Thứ Năm, 28/11/2024 07:30 (GMT +7)

Hội thảo phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Thứ 6, 05/08/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Hướng đến xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, có sức cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu, sáng nay, 5/8/2016 UBND tỉnh Long An tổ chức Hội thảo phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tham dự hội thảo bao gồm 500 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp, địa phương và Sở, ngành liên quan. Hội thảo do Chủ tịch UBND tỉnh – Trần Văn Cần, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Văn Cảnh, Giám đốc Sở NN&PTNT – Lê Văn Hoàng chủ trì.

5-8 phat trien nong nghiep ung dung cong nghe cao (1)

Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo Chủ tịch UBND tỉnh – Trần Văn Cần nhấn mạnh thời gian qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có sự chuyển dịch đúng hướng, ngày càng đi vào chiều sâu về hiệu quả và chất lượng. Tuy nhiên, gần đây tốc độ tăng trưởng khu vực này đang có xu hướng giảm dần và thiếu bền vững nhất là ảnh hưởng của dịch bệnh, nắng hạn, xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu. Việc liên kết, hợp tác trong sản xuất còn ít, công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất còn hạn chế; tình trạng lạm dụng thuốc BVTV, chất kích thích tăng trưởng vẫn còn thường xuyên. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ trong thực hiện đề án; đặc biệt, chú trọng đến quyền lợi của người nông dân trực tiếp tham gia sản xuất nhằm đảm bảo đề án được áp dụng đạt và vượt chỉ tiêu đề ra.

5-8 phat trien nong nghiep ung dung cong nghe cao (2)

Quang cảnh hội thảo

Theo đề án, tỉnh chọn 3 cây trồng, 1 vật nuôi thực hiện ứng dụng công nghệ cao vào các khâu chính (giống, canh tác, sau thu hoạch) phấn đấu đến năm 2020 toàn tỉnh có ít nhất 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên sản phẩm chủ lực. Cụ thể, sẽ hình thành 20.000ha sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao trong vùng lúa cao sản xuất khẩu với 40.000 ha ở các huyện Đồng Tháp Mười của tỉnh (gồm các huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Kiến Tường, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng); 2.000 ha thanh long tại huyện Châu Thành; 2.000ha rau tại huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa và TP.TA; vùng chăn nuôi bò thịt tại huyện Đức Hòa, Đức Huệ; hỗ trợ hình thành 1-2 cơ sở ươm công nghệ cao, 1-2 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Hoa – Viện Hàn lâm Khoa học Kỹ Thuật VN phân tích xu hướng phát triển nông nghiệp trên thế giới, tác động của TPP đối với nông nghiệp tỉnh Long An; đồng thờ, chú trọng các giải pháp để Long An phát huy lợi thế khi hội nhập như: kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm, xây dựng thương hiệu gắn với niềm tin của khách hàng; hình thành phương thức sản xuất theo chuỗi…Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng để thực hiện đề án hiệu quả, tỉnh cần đặt ra các giải pháp trong đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, kỹ thuật phục vụ nông nghiệp; có phương án hỗ trợ tập huấn nâng cao nhận thức cho nông dân; có giải pháp kêu gọi doanh nghiệp đầu tư hiệu quả…trong thời gian tới.

Kim Ngân – Hùng Anh

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu