Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 28/11/2024 13:37 (GMT +7)
Hòn đảo giữa lòng châu Âu
Thứ 2, 16/11/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Trong bức thư gửi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk ngày 10/11, Thủ tướng Anh David Cameron nhấn mạnh những yêu cầu cải cách của Anh đưa ra không phải là “nhiệm vụ bất khả thi” và đó là cái giá mà EU phải trả nếu muốn giữ Anh ở lại.
Thủ tướng Anh – Đức nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận tránh kịch bản Brexit.
Đầu tiên đó là yêu cầu EU ra một thông cáo rõ ràng rằng Anh sẽ đứng ngoài mọi động thái hướng tới một thể chế châu Âu siêu nhà nước. Tức là Anh sẽ được miễn trừ áp dụng nguyên tắc nền tảng của EU đó là xây dựng một liên minh chặt chẽ.
Bức thư đánh dấu sự khởi đầu của quá trình đàm phán lại trước Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU vào tháng 12 tới và hé lộ rõ ràng lần đầu những “yêu sách” của London. Nội dung những cải cách mà phía Anh đưa ra xoay quanh 4 điểm chính.
Một thông cáo khác đó là đồng euro sẽ không phải là đồng tiền chính thức của EU, hay nói cách khác châu Âu sẽ là một liên minh “đa tiền tệ”. Qua đó, London mong muốn bảo vệ hiện trạng và vị thế của đồng bảng Anh.
Một “thẻ bài” khác để rút bớt quyền lực từ Brussels trả về London đó là cho phép quốc hội các nước thành viên quyền được không tuân thủ các chỉ đạo của khối và xem xét lại các điều luật EU hiện có.
Cuối cùng là xây dựng một cơ cấu mới cho EU, theo đó, tái tổ chức liên minh gồm 28 quốc gia này để ngăn 19 nước thành viên khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone) chi phối 9 quốc gia còn lại. Thực chất là để bảo vệ vị thế của Trung tâm tài chính London.
Tờ Telegraph cho rằng các đòi hỏi này cho thấy Anh mong muốn có được quyền chủ quyền lớn hơn cho các quốc hội từng nước thành viên, tăng cường khả năng cạnh tranh về kinh tế, giữ Anh tránh xa khái niệm về một liên minh chặt chẽ và giảm bớt quyền lợi cho người nhập cư, nhất là tránh việc quyền đi lại tự do trong liên minh bị lạm dụng.
Theo một nguồn tin từ Văn phòng Thủ tướng Anh căng thẳng đang gia tăng trong các cuộc thương lượng giữa Anh với EU về tiến trình cải cách EU. Nguồn tin nhận định Anh đang bước vào giai đoạn xúc tiến tiếp xúc chính trị với các quốc gia thành viên. Nội dung chính của các cuộc tiếp xúc này sẽ xoay quanh 4 đề xuất chính kể trên.
Thực tế, những nhượng bộ từ phía EU cho thấy liên minh này rất lo ngại kịch bản Brexit (Anh rời EU). Nhưng cái giá mà Anh phải trả cũng không hề rẻ. Mỹ, đồng minh thân cận của Anh bên kia bờ Đại Tây Dương mới đây là lên tiếng cảnh báo Anh cần phải ở lại liên minh để tiếp tục duy trì một ảnh hưởng mạnh mẽ trên trường quốc tế. Tổng thống Barack Obama nói rõ Anh là “đối tác tốt và quan trọng nhất của Mỹ” bởi London luôn sẵn sàng vượt qua “những lợi ích trước mắt của nước này để xây dựng một thế giới trật tự và an toàn hơn”. Đây là thông điệp thể hiện rõ ràng lập trường của Nhà Trắng trước việc Anh nhăm nhe muốn rời EU và người dân Anh cần phải cân nhắc về lời nhắn nhủ trên. Đó có thể ngầm hiểu rằng “thỏa thuận của chúng ta sẽ chấm dứt” nếu kịch bản Brexit xảy ra.
Tuy nhiên, tham vọng cải cách EU của Anh cũng không phải là một “nhiệm vụ rất khả thi”. Một trong những trở ngại lớn đó là vấn đề di cư. Việc cải cách quyền tự do đi lại của công dân châu Âu đối với một số quốc gia nhỏ hơn trong khối chính là giới hạn đỏ. Nhiều người cho rằng không có nhiều hy vọng để tạo ra những thay đổi lớn trong các đạo luật về nhập cư của EU vì những nước như Hungary, Slovakia và Ba Lan sẽ từ chối xem xét lại việc giới hạn số người di cư.
Trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel đầu tháng 11, ông Cameron cảnh báo vẫn còn rất nhiều việc phải làm để có thể đạt được thỏa thuận có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, những chi tiết về kế hoạch đàm phán của ông Cameron vẫn đang còn được giữ bí mật. Trong một chiến thuật làm các chính trị gia EU tức giận, Phố Downing đã từ chối cung cấp bản viết tay danh sách các mục tiêu mà Thủ tướng Anh mong muốn từ phía EU.
Các bộ trưởng Anh đang hối thúc Pháp và Đức – hai quốc gia quyền lực nhất trong EU – phải đẩy nhanh tiến độ đàm phán để tìm kiếm thỏa thuận mới với Anh nếu muốn giữ nước này ở lại. Nếu tới trước Hội nghị thượng đỉnh tháng 12/2016 tới mà vẫn chưa đạt được thỏa thuận, một cuộc trưng cầu dân ý sẽ sớm được tổ chức vào mùa xuân năm 2017.
TTXVN
Ý kiến ()