, 72 máy quạt, 35 máy hút… xuất xứ từ Nhật, đều đã qua sử dụng, được 2 công ty giao nhận khai báo là hàng máy móc phụ tùng và ván ép, bị hải quan phát hiện bắt giữ.
Thời điểm đầu tháng 6, có hai lô hàng của hai công ty giao nhận tại TP HCM khai báo là rổ nhựa, song qua khám xét phát hiện bên trong có 160 bộ máy điều hòa, 52 máy rửa chén, 25 máy giặt, hơn 100 tủ lạnh, gần 150 nồi cơm điện và nhiều máy cắt cỏ, máy sấy, bếp từ, máy nghe nhạc…
Hồi tháng 5, một công ty ở Bình Phước nhập khẩu lô hàng từ Nhật Bản qua cảng Cát Lái, khai các loại máy phát điện, máy uốn sắt, máy xẻ gỗ… Tuy nhiên bên trong có hàng trăm sản phẩm cấm nhập gồm đồng hồ treo tường, bếp điện, bếp gas, quạt điện, nồi cơm điện… đều đã qua sử dụng.
Cũng trong tháng 5, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu) kiểm tra phát hiện container hàng nhập từ đầu tháng 4 của một công ty xuất nhập khẩu trụ sở tại Bình Phước, khai báo hàng máy móc đã qua sử dụng, song bên trong là hàng điện lạnh, điện tử đã qua sử dụng.
Đa số hàng tồn là “rác” công nghiệp
Không chỉ cố tình khai sai các mặt hàng cấm nhập hòng qua mặt hải quan, nhiều lô hàng nhập khẩu khi bị cơ quan hải quan nghi ngờ khám xét lại biến thành “vô chủ”, gây ùn ứ ở các cửa khẩu phía Nam.
Cuối tuần qua, Chi cục Hải quan KV.1 cho biết đã phối hợp với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn và các bên liên quan bán 195 container lốp cao su đã qua sử dụng. Số hàng này nằm trong 456 container lốp cao su cũ tồn đọng tại cảng Cát Lái lâu nay.
Hiện Chi cục Hải quan KV.1 đã thống kê còn 226 container hàng nhập khẩu được lưu tại cảng, có tên địa chỉ người nhận lúc hàng về, song nay đã quá hạn 90 ngày vẫn không thấy các chủ hàng đến làm thủ tục. Các lô hàng vô chủ này chủ yếu là nhựa phế liệu, kim loại phế liệu, thực phẩm đông lạnh như khoai tây, chân gà; hóa chất, vải…
Để vận chuyển những lô hàng cấm về VN, các công ty thường dùng nhiều “mánh khóe” đánh lạc hướng cơ quan chức năng kiểm tra tại cửa khẩu. Đơn cử với lô hàng được khai là nhập khẩu rổ nhựa nói trên, theo ông Lê Nguyên Linh, Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan KV.1, chúng được vận chuyển lòng vòng qua nhiều nước, bắt đầu từ Nhật Bản, chuyển qua Thâm Quyến rồi đến Hong Kong (Trung Quốc) sau mới về cảng Cát Lái, TP HCM.
Tại khu vực quản lý của Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, thời gian gần đây cũng phát hiện và bắt giữ một số vụ nhập lậu thiết bị y tế cũ, nhập theo dạng quá cảnh Campuchia nhưng sau đó quay lại Việt Nam tiêu thụ. Ngoài ra, tình trạng nhập lậu tân dược cũng được phát hiện.
Lãnh đạo Cục Hải quan TP HCM cho biết đã yêu cầu các chi cục hải quan lưu ý kiểm tra và kiểm soát chặt chẽ các lô hàng chuyển cửa khẩu, đặc biệt lưu ý các mặt hàng máy móc thiết bị cũ, hàng tiêu dùng từ Trung Quốc, và các mặt hàng có nguy cơ gian lận về thuế, hoặc né tránh các chính sách quản lý nhà nước về xuất nhập khẩu./.
Theo Nguyên Nga – Đình Mười/Báo Thanh niên
Ý kiến ()