Thứ Năm, 28/11/2024 14:41 (GMT +7)

Hộ kinh doanh không dám phát triển lên là sợ thủ tục hành chính

Thứ 3, 27/06/2017 | 16:58:00 [GMT +7] A  A

Đó là chia sẻ của các hộ kinh doanh tại Hội thảo “Chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp – thực trạng và các giải pháp hỗ trợ” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức sáng nay (27/6).

10 năm vẫn một băn khoăn

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương – CIEM (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, theo báo cáo về hộ kinh doanh của CIEM 2016, cả nước hiện có gần 5 triệu hộ kinh doanh, tạo việc làm cho gần 8,000 triệu lao động, đóng góp lớn cho tạo việc làm cho lực lượng lao động.

Những năm qua Chính phủ đã có chính sách khuyến khích hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển lên doanh nghiệp (DN). Đặc biệt, chính sách khuyến khích này được Chính phủ thể hiện rõ rệt tại Nghị quyết 35 của Chính phủ và Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vừa được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn nhiều hộ kinh doanh, mặc dù đã phát triển tới một quy mô tương đối nhưng vẫn không muốn chuyển lên mô hình DN.

Ông Hiếu chia sẻ, cách đây 10 năm, tháng 10/2007, đã có cuộc khảo sát hộ kinh doanh tại Bắc Ninh, hầu hết các hộ kinh doanh đều nhận thức được vấn đề, lợi ích khi chuyển từ hộ kinh doanh lên DN. Trong đó, 86% cho rằng, khi lên DN sẽ dễ vay vốn ngân hàng hơn, 55% cho rằng thuê đất sẽ thuận lợi và 25% cho rằng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư. Nhưng các hộ kinh doanh cũng cho biết, khi chuyển lên DN họ sẽ khó tìm được kế toán trưởng (66%), phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường, giảm tiếng ồn, phòng cháy nổ (68%) và 55% cho rằng phải nộp thuế nhiều hơn.

Điều đáng nói, sau 10 năm, CIEM làm một cuộc điều tra tương tự đối với cả hộ kinh doanh và các DN, cả hai đối tượng này đều có nhận thức gần như nhau về các bất lợi hiện nay khi lên DN. Cụ thể, có đến trên 80% DN và khoảng 60% hộ kinh doanh cho rằng khó khăn về nhiều thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp và khó khăn hơn; chi phí cho quản lý tài chính, kế toán cao hơn; chịu nhiều ràng buộc bởi quy định pháp luật về tổ chức quản lý doanh nghiệp. Gần 80% DN cho rằng chịu sự kiểm tra, thanh tra nhiều hơn.

“Như vậy, cả hộ kinh doanh cũng như DN đang phải chịu tác động đáng kể từ những thủ tục hành chính, kế toán, chứng từ và các quy định kinh doanh. Chúng ta còn thiếu biện pháp tạo ra môi trường kinh doanh thực sự phù hợp với tính chất kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương phát biểu tại hội thảo.

Trở ngại lớn nhất là thủ tục hành chính

Ông Lê Văn Nguyên, chủ cơ sở sản xuất và kinh doanh tranh thêu Xuân Nguyên (Thường Tín) cho biết, bản thân ông là hộ kinh doanh cũng như nhiều hộ kinh doanh khác đều mong muốn lên DN để phát triển sản xuất nhưng con đường đi lên DN của họ còn nhiều khó khăn. Trở ngại lớn nhất với hộ kinh doanh khi chuyển đổi lên DN là thủ tục hành chính liên quan đến thuế, thứ hai là lựa chọn sự phát triển phù hợp với cơ sở sản xuất, xu thế thị trường.

“Hộ kinh doanh không dám phát triển lên là sợ thủ tục hành chính. Hộ kinh doanh tồn tại vì một người làm được nhiều việc chứ phát triển như DN gồm hệ thống kế toán, chứng từ… thì chúng tôi lo sẽ vỡ nợ trước khi thành công. Bản chất hộ kinh doanh không có chuyên môn về thuế, thị trường, lên DN rồi suốt ngày lo lắng sai về thủ tục thuế má, kiểm tra thủ tục hành chính… thì làm sao tập trung phát triển thị trường, kinh doanh, như vậy mất đi mục tiêu lớn là kinh doanh để sinh lời”, ông Nguyên cho biết.

Ông Nguyên cũng đề xuất thêm, nhà nước nên có chính sách giảm nhẹ thủ tục hành chính, nhất là đối với việc thu thuế. Bởi cả hộ kinh doanh, DN và nhà nước phải mất rất nhiều chi phí cho việc thu thuế. DN mất nhiều thời gian, mất tiền vào việc đối phó với chứng từ để nộp thuế còn nhà nước mất nhân công, thời gian cho người thu tiền thuế. Khoảng trống đó đã thiệt hại cho tất cả các bên.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Khoái, Phó tổng giám đốc công ty TNHH Tư vấn phát triển doanh nghiệp KN Hà Nội cho rằng, quy định về hóa đơn, chứng từ và nộp thuế khiến DN mất rất nhiều thời gian và công sức nhưng không hiệu quả. Bởi hầu hết đều làm một cách “đối phó”.

Bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI cho biết, đi thăm nhiều nước chưa thấy nước nào có hệ thống hóa đơn phức tạp như Việt Nam. “Viết sai chữ cũng bị phạt, tiếp khách không được ghi vào hóa đơn, phải ghi dịch vụ ăn uống… Quy định yêu cầu mỗi DN phải có một người làm kế toán, ví dụ DN có 3 người mà thuê 1 kế toán thì không đủ tiền thuê, có thể thuê kế toán dịch vụ. Cách đây 10 năm người nào hành nghề như vậy phải có chứng chỉ và số lượng rất hạn chế. Gần đây quy định đã được dỡ bỏ nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, có thể nói quá trình tư duy làm quá trình chuyển đổi bị chậm”, bà Hằng cho hay.

Để chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN đạt hiệu quả, theo ông Phan Đức Hiếu cần khuyến khích, dùng đòn bẩy kinh tế hơn là mệnh lệnh hành chính, tạo môi trường kinh doanh đơn giản, hợp lý và phù hợp với quy mô và tính chất kinh doanh.

Cùng với đó, việc cần làm ngay lập tức, không chần chừ là sửa đổi quy định về kế toán, nộp thuế phù hợp với DNNVV. Ví dụ không bắt buộc phải tổ chức bộ máy kế toán, chỉ cần bố trí người làm kế toán, khuyến khích chủ DN tự ghi chép. Rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật bãi bỏ các quy định tạo cản trở, gánh nặng pháp lý quá mức đối với DN nhỏ.

“Đặc biệt, cần có sàng lọc để khuyến khích và hỗ trợ. Ví dụ một quán phở một ngày chỉ có nhu cầu bán 100 bát phở, vậy họ chuyển lên DN làm gì. Vì vậy cần sàng lọc, hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển lên DN từ thủ tục chuyển đổi cho đến quá trình hoạt động 2- 3 năm sau đó”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Trang Thu/Báo Tin Tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu