Tăng lãi suất không diễn ra trên diện rộng
TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá: Hiện nay, thanh khoản hệ thống ngân hàng tương đối ổn định. Tuy nhiên, do Thông tư 06 yêu cầu các ngân hàng phải giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 60% xuống mức 50% có hiệu lực kể từ đầu năm 2017, nên các ngân hàng phải cơ cấu lại nguồn vốn, đẩy lãi suất huy động, đặc biệt là lãi suất chứng chỉ tiền gửi kỳ dài hạn lên cao để thực hiện theo đúng quy định này.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, tình hình chung từ nay đến cuối năm, lãi suất có thể tăng nhưng ở mức độ không cao. Nguyên nhân do các ngân hàng cần nguồn vốn dồi dào để tăng trưởng tín dụng cho vay theo định hướng của NHNN. Hơn nữa, lãi suất huy động thường có biên độ 2% trên tỷ lệ lạm phát, trong khi tỷ lệ lạm phát dự báo có thể tăng trong năm nay nên sẽ tác động lên lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay.
Đặc biệt, trong lĩnh vực cho vay bất động sản, hệ số rủi ro cũng được yêu cầu tăng lên từ 150% lên 200%, điều này kéo theo chi phí vốn để hỗ trợ huy động, cho vay tăng lên, do đó, ngân hàng phải tăng lãi suất để bù vào phần chi phí tăng lên này.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhìn chung ổn định, nhưng nếu xét riêng trong phân khúc ngân hàng quy mô nhỏ thì thanh khoản không được dồi dào như các ngân hàng quy mô vừa và lớn. Vì thế, để hỗ trợ cho vay theo quy định của Thông tư 06, các ngân hàng quy mô nhỏ sẽ gặp khó khăn hơn trong việc tìm nguồn vốn, nên lãi suất của các ngân hàng nhỏ bao giờ cũng cao hơn ngân hàng lớn để thu hút khách hàng. Do vậy, đợt tăng lãi suất lần này không diễn ra trên diện rộng.
Hơn nữa, lãi suất tăng còn do tác động đến từ nợ xấu, khi tại nhiều ngân hàng, nợ xấu vẫn chưa được xử lý triệt để và hiệu quả. Với một tỷ lệ nợ xấu nhất định, một số ngân hàng không những phải tăng dự phòng rủi ro mà còn bị ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận ngân hàng nên ngân hàng cần tăng huy động vốn. Bên cạnh đó, những chi phí này sẽ được bù trừ vào lãi suất cho vay, khiến lãi suất cho vay có thể bị tác động và đẩy lên.
Đã đến thời điểm tăng lãi suất USD?
Nhận định về việc NHNN vẫn giữ lãi suất tiền gửi bằng USD ở mức 0%/năm, TS. Hiếu cho rằng, hiện tại là thời điểm phù hợp để trả lãi suất tiền gửi USD vì lãi suất USD hiện đang tăng trên thị trường tiền tệ thế giới. Nếu Việt Nam vẫn áp dụng 0% lãi suất USD, có khả năng ngoại tệ sẽ “chảy” ra nước ngoài.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, áp dụng lãi suất trên USD sẽ làm tăng thanh khoản USD tại các ngân hàng Việt Nam.
TS. Hiếu nhấn mạnh: NHNN nên xem xét việc cho phép các ngân hàng thương mại được quay trở lại trả lãi suất trên tiền gửi bằng USD. Vì lãi suất các đồng ngoại tệ lớn của thế giới như: USD, EURO… đang tăng, lãi suất liên ngân hàng vay USD ít nhất vào khoảng 1%/năm; hơn nữa, hệ thống ngân hàng vẫn phải cho vay USD để hỗ trợ xuất nhập khẩu, nên nếu không trả lãi suất tiền gửi trên USD, thì thanh khoản ngoại tệ có thể bị ảnh hưởng.
Hiện nay, lãi suất tiền gửi bằng USD của nhiều ngân hàng trên thế giới đã tăng lên, nên hệ thống ngân hàng của Việt Nam không nên và không thể đứng ngoài cuộc. Do đó, theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu, lãi suất tiền gửi bằng USD nếu để ở mức 0,25%/năm vẫn còn ít quá, mà phải trên 0,5%/năm.
TS. Hiếu phân tích: Nếu muốn tạo thanh khoản USD cho các ngân hàng để cho vay thì phải xem xét cho phép trả lãi suất trên USD. Nhưng nếu trả lãi suất cho USD thì lại phải đẩy lãi suất tiền đồng lên vì cần giữ một khoảng chênh lệch nhất định, đủ để người dân, nhà đầu tư không chuyển tiền đồng sang USD.
Vẫn kiếm lời dù lãi suất USD bằng 0
Lãi suất tiền gửi USD giảm về 0% là một trong những biện pháp của NHNN thời gian qua nhằm chống lại tình trạng USD hóa. Thực tế, một số cá nhân lấy sổ tiết kiệm ngoại tệ để vay tiền đồng, rồi gửi ngược lại ngân hàng hưởng chênh lệch lãi suất.
Ý kiến ()