Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 25/11/2024 23:29 (GMT +7)
Hấp dẫn bảo tàng sinh vật biển lớn nhất Việt Nam
Thứ 3, 21/02/2017 | 10:08:00 [GMT +7] A A
Nằm bên cảng Cầu Đá, thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa), với diện tích 5.000 m2, Bảo tàng Hải dương học (Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) mở ra một thế giới đại dương kỳ thú, sống động. Nơi đây lưu trữ và trưng bày các bộ mẫu sinh vật biển đa dạng và lớn nhất Việt Nam với hơn 22 nghìn mẫu vật của hơn năm nghìn loại sinh vật biển, và rất nhiều trong số đó được coi là mẫu vật quý của quốc gia.
Khách du lịch tham quan Bảo tàng Hải dương học.
Mỗi sinh vật, một câu chuyện
Chị Trịnh Thu Minh, hướng dẫn viên Bảo tàng Hải dương học dẫn chúng tôi tham quan, giới thiệu lần lượt hệ thống các hồ nuôi sinh vật biển, hệ thống nhà lưu trữ và trưng bày bộ mẫu sinh vật biển lớn nhất Việt Nam, các phòng trưng bày chuyên đề. Hệ thống phong phú này được các nhà khoa học không ngừng bổ sung mẫu vật trong suốt gần 100 năm qua. Được người Pháp thành lập vào năm 1923, từ một phòng lưu trữ – bảo quản mẫu vật, đến nay, Bảo tàng Hải dương học trở thành một trong những bảo tàng tự nhiên có giá trị và bề dày lịch sử của Việt Nam.
Là bảo tàng sinh vật biển lớn nhất Việt Nam, Bảo tàng Hải dương học có sức hút đặc biệt từ những câu chuyện sống động, hấp dẫn của các sinh vật biển. Hệ thống aquarium (hồ nuôi và thuần dưỡng sinh vật biển) là một quần thể kiến trúc đa dạng giới thiệu sự đa dạng và đầy bí ẩn của thế giới sinh vật biển ở Việt Nam. Hồ nuôi có hơn 300 loài sinh vật biển tiêu biểu, trong đó nhiều loài có kích thước lớn hoặc hấp dẫn như: các loài rùa biển, sam, cá mập, cá đuối, họ cá thiên thần (cá Hoàng đế, Hoàng hậu – Angelfishes), họ cá bướm, cá mao tiên, chình thiên long, cá khoang cổ cộng sinh với hải quỳ, các loài sao biển, cầu gai, huệ biển, hải sâm, san hô và các loài tôm – cua… Cá mao tiên nhẹ nhàng uyển chuyển với vũ khí là những chiếc vây mang chất độc, cá Mặt quỷ có hình thức ngụy trang như một khối đá, cá Ngựa thủy chung có biệt tài bơi đứng, cá chình bông như những con trăn lớn, cá hề và hải quỳ sống cùng nhau như những đôi bạn thân, loài hải quỳ như những cây dừa biển, loài so được xem như những hóa thạch sống với hình dáng không thay đổi suốt hàng trăm triệu năm qua… Bảo tàng còn được biết đến như một “trạm cứu hộ sinh vật biển”. Những loài quý hiếm như rùa biển, hải cẩu đi lạc trong tự nhiên hoặc mắc lưới ngư dân được đưa về chăm sóc và nuôi dưỡng đặc biệt. Tập tính sống của các loài cũng được giới thiệu, giúp những người yêu thiên nhiên có thể tiếp cận và trao đổi kiến thức về việc chăm sóc sinh vật biển.
Bộ sưu tập 20 nghìn mẫu
Làm nên giá trị, nét đặc trưng của Bảo tàng Hải dương học phải kể đến khu trưng bày “Đa dạng sinh vật biển”. Du khách choáng ngợp trước bộ sưu tập hiện đang lưu giữ và bảo tồn với khoảng 20 nghìn mẫu thuộc năm nghìn loài sinh vật (thực vật biển, hải miên, ruột khoang, thân mềm, giáp xác, da dai, cá, bò sát, thú biển) ở biển Việt Nam và các vùng nước lân cận. Theo TS Võ Sĩ Tuấn, Viện trưởng Hải dương học, bộ sưu tập nói trên được coi là “di sản của bảo tàng”. Các mẫu vật được sắp xếp một cách khoa học theo hệ thống phân loại để có thể tra cứu và quản lý. Một số mẫu là loài mới đối với khoa học hoặc đối với khu hệ sinh vật biển Việt Nam. Chính vì vậy, bộ mẫu rất quan trọng trong việc xác định sự đa dạng sinh học vùng biển Việt Nam và công tác nghiên cứu, phân loại học ở Việt Nam và trên thế giới.
Ngoài những mẫu có giá trị khoa học, bảo tàng còn lưu giữ nhiều mẫu loài sinh vật thường gặp ở biển, mầu sắc đẹp hoặc độc đáo nhưng mang độc tố có độc tính cao như ốc cối địa lý, bạch tuộc đốm xanh, các loài cá nóc, con so, rắn biển… Bảo tàng cũng trưng bày nhiều mẫu sinh vật biển lớn và quý hiếm như: Cá tầm, cá nạng hải, cua vua với hai sải chân dài 1,2m, cá mặt trăng đuôi nhọn, trai khổng lồ nặng 145 kg, mực bay khổng lồ, rùa da, cá nhám voi dài gần 6m, cá ông chuông, hải cẩu, bộ xương nàng tiên cá (Dugong) khai quật tháng 11-1997 tại bãi Lò Vôi (Côn Đảo)… Mỗi mẫu vật đều được sắp đặt có chủ đích nhằm chuyển tải một kiến thức khoa học, một bí mật hay chỉ đơn giản là một điều thú vị về đại dương bao la. Tại phòng trưng bày mẫu vật lớn, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bộ xương cá voi lưng gù (Megaptera novaeangliae) khổng lồ (dài 18 m, nặng 10 tấn) đã bị chôn vùi trong lòng đất ở đồng bằng sông Hồng hơn 200 năm. Năm 2012, Bảo tàng Hải dương học được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam bầu chọn là “Nơi lưu giữ bộ mẫu sinh vật biển lớn nhất”.
Nằm trong hệ thống hầm xuyên lòng núi phía sau Viện Hải dương học, thuộc khu vực bảo tàng, Phòng trưng bày tài nguyên biển đảo Hoàng Sa – Trường Sa lưu giữ hàng trăm mẫu sinh vật, địa chất, các loài sinh vật sống tiêu biểu của vùng biển thuộc hai quần đảo trên và khu nuôi sinh vật biển sống tại vùng biển này. Đó là mẫu vật được thu thập qua nhiều chuyến đi khảo sát, nghiên cứu thực tế của Viện Hải dương học tại vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa. Chị Trịnh Thu Minh cho biết, chuyên đề “Tài nguyên biển đảo Hoàng Sa – Trường Sa” vừa diễn ra vào cuối năm 2016 trưng bày những mẫu vật, tài liệu và sinh vật sống phân bố ở Hoàng Sa và Trường Sa thu hút sự chú ý của nhiều du khách. Trong những năm qua, Bảo tàng Hải dương học cũng đã tổ chức trưng bày nhiều chuyên đề phổ biến kiến thức nhằm giới thiệu những thành tựu khoa học biển hoặc giải đáp những vấn đề khoa học mang tính thời sự mà công chúng quan tâm như: cá mập, cá nhám, rùa biển, ngư cụ, lễ hội Nghinh Ông…
Trưởng Phòng Truyền thông và Giáo dục môi trường Nguyễn Thị Mỹ Ngân cho biết, số lượng du khách đến thăm Bảo tàng Hải dương học Nha Trang tăng lên theo từng năm. Năm 2013, Bảo tàng đón hơn 300 nghìn lượt khách, năm 2015 đón khoảng hơn 350 nghìn, năm 2016 khoảng 360 nghìn lượt khách. Trong số đó, khách nước ngoài chiếm hơn 50 nghìn lượt. Với lợi thế là đơn vị trực thuộc viện nghiên cứu khoa học, Bảo tàng được kế thừa, tiếp thu và cập nhật kiến thức hải dương học nhanh chóng và đầy đủ. Cùng đội ngũ nhà khoa học luôn sẵn sàng giải đáp thắc mắc về biển cho du khách, Bảo tàng thật sự là một điểm đến đáng tin cậy đối với những người yêu thiên nhiên, yêu biển. Do điều kiện cơ sở vật chất, việc bảo quản bộ sưu tập 20 nghìn mẫu sinh vật biển còn hạn chế, chưa được bảo quản trong điều kiện phòng lạnh. Nếu được đầu tư về cơ sở vật chất và con người, chắc chắn Bảo tàng Hải dương học không chỉ là bảo tàng biển lớn nhất Việt Nam mà còn trở thành bảo tàng biển hàng đầu của khu vực.
Nhan Dan Online
Ý kiến ()