Chủ Nhật, 24/11/2024 05:54 (GMT +7)

Hàng Việt nâng cao cạnh tranh dịp Tết

Thứ 5, 21/01/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

So với năm ngoái, thị trường hàng hóa Tết năm nay phong phú và đa dạng hơn nhờ có sự cạnh tranh rất mạnh về hàng ngoại nhập, nhất là hàng Thái Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Do đó, các doanh nghiệp (DN) bán lẻ trong nước đã có sự chuẩn bị, từ đầu tư chiều sâu về chất lượng hàng hóa đến nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Phong phú hàng Tết
Chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, hầu hết các siêu thị, cửa hàng bán lẻ đều nhộn nhịp người mua sắm Tết. Khảo sát tại một số siêu thị như SaiGon Co.op, Big C, Satra Food… hầu hết các mặt hàng Tết đã lên kệ. Xen lẫn mặt hàng ngoại mẫu mã bắt mắt ở những vị trí dễ thấy như bánh kẹo, mứt, rượu, bia… thì những hàng hóa trong nước cũng không kém phần cạnh tranh nhờ chủng loại phong phú và phù hợp với thị hiếu, sở thích đa dạng của người dân ở các vùng miền.

Năm nay, thị trường hàng hóa Tết phong phú và đa dạng hơn.

Ông Nguyễn Phúc Khoa, Giám đốc kinh doanh Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) cho biết, riêng trong Tết Bính Thân 2016, Satra cung ứng hơn 6.819 tấn hàng hóa các loại và được chuẩn bị sẵn sàng từ 3 tháng trước. Theo đó, tổng sản lượng hàng hóa trước và sau Tết khoảng 21.000 tấn, tương đương với 1.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 5 đơn vị trực thuộc Satra gồm Công ty Vissan, Thực phẩm công nghệ Sài Gòn, Cầu Tre, APT và Cần giờ cũng tham gia cung ứng hàng hóa Tết để bình ổn thị trường (BOTT) với các mặt hàng gồm: Gạo, thực phẩm chế biến, đường, nước mắm, dầu ăn và thịt gia súc. Tổng lượng hàng hóa Tết là 27.000 tấn với giá trị khoảng 2.100 tỷ đồng. Như vậy, so với cùng kỳ năm ngoái, năm nay các đơn vị của Satra đều đã chuẩn bị lượng hàng tăng khoảng 10%.

Tương tự, Liên hiệp HTX Thương mại TP Hồ Chí Minh – Saigon Co.op cũng đã tăng lượng hàng hóa phục vụ Tết lên gấp 2 – 3 lần so với tháng kinh doanh thường. Tổng lượng hàng hóa dự kiến cung ứng cho 3 tháng trước, trong và sau Tết là hơn 95.000 tấn, tăng gần 10% so với Tết Ất Mùi. Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, tổng hàng hóa dành riêng bình ổn cho thị trường Tết là gần 6.900 tỷ đồng. Lượng hàng hóa chuẩn bị tăng bình quân 10% so với kế hoạch thành phố giao và tăng 40% so với kết quả thực hiện ở Tết Ất Mùi 2015.
Bên cạnh tăng lượng hàng hóa phục vụ Tết với nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú về mẫu mã, các nhà bán lẻ còn đẩy mạnh các chương trình khuyến mại hấp dẫn để thu hút người tiêu dùng nhằm cạnh tranh với hàng ngoại. Chưa kể, nhiều nhà phân phối còn chú trọng cung cấp những món ăn đặc trưng có hương vị truyền thống như bánh chưng, bánh tét, thịt kho nước dừa, thịt nấu đông, giò thủ, dưa hành, chè kho, ba rọi ngâm nước mắm, mực ngào me, tai heo ngâm chua ngọt…
Chú trọng chất lượng, giá cả
Theo ông Nguyễn Phúc Khoa, việc quan tâm đến hương vị Tết Việt chính là thế mạnh của các nhà bán lẻ trong nước. Đây cũng là một trong những chiến lược kinh doanh cốt lõi để các nhà bán lẻ có thể giữ vững thị phần nội địa khi hội nhập. Hiện nay, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại, điều đó mở ra một loạt các cơ hội cho các DN trong nước để xuất khẩu, kể cả Satra. Bởi hiện nay, đơn vị mới tập xuất khẩu ở thị trường châu Á, chiếm 75%, nay với hàng loạt các hiệp định thương mại mới kí kết, Satra cũng có thể vươn ra ở thị trường thế giới như châu Mỹ và châu Âu, trong đó tập trung vào một số sản phẩm được ưu đãi về thuế quan.
Tuy nhiên, việc giảm thuế và mở cửa thị trường cũng là thách thức lớn đối với các DN trong nước. Bởi theo ước tính của các chuyên gia, khi Việt Nam gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN thì có khoảng hơn 10.000 chủng loại sản phẩm ở các nước trong khối ASEAN có thêm điều kiện thuận lợi để vào thị trường Việt Nam. Trong khi đó, tâm lý của người Việt thường chuộng hàng ngoại. Để giải quyết bài toán này, ông Khoa cho biết Satra đã có sự chuẩn bị ứng phó bằng cách nâng cao năng lực về quản trị các chuỗi cửa hàng, hệ thống phân phối bán lẻ. Theo đó, Satra đã hoàn thành biên bản ghi nhớ với Tập đoàn SBS Holdings (Nhật Bản) về việc hợp tác, nghiên cứu khai thác các hoạt động trong lĩnh vực logistics. “Đây là mảng chiếm chi phí rất lớn trong giá thành sản phẩm hiện nay. Nếu chúng ta quản lý logistic tốt thì sẽ giúp giảm được giá thành sản phẩm. Nội dung thứ 2 là cải thiện chất lượng, mẫu mã của sản phẩm. Để chúng ta có thể tiếp cận được thị trường hàng hóa trong khu vực và để cạnh tranh được tại thị trường trong nước, chúng tôi phải chú trọng chất lượng và giá cả”, ông Khoa nói.
Ngoài ra, Satra cũng luôn xác định thị trường nội địa là chủ lực. Theo đó, Satra luôn củng cố lại và giữ vững thị trường hiện có bằng cách tăng cường thị trường liên kết với các hệ thống bên ngoài, các vùng nguyên liệu ở các tỉnh thành cùng với sự liên kết trong nội bộ để đưa ra thị trường những sản phẩm tốt nhất. Từ đó, đa dạng hóa về sản phẩm và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm giữ lấy thị trường trên sân nhà…
Không chỉ riêng đơn vị Satra mà nhiều nhà bán lẻ trong nước cũng tăng cường liên kết với các đơn vị cung ứng, đầu tư các dây chuyền sản xuất, chế biến đạt chuẩn Châu Âu nhằm đưa ra những sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp mắt, giá cả hợp lý. Chuyên gia kinh tế, tài chính TS Bùi Quang Tín, ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh cho rằng, đây cũng là một trong những cách thức để giành lại vị thế trên sân nhà khi phải cạnh tranh với các đối thủ mạnh là các DN nước ngoài tiềm năng vốn lớn, công nghệ kinh doanh hiện đại, công tác quản trị DN chuyên nghiệp và được hỗ trợ của các công ty mẹ ở nước ngoài, chủ động trong chuỗi thu mua – phân phối toàn cầu.
Tuy nhiên, TS Tín lo ngại, chỉ có những DN bán lẻ có quy mô lớn như Co-op Mart, Vinatex Mart, Satra Food… là có sức cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại. Với những DN bán lẻ có quy mô nhỏ, sức ép cạnh tranh trong thời gian tới là rất lớn. Ngoài ra, DN bán lẻ nội còn có một nhược điểm lớn cần thay đổi là cung cách phục vụ vẫn chưa chuyên nghiệp và chưa bám sát thị hiếu của từng đối tượng khách hàng. Theo đó, các DN nội cần xây dựng chiến lược nghiên cứu thị trường, nghiên cứu tâm lý khách hàng một cách bài bản và khoa học. Đồng thời, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, phát triển đội ngũ cán bộ, nhân viên bán hàng với phong cách, thái độ phục vụ chuyên nghiệp; chương trình hậu mãi, chăm sóc khách hàng triển khai thường xuyên, chu đáo… nhằm tạo dựng niềm tin, thu hút người tiêu dùng đến với siêu thị. Trên cơ sở xác định rõ đối tượng khách hàng các nhà bán lẻ sẽ định hướng liên kết xây dựng hệ thống bán lẻ với chính sách giá hướng đến người tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phù hợp.
Bài và ảnh: Hải Yên- TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu