Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 28/11/2024 09:53 (GMT +7)
Hành trình tái sinh nhiều cuộc đời của bác sỹ Pháp gốc Việt
Thứ 2, 26/02/2018 | 09:32:00 [GMT +7] A A
Trong 3 năm qua, đều đặn 3 tháng 1 lần, Giáo sư, Bác sỹ (GS.BS) René D.Esser (phụ trách Khoa Chấn thương – Chỉnh hình Bệnh viện Polyclinique du Ternois, Pháp) lại vượt hàng ngàn kilomet để về công tác tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai).
GS.BS René D.Esser vừa khám cho bệnh nhận, vừa truyền đạt kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật khám và điều trị xương khớp cho các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai). |
Đây là nơi vị giáo sư, bác sỹ 67 tuổi, người Pháp gốc Việt René D.Esse trực tiếp chuyển giao kỹ thuật, khám và điều trị miễn phí nhiều ca bệnh khó về xương khớp mà các bệnh viện tại Việt Nam chưa làm được.
Cơ duyên với Việt Nam
Tốt nghiệp Đại học Y khoa Paris (Pháp), từ năm 1975, bác sỹ René D.Esser bắt đầu sự nghiệp tại Đức. Sau 3 tháng vừa phụ mổ vừa học tiếng Đức, ông đã dẫn đầu trong cuộc thi tuyển gắt gao về xương khớp để trở thành trưởng khoa chấn thương chỉnh hình của một bệnh viện lớn có quy mô 220 giường bệnh.
Tuy nhiên sau một thời gian là việc, bác sỹ René D.Esser quyết định chuyển về quốc đảo Samoa làm việc. Tại đây, bác sỹ René D.Esser đã đứng ra vận động tài trợ để xây một bệnh viện chấn thương chỉnh hình rồi bàn giao lại cho chính phủ. Với những đóng góp to lớn cho người dân trên đảo, ông được đức vua Samoa nhận làm con nuôi và tặng huy chương danh dự, trở thành Hoàng tử của quốc đảo.
Năm 1995, vì lý do gia đình, bác sỹ René D.Esser quyết định quay trở về Pháp làm việc. Là người Pháp gốc Việt, với nỗi niềm canh cánh là sau bao nhiêu năm Việt Nam vẫn chưa có sự thay đổi nổi bật trong lĩnh vực y tế. Do vậy, khi tích cóp được nhiều kinh nghiệm, tay nghề và điều kiện thực sự vững vàng, bác sỹ René D.Esser đã chủ động tìm về để thực hiện các chương trình mổ từ thiện và chuyển giao kỹ thuật cho các bác sỹ tại Việt Nam.
Nói về cơ duyên khiến bản thân lựa chọn Bệnh viện đa khoa Thống Nhất để chuyển giao kỹ thuật điều trị các ca bệnh xương, khớp khó khi về Việt Nam, GS. BS René D.Esser cho biết, khi gặp giám đốc bệnh viện này, ông đã hỏi về những hiểu biết của họ trong điều trị bệnh chấn thương chỉnh hình và nhận được câu trả lời rằng với loại bệnh này không chỉ phẫu thuật là xong mà công tác phục hồi chức năng sau mổ rất quan trọng. Nhất trí với quan điểm trên nên GS. BS René D.Esser quyết định hợp tác với bệnh viện.
GS.BS René D.Esser chia sẻ: “Để điều trị thành công bệnh chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật mới chỉ là một phần công việc của người bác sỹ. Việc theo dõi quá trình hồi phục luôn là điều cần thiết, nó có tính quyết định đến khả năng phục hồi của bệnh nhân. Tuy nhiên nhiều bệnh viện tại Việt Nam hầu như chưa quan tâm nhiều đến khâu phục hồi chức năng, chỉ chú trọng phẫu thuật”.
Hết lòng vì bệnh nhân nghèo
GS.BS René D.Esser trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai). |
Trong suốt những năm làm việc tại Việt Nam, GS. BS René D.Esser đã thực hiện rất nhiều ca phẫu thuật, tái sinh nhiều cuộc đời tưởng chừng như chỉ có thể sống dựa vào người thân và gia đình. Trong đó có rất nhiều ca phẫu thuật đòi hỏi kỹ thuật cao mà các bệnh viện lớn tại Việt Nam vẫn chưa thực hiện được.
Mới đây, tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, GS.BS René D.Esser đã phẫu thuật thành công cho trường hợp bệnh nhân Nguyễn Phương Nhi (18 tuổi, thị xã Long Khánh, Đồng Nai) bị tai nạn giao thông gãy kín xương đùi phải nên phải cắt bỏ một đoạn xương khiến 2 chân chênh lệch nhau 2,5 cm.
Trải qua 6 lần phẫu thuật tại một số bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng không thể khắc phục được, Nhi vẫn phải nằm một chỗ và sống nhờ sự giúp đỡ của người thân. Được GS. BS René D.Esser trực tiếp khám và phẫu thuật nối thêm 1cm xương chân phải, đến nay Phương Nhi có thể tự tập đi lại được.
Trong niềm hi vọng, Phương Nhi chia sẻ: “Giáo sư René D.Esser đã hứa lần tới quay lại sẽ trực tiếp phẫu thuật cho em. Em chỉ phải trải qua một lần phẫu thuật nữa để kéo dài xương, cân bằng 2 chân để có thể đi lại bình thường. Nhờ Giáo sư mà em có thêm hy vọng và sự sống mới vì khi đi lại được em có thêm nhiều cơ hội để học tập và thực hiện những ước mơ của mình” Phương Nhi vui mừng cho biết.
Mặc dù từng chữa trị cho rất nhiều trường hợp, nhưng mỗi trường hợp đều để lại cho vị bác sĩ người Pháp gốc Việt rất nhiều ấn tượng. Ông không quên một ai, đối với những trường hợp bệnh đặc biệt nặng ông vẫn thường xuyên giữ liên lạc để nắm rõ khả năng phục hồi của từng bệnh nhân.
Trường hợp chị Nguyễn Thanh Hà do di chứng của chất độc da cam, 28 năm đi đứng khập khiễng, đã từng có ý nghĩ sẽ cam phận trở thành gánh nặng suốt đời của gia đình. Nhiều lần đi khám nhưng đều bị từ chối phẫu thuật, may mắn chị Hà gặp và được GS. BS René D.Esser trực tiếp phẫu thuật, chị như được sinh ra lần nữa. Từ cô gái chân khoèo, tay khoèo, đau nhức không làm gì được, sau 2 ca mổ, chị Hà đã đi đứng nhanh nhẹn hoạt bát. Hiện, chị Hà đang làm chủ một tiệm cắt tóc tại Hải Phòng và mở lớp dạy nghề miễn phí cho hàng trăm bạn trẻ khuyết tật.
Đây chỉ là một trong số ít những ca phẫu thuật tìm lại sự sống cho những bệnh nhân nghèo, những trường hợp đặc biệt như có bệnh nhân phải thay chỏm xương quay, phủ tạng bị đảo ngược, tim nằm bên phải… mà GS. BS. René D.Esser đã thực hiện và vẫn nhớ đến từng chi tiết.
Về chuyển giao kỹ thuật, GS.BS René D.Esser cho biết, ở các bệnh viện tại Việt Nam, nhất là các bệnh viện tuyến tỉnh còn thiếu nhiều trang thiết bị hiện đại trong điều trị, phẫu thuật các ca bệnh xương, khớp, do đó có nhiều hạn chế trong xử lý các ca bệnh khó. Nếu nhận thấy điều kiện Việt Nam không đủ thực hiện, giáo sư luôn sẵn sàng mang dụng cụ từ Pháp về để vừa kết hợp mổ vừa tranh thủ truyền đạt kinh nghiệm trực tiếp cho các bác sĩ bệnh viện.
Không chỉ riêng Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, GS. BS René D.Esser còn hợp tác, trực tiếp tham gia nhiều ca mổ khó tại các bệnh viện trong nước như Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Chợ Rẫy, Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định, 108…
Luôn song hành cùng GS.BS René D.Esser mỗi khi ông về nước chữa bệnh, bác sỹ Nguyễn Tường Quang, Trưởng khoa ngoại – chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai cho biết, mỗi khi hay tin giáo sư về Việt Nam chữa bệnh, người dân thường tập trung rất đông tại bệnh viện với mong muốn được giáo sư trực tiếp chữa trị.
Theo bác sỹ Nguyễn Tường Quang, khi gặp những ca khó về xương khớp các bác sĩ tại bệnh viện thường hội chuẩn từ xa để trao đổi, xin ý kiến của giáo sư cùng tìm ra phương án chữa trị tốt nhất cho bệnh nhân. Được hợp tác cùng giáo sư, các bác sỹ tại bệnh viện không chỉ học được ở giáo sư những kiến thức chuyên môn như cách làm việc chuyên nghiệp, cách lập kế hoạch trước, trong và sau mổ, cách đưa ra phương án, xử lý tình huống tài tình, mà còn học được ở ông sự chân tình, giản dị bởi cái tâm cao cả, hết lòng vì bệnh nhân nghèo với mục đích cuối cùng giúp những người vốn là gánh nặng gia đình trở thành người lành lặn, hòa nhập tốt với cuộc sống đời thường.
Ý kiến ()