Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 25/11/2024 06:40 (GMT +7)
‘Hiến kế’ phát triển nhân lực trình độ cao, chất lượng cao: Nhà trường và doanh nghiệp đều cần thay đổi tư duy
Thứ 3, 05/03/2019 | 15:20:00 [GMT +7] A A
Nhiều nhà khoa học và lãnh đạo doanh nghiệp đã đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.
Kinh tế phát triển nhưng chỉ số về giáo dục chưa cao
Tại buổi tọa đàm “Các giải pháp đột phá phát triển nhân lực trình độ cao, chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước” do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức ngày 2/3 với sự chủ trì của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nhiều vấn đề về rào cản và khó khăn trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã được chỉ ra.
Có độ lệch giữa cung và cầu nhân lực chất lượng cao làm nảy sinh tình trạng giành giật nguồn nhân lực. Ảnh: Phương Vy/TTXVN
Theo GS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, có những điểm không đồng đều giữa chỉ số phát triển nguồn nhân lực với chỉ số phát triển kinh tế của các địa phương. Cụ thể, Bình Dương và Đồng Nai là hai địa phương có chỉ số phát triển kinh tế đứng đầu cả nước nhưng chỉ số về giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực lại rất thấp, trong khi đó Nam Định ngược lại, dẫn đầu cả nước về chỉ số giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực nhưng chỉ số phát triển kinh tế lại thấp. “Như vậy, sự lan tỏa nguồn nhân lực vào phát triển kinh tế chưa cao”, GS Đạt nhận định.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm, hiện có độ lệch giữa cung và cầu, làm nảy sinh tình trạng giành giật nguồn nhân lực CNTT. Thứ trưởng Phan Tâm chia sẻ, quy mô đào tạo ngành CNTT mỗi năm không nhỏ. Ngoài Học viện Bưu chính Viễn thông (trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) mỗi năm tuyển sinh trên 3.000 sinh viên, còn rất nhiều trường khác đào tạo CNTT, nhưng doanh nghiệp vẫn kêu thiếu, các doanh nghiệp CNTT giành giật nhân lực, thậm chí dẫn đến “phá giá” tuyển dụng.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, như vậy vẫn có độ lệch về cơ cấu cung – cầu; về yêu cầu trình độ, kĩ năng giữa hai bên “cung” và “cầu”; bên “cung” chậm thay đổi để vận hành theo cơ chế thị trường. Để giải quyết vấn đề này, trước hết phải tiến hành công việc dự báo “cung”, dự báo “cầu”, để có có một dự báo tốt. Hai bên phải ngồi với nhau để đưa ra mẫu số chung, sau khi xác định rõ về “cầu” thì xác định điểm nghẽn bên “cung”.
“Tôi thấy có 2 điều, đó là cơ sở đào tạo đẳng cấp quá ít; lực lượng giảng viên chất lượng cao thiếu, phương thức giảng dạy còn xa mới đáp ứng được yêu cầu 4.0”, Thứ trưởng Phan Tâm nói về điểm nghẽn bên “cung”, từ đó cho rằng nên dồn nguồn lực để đầu tư có trọng điểm, không nên dàn trải. Thứ trưởng Phan Tâm cũng đề cập đến sự ràng buộc giữa doanh nghiệp với các cơ sở đào tạo để kết nối “cung”, “cầu”, “sự ràng buộc đó phải trở thành nhu cầu tự thân của doanh nghiệp” – ông Tâm nói.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh trăn trở về lao động ngành Nông nghiệp. Ông Lê Quốc Doanh cho biết, hiện nay số lượng doanh nghiệp nông nghiệp tăng nhanh, có nhu cầu nhân lực cao. Theo khảo sát sơ bộ, từ nay đến năm 2025 cần 10.000 cán bộ quản lý trong nông nghiệp; cần 80.000 cán bộ hợp tác xã nông nghiệp; 10 vạn nông dân có trình độ đào tạo; 6 vạn người làm dịch vụ kĩ thuật, sản xuất, kinh doanh các vật tư nông nghiệp. Cán bộ nghiên cứu cần 1.000 tiến sĩ, 8.000 thạc sĩ trong toàn ngành.
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 38 trường đại học, cao đẳng, trường đào tạo bồi dưỡng và nhiều viện. Tuy nhiên, hiện nay việc tuyển sinh gặp khó khăn, các trường khi thấy nhu cầu của người học giảm, khó thu hút tuyển sinh thì bắt đầu có chuyển đổi, nhưng đang rất thụ động” – ông Lê Quốc Doanh cho hay.
Nhà trường và doanh nghiệp đều cần thay đổi tư duy
Đề cập đến trách nhiệm của doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo đại học và sau đại học (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, “chưa có nơi đâu doanh nghiệp được hưởng lợi như doanh nghiệp Việt Nam. Phải có đầu tư của doanh nghiệp quay ngược trở lại với hệ thống của chúng ta. Không chỉ đòi hỏi một phía”. Ông Nguyễn Đình Đức đồng thời nhắc đến những khó khăn của trường đại học trong thu hút nhân tài vì thiếu nguồn lực và đề cập đến giải pháp giao tự chủ cho các trường.
Sinh viên được học và thực hành trên các phương tiện máy móc kỹ thuật tiên tiến, hiện đại để đáp ứng ngay nhu cầu thực tế. Ảnh: TTXVN
Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Tập đoàn FPT cho hay: Trong vòng 15-20 năm nữa nhân loại sẽ chuyển sang thế giới số, nhiều kĩ năng sử dụng trong thế giới hiện nay sẽ không cần trong tương lai. Do đó, hơn lúc nào hết, phải chuyển thật nhanh, thật tốc độ. Trong cuộc chuyển đổi này, sứ mạng của giáo dục và đào tạo là số một; giáo dục đại học là nền tảng và tiên phong để thực thi chính sách phồn vinh của đất nước. “Thành công đều do con người mà ra và người Việt Nam đang có lợi thế” – ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.
Cũng theo ông Trương Gia Bình, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm đến việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp; có cơ chế nào để các bên chủ động, thực hiện hiệu quả hoạt động hợp tác có tính gắn kết hữu cơ này, trong đó các trường phải đáp ứng nhanh, ngay lập tức được với nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp. “Nếu hứa hẹn 3-4 năm, doanh nghiệp sẽ đi ngay” – Chủ tịch Tập đoàn FPT cho hay.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – một trong những trường đại học được thí điểm tự chủ toàn phần – cho rằng, quan trọng nhất là các trường phải đổi mới tư duy để chủ động tiếp cận thị trường. Cùng với đó là sự hỗ trợ của nhà nước về dự báo nguồn nhân lực, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp; đầu tư có trọng tâm trọng điểm đối với những ngành nghề xã hội cần; có các chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khi họ bắt tay với cơ sở đào tạo…
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đề nghị Bộ GD&ĐT hỗ trợ để kết nối, định hướng lại chính sách đào tạo ngành nông nghiệp; chuyển đổi các ngành đào tạo nông nghiệp theo hướng đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Là chủ nhiệm đề tài thuộc Chương trình Khoa học giáo dục “Nghiên cứu dự báo nhu cầu nguồn nhân lực làm cơ sở xây dựng chương trình đào tạo đến năm 2025”, PGS. TS Trần Thị Thái Hà, cho biết, bất cập lớn nhất hiện nay của các cơ sở đào tạo là thiếu những liên kết cơ bản với nơi sử dụng, nguyên nhân là do thiếu thông tin, thiếu động lực kết nối và thiếu năng lực kết nối. Tính hội nhập và sự sẵn sàng cho cuộc cách mạng 4.0 cũng chưa đáp ứng được. Từ đó, bà Hà đưa ra 3 thay đổi bao gồm: Thay đổi trong cách dạy và cách học; thay đổi trong cách kiểm định, quản lý theo cách mới để tăng cường giám sát; thay đổi cách tổ chức trong nhà trường.
Trước những đóng góp của các nhà khoa học và lãnh đạo doanh nghiệp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, Bộ GD&ĐT có thêm thông tin để hoàn thiện báo cáo đánh giá chiến lược phát triển giáo dục, đào tạo 10 năm (2011-2020) và giải pháp 10 năm tới, nằm trong tổng thể chiến lược quốc gia. Đây là cơ sở để Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, VCCI, VASS tổ chức các diễn đàn lớn về phát triển nguồn nhân lực, qua đó kết nối đào tạo với sử dụng, khắc phục điểm nghẽn cung – cầu đang cản trở việc phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao.
“Không có cách tiếp cận nào tốt hơn là tiếp cận từ thị trường. Qua những diễn đàn này, các trường sẽ biết mình phải làm gì, thay đổi gì để đáp ứng nhu cầu từ doanh nghiệp. Bộ GD&ĐT với vai trò của mình sẽ tạo môi trường kết nối và hỗ trợ chính sách để mối quan hệ cung – cầu, đào tạo – sử dụng đến gần nhau hơn” – Bộ trưởng nêu rõ.
Ý kiến ()