Chủ Nhật, 24/11/2024 18:04 (GMT +7)

Hỗ trợ sinh kế cho người dân sau đại dịch

Thứ 4, 14/09/2022 | 03:46:30 [GMT +7] A  A

Thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, nguồn vốn tín dụng chính sách, nổi bật là cho vay giải quyết việc làm đã kịp thời hỗ trợ sinh kế cho người dân sau đại dịch COVID-19, đặc biệt là đối với lao động hồi hương.

          Mười mấy năm làm công ty ở TPHCM, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, vợ chồng anh Nguyễn Văn Minh đành nghỉ việc, về quê ở ấp An Hòa, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa bắt đầu cuộc sống mới. Từ kinh nghiệm chăn nuôi sẵn có của gia đình, anh quyết định vay 50 triệu đồng nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội để mua 2 con bò về nuôi, còn vợ anh buôn bán nhỏ.

Nghỉ việc ở TPHCM, vợ chồng anh Nguyễn Văn Minh về quê lập nghiệp

 “Nói chung mới đầu mua về thì cũng hơi khó khăn nhưng giờ mua về vài ba tháng, thấy con bò nó cũng chịu ăn, chịu uống, cắt cỏ cho ra cho vô thấy cũng ổn định rồi. Mua bò cái về cũng chữa, năm sau rớt bò con lại mình có dự định là để con lớn lên thì bán mẹ để hoàn vốn lại cho Ngân hàng chính sách” - anh Minh chia sẻ.

Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, anh mua 2 con bò về nuôi, nay đều đã có chữa

Tương tự anh Minh, phải nghỉ việc sau hơn 10 năm làm công nhân ở TPHCM, chị Nguyễn Kim Nha, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa giờ đây đã thành nông dân bám trụ với nghề chăn nuôi. Ngoài trồng cỏ, chăm sóc bò, ai thuê gì, chị làm nấy để có thêm kinh phí trang trải chi tiêu và tích lũy trả nợ vay định kỳ.

Nhờ tiếp cận được nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội, chị Nha có điều kiện phát triển chăn nuôi

“Hồi đó tôi đi làm công nhân là đi đi về về, có mẹ già, đến khi mẹ già mất nói chung cuộc sống cũng khó khăn lắm, ráng dành dụm, nói nuôi con bò mà hổng có tiền đủ để nuôi nữa. Vay 50 triệu thì em mua được 2 con, em xin anh của em đắp vô thêm mua 1 con nữa là thành 3 con cho nên đến giờ ở nhà mê lắm, trồng cỏ để nuôi. Hiện thời mình suy nghĩ, nếu bò sinh sản ra, có thể mình để thêm 1 - 2 con nữa mình nuôi lên” - chị Nha vui mừng nói.

Tổ tiết kiệm và vay vốn ấp An Hòa, xã An Ninh Tây hiện đang quản lý gần 60 thành viên, dư nợ 1,8 tỷ đồng, trong đó 3 chương trình cho vay hộ nghèo, cận nghèo và giải quyết việc làm chiếm phần lớn với số vốn khoảng 1 tỷ đồng, còn lại chủ yếu là cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường, học sinh sinh viên.

Ông Đào Văn Khua – Chủ tịch UBND xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa thông tin thêm: “Từ việc chỉ đạo Nghị quyết 11 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội về phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, đối với địa phương thì cũng rất vinh dự, vui mừng khi được Ngân hàng chính sách xã hội tập trung hỗ trợ nguồn vốn để giải quyết việc làm đối với những trường hợp mất việc sau COVID-19, trong đó tập trung ở đơn vị xã An Ninh Tây là hỗ trợ nguồn vốn giải quyết việc làm đối với hộ chăn nuôi. Đây cũng là triển vọng để góp phần ổn định công ăn việc làm đối với người ảnh hưởng dịch COVID-19 và tạo nền tảng để phát triển kinh tế ổn định, bền vững trong thời gian tương lai”.

Giải quyết việc làm là một trong những chương trình tín dụng được Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đức Hòa triển khai hiệu quả, từ đầu năm đến nay, đã hỗ trợ hơn 580 lao động với số tiền cho vay hơn 29 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ lên gần 54 tỷ đồng với hơn 1.200 khách hàng còn dư nợ.

Nguồn vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội được triển khai hiệu quả, nhất là chương trình giải quyết việc làm

“Trong thời gian tới, Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện sẽ tiếp tục tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội huyện thực hiện tốt công tác cho vay, cũng như công tác quản lý nguồn vốn, đồng thời phối hợp chính quyền, Hội đoàn thể các cấp thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, làm sao chế độ, chính sách đến được với người dân”, ông Lê Tấn Thành – Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đức Hòa cho biết.

Giải ngân kịp thời cho hộ vay để tạo việc làm hay mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, giảm tỷ lệ thất nghiệp, cải thiện đời sống, những kết quả tích cực này là động lực để nguồn vốn tín dụng chính sách tiếp tục đến tay người dân, thực hiện sứ mệnh giúp bà con khôi phục, phát triển kinh tế sau đại dịch./.

Thanh Thủy

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu