Theo số liệu mới nhất từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), trong hai tháng đầu năm, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 15.605 lao động (trong đó có 6.695 lao động nữ), đạt 15,61% kế hoạch năm 2016 và bằng 90,69% so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo từ các doanh nghiệp cho thấy, chỉ riêng trong tháng Hai, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 6.978 lao động (3.387 lao động nữ). Thị trường Đài Loan (Trung Quốc) tiếp nhận nhiều lao động nhất với 3.963 lao động (1.775 lao động nữ), tiếp theo là Nhật Bản 2.215 lao động, Hàn Quốc: 57 lao động, Malaysia: 503 lao động, Saudi Arabia 118 lao động, Macau 29 lao động và các thị trường khác.
Thị trường Đài Loan (Trung Quốc) liên tục là thị trường tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam nhất trong một vài năm gần đây. Năm 2015, số lao động đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) là hơn 67.000 người. Cũng trong năm 2015, Đài Loan (Trung Quốc) đã chính thức tiếp nhận trở lại lao động Việt Nam làm việc tại hai nghề khán hộ công gia đình (chăm sóc người già, người bệnh tại nhà) và thuyền viên tàu cá đánh bắt gần bờ mở ra cơ hội tiếp tục tăng về số lượng lao động đi làm việc tại thị trường này.
Để đảm bảo thực hiện tốt việc đưa lao động sang Đài Loan (Trung Quốc) làm khán hộ công và thuyền viên tàu cá đánh bắt gần bờ, Cục Quản lý Lao động ngoài nước yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, thời gian đào đạo. Đặc biệt, doanh nghiệp phải đảm bảo yêu cầu không bị xử phạt vi phạm hành chính do đưa người lao động ra nước ngoài làm việc, không có vụ việc nghiêm trọng phát sinh kéo dài, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhiều người lao động.
Mặt khác, để chấn chỉnh việc doanh nghiệp thu phí của người lao động đi Đài Loan (Trung Quốc) sai quy định, giữ lương và khấu trừ tiền ăn-ở từ lương của người lao động, trong những năm gần đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã xử phạt hành chính và tạm dừng hoạt động của hơn 40 công ty xuất khẩu lao động đi Đài Loan (Trung Quốc)./.
Ý kiến ()