Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 26/11/2024 19:36 (GMT +7)
Hiện thực hóa quyết sách của Đảng, kinh tế Việt Nam phát triển có tính cạnh tranh cao
Thứ 6, 22/01/2021 | 12:18:00 [GMT +7] A A
Thành tựu kinh tế đạt được trong những năm qua là minh chứng rõ nét về kết quả của công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và định hướng. Để hiện thực hóa những quyết sách của Đảng, Việt Nam cần quyết liệt hơn trong hành đồng, với tư duy mới, tầm nhìn mới để tranh thủ được các cơ hội.
Các chuyên gia kinh tế đã chia sẻ với báo chí xung quanh vấn đề này nhân Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sắp diễn ra.
TS Nguyễn Đức Kiên trong buổi trao đổi với báo giới. Ảnh: H.D.
TS Nguyễn Đức Kiên – Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng: Tăng khả năng chống chịu trước các cú sốc
Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam sắp diễn ra, và sau đó là kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đảng (3/2/2021). Trong suốt 90 năm qua, Đảng đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam đạt biết bao thành tựu lịch sử vẻ vang.
Trong năm đầu thế kỷ 21, bối cảnh kinh tế – chính trị – xã hội trên bình diện quốc tế đã có nhiều thay đổi, biến động nhanh, không ổn định. Tình hình đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và thiên tai nghiêm trọng diễn ra trong năm 2020 càng củng cố thêm xu hướng nêu trên. Nhận thức được đặc điểm này, Đảng và Nhà nước ta đã xác định cần có các cơ chế tốt hơn để tăng khả năng chống chịu trước các cú sốc, tạo điều kiện chia sẻ những hệ lụy do cú sốc tạo ra cho nền kinh tế. Việt Nam đã chủ động xây dựng cơ cấu kinh tế hiện đại, tạo dựng nền tảng và dư địa cho điều hành chính sách vĩ mô, từng bước làm chủ các công nghệ sản xuất tiên tiến, cải thiện vị trí của doanh nghiệp và nền kinh tế trong chuỗi giá trị toàn cầu, đa dạng hóa các thị trường và đối tác thương mại.
Với tinh thần Việt Nam là bạn và đối tác với mọi quốc gia trên thế giới, chúng ta đã đặt dấu mốc quan trọng đầu tiên trong giai đoạn mở cửa nền kinh tế, hội nhập kinh tế thế giới với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007. Từ đó tới nay, Việt Nam đã tích cực đàm phán và ký nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) song phương và đa phương.
Gần đây nhất, chúng ta đã ký hai hiệp định với tiềm năng rất lớn là Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) về cả thị trường và sản phẩm xuất khẩu. Hội nhập kinh tế quốc tế thúc đẩy hoạt động thương mại quốc tế của Việt Nam phát triển mạnh, gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu. Từ một nước nhập siêu, Việt Nam đã chuyển sang cân bằng xuất nhập khẩu, thậm chí là xuất siêu.
Việc có quan hệ Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nền kinh tế lớn và phát triển tại các khu vực địa lý khác nhau đã giúp Việt Nam đa dạng hóa quan hệ kinh tế đối ngoại và có được cơ cấu thị trường hợp lý hơn, không quá phụ thuộc vào một khu vực thị trường nào. Uy tín, vai trò, vị thế của Việt Nam, vì thế cũng tăng lên rõ rệt trên trường quốc tế. Các hiệp định thương mại đi vào thực thi đã giống như các “tuyến cao tốc” rộng mở, nối gần hơn doanh nghiệp Việt với thế giới.
Trong 10 năm trở lại đây, thị trường xuất khẩu được mở rộng theo hướng đa dạng hóa, đa phương hóa. Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa đến hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ động từng bước chuyển dịch sang các nước có trình độ phát triển cao và cơ cấu hàng hóa nhập khẩu có tính bổ sung cho cơ cấu hàng hóa trong nước. Việt Nam hiện là một trong 10 nền kinh tế có độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới với tỷ trọng xuất nhập khẩu/GDP tăng liên tục qua các năm (từ 136% năm 2010 lên gần 200% vào năm 2019). Trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2020 vẫn đạt mức xuất siêu kỷ lục lên tới 20,1 tỷ USD.
TS Cao Viết Sinh – nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Tăng chuỗi liên kết doanh nghiệp, xây dựng nền kinh tế tự chủ
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, với sự điều hành quyết liệt và quyết tâm cao của Chính phủ, Việt Nam đã từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, biểu hiện ở việc tốc độ tăng GDP bình quân giai đoạn 2016 – 2019 đạt mức 6,8%, đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5% đến 7% của kế hoạch 5 năm 2016 – 2020. Mặc dù năm 2020, kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nhưng nền kinh tế vẫn tăng trưởng gần 3%, là một trong những nước hiếm hoi có tăng trưởng dương trong khu vực và trên thế giới
Năm 2020, cán cân thu – chi về ngân sách Nhà nước vẫn giữ được ổn định; dư nợ công giảm mạnh trong giai đoạn 2016 – 2020. Việc huy động, sử dụng vốn vay, trả nợ, xử lý rủi ro và thực hiện các nghiệp vụ quản lý nợ công đã tạo chuyển biến tích cực, góp phần giảm dư nợ công từ mức đỉnh 63,7% GDP năm 2016 xuống còn 55,8% GDP cuối năm 2020.
Có được thành công này không chỉ là sự nỗ lực trong năm 2020, mà 3 năm trước đó, nền kinh tế đã có sự phát triển bền vững, khả năng chịu tốt cú sốc bên ngoài, qua đó gia tăng nền kinh tế. Theo Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), kết thúc năm 2020, nếu tính theo sức mua tương đương, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt 1.050 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt trên 10.000 USD.
TS Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Chúng tôi mong muốn Ðại hội XIII thời gian tới sẽ thảo luận, đưa ra các giải pháp kết hợp hài hòa giữa đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); bảo đảm sự ổn định và nhất quán trong cơ chế, chính sách thu hút các nguồn vốn; chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, đẩy mạnh sự liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI.
Về lâu dài, chúng ta cần có tầm nhìn chiến lược về sự phát triển lâu dài trong việc thu hút vốn FDI vào các ngành công nghiệp kỹ thuật cao; tăng liên kết với các doanh nghiệp trong nước để tạo chuỗi phát triển thống nhất; phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa, thoát khỏi tình trạng cái gì cũng phải đi nhập khẩu.
Dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Đảng, đồng lòng của nhân dân, nhiệm kỳ mới, Việt Nam cần tiếp tục quyết tâm cải cách thể chế kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng, mục tiêu quan trọng là huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển đất nước; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Về xây dựng nền kinh tế tự chủ, Việt Nam phải làm chủ công nghệ, nếu chúng ta chỉ nói là nền kinh tế tự chủ, nhưng lại không làm chủ được công nghệ, thì mỗi lần có vấn đề gì xảy ra, chúng ta lại không chủ động xử lý được. Do vậy, cần làm chủ công nghệ, đặc biệt hình thành năng lực quốc gia sản xuất trong nước, làm chủ được năng lực sản xuất”.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):
Cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Việt Nam đã đạt thành tựu nổi bật trong phòng chống đại dịch COVID-19; cơ cấu nền kinh tế đã có những thay đổi căn bản và toàn diện, nền kinh tế thoát khỏi khủng hoảng và đang vươn lên với tốc độ khá nhanh.
Trong những năm qua, môi trường kinh doanh trong nước được cải thiện, năng lực cạnh tranh Quốc gia được nâng cao. Quyền tự do, bình đẳng trong kinh doanh, tiếp cận cơ hội kinh doanh được cải thiện. Vị trí xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu của Việt Nam tăng từ hạng 88 năm 2010 lên hạng 70 năm 2019. Môi trường cạnh tranh trong nước từng bước được cải thiện, pháp luật về tố tụng cạnh tranh cũng có những bước tiến, tạo tiền đề giải quyết cho nhiều vụ việc.
Từ năm 2018 đến nay, Chính phủ đã và đang cải cách mạnh mẽ thể chế, cách điều hành để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, kinh tế tư nhân phát triển. Thực tế cho thấy là các nút thắt cản trở sáng tạo của các doanh nhân đã được tháo bỏ rất nhiều. Lần đầu tiên đã có quá trình tự rà soát điều kiện kinh doanh và đơn giản hoá, cắt giảm ít nhất 50% điều kiện kinh doanh. Năm 2018 đã có đến 25 Nghị định về sửa đổi, cắt giảm điều kiện kinh doanh được ban hành, sửa đổi cho 80 Nghị định, trải rộng trên 15 lĩnh vực của 15 bộ, ngành.
Ông Đậu Anh Tuấn.
Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đạt mong đợi, vẫn còn có tình trạng cải cách các điều kiện kinh doanh chưa thực chất, nhiều bộ, ngành đưa ra phương án cắt giảm cho có, mang tính đối phó, không thực chất. Thời gian tới, chúng ta cần thực hiện rốt ráo Nghị quyết 68 đã được Chính phủ ban hành năm 2020, trong đó đẩy mạnh cắt giảm các quy định liên quan đến kinh doanh, giảm chi phí thực hiện cho doanh nghiệp, hạn chế ban hành thông tư cấp bộ; tăng cường tham vấn các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và tổ chức bên ngoài.
https://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/hien-thuc-hoa-quyet-sach-cua-dang-kinh-te-viet-nam-phat-trien-co-tinh-canh-tranh-cao-20210121133707560.htm
Ý kiến ()