Thứ Bảy, 30/11/2024 04:51 (GMT +7)

Hợp tác nông nghiệp giữa Ấn Độ với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ 3, 28/11/2017 | 16:29:00 [GMT +7] A  A

Ngày 28/11, tại Tiền Giang, Đại sứ quán Ấn Độ kết hợp với UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội thảo “Hợp tác nông nghiệp giữa Ấn Độ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long” với sự có mặt của đại diện lãnh đạo các tỉnh, doanh nghiệp trong khu vực và TP Hồ Chí Minh. Ngài Đại sứ Ấn Độ Parvathaneni Harish tham dự và đồng chủ trì Hội thảo.

Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đây là diễn đàn kết nối các cơ quan, doanh nghiệp Ấn Độ với các đối tác vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung.

Quang cảnh hội thảo.

Với chủ đề “Nhìn lại thực trạng phát triển của ngành nông nghiệp – thủy sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cơ hội hợp tác với Ấn Độ trong phát triển nông nghiệp và thủy sản cùng các chính sách liên quan”, hội thảo là cơ hội để các đối tác tìm hiểu về môi trường đầu tư, kinh doanh, xúc tiến thương mại, những rào cản kỹ thuật, chính sách thuế quan của Ấn Độ và Việt Nam,… Trên cơ sở đó cùng tháo gỡ, khắc phục khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy thương mại song phương vì sự phát triển chung trong đó có vùng Đồng bằng sông Cửu Long với những lợi thế rất lớn của mình.

Ngài Đại sứ Ấn Độ Parvathaneni Harish cho biết, nông nghiệp là lĩnh vực then chốt trong các chương trình hợp tác giữa Ấn Độ và Việt Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long – vựa lúa lớn nhất cả nước. Trong đó, các mặt hàng nông sản và thực phẩm chế biến tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn trong thương mại song phương. Các công ty Ấn Độ thời gian qua đã đầu tư đáng kể vào Việt Nam trên các lĩnh vực quan trọng: đường, chè, cà phê, hồ tiêu, hạt giống, trang thiết bị nông nghiệp,…

Trên cơ sở tiềm năng và thế mạnh giữa hai quốc gia, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Ngài Đại sứ Ấn Độ cho hay, thời gian tới cần chú ý các lĩnh vực hợp tác triển vọng: rau quả, xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, xúc tiến thương mại đối với trái cây, rau quả, thủy sản chế biến; công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch; hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp; đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu về giống cũng như kỹ thuật canh tác tiên tiến…

Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh Cần Thơ cho biết, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất cả nước với những mũi nhọn: lúa gạo, thủy sản, trái cây các loại. Đây cũng là địa bàn có môi trường kinh doanh tốt. Chỉ số PCI trong năm vừa qua theo ghi nhận có 2 tỉnh xếp vào nhóm rất tốt, 5 tỉnh nhóm tốt, 5 tỉnh nhóm khá, 1 tỉnh nhóm trung bình và không có tỉnh nhóm thấp.

Ông Võ Hùng Dũng đánh giá, đó là những điều kiện thuận lợi để vùng Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế, tăng cường xúc tiến thương mại, hợp tác khai thác các tiềm năng và thế mạnh để phát triển bền vững mà Ấn Độ chính là một trong những đối tác quan trọng.

Theo ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, chế biến nông sản Cát Tường (Tiền Giang) mong muốn được giao lưu, tìm kiếm cơ hội, xúc tiến thương mại và đầu tư làm ăn với các đối tác Ấn Độ trên lĩnh vực thế mạnh là chế biến và xuất khẩu trái cây. Ông Sang cũng cho biết, hội thảo đã mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp hai bên nói chung trong đó có Công ty Cát Tường trong việc mở rộng sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu cho sản phẩm chủ lực.

Tiến sĩ Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang – đơn vị chủ nhà, đánh giá cao những ý kiến đóng góp thiết thực của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và đối tác Ấn Độ xung quanh tiềm năng và khả năng hơp tác trên lĩnh vực nông nghiệp giữa Ấn Độ và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Toàn cảnh hội thảo.

Ông cho biết, kết quả hội thảo, đặc biệt là những ý kiến đóng góp, chia sẻ trong khuôn khổ Hội thảo sẽ được đúc kết nhằm phát huy thành quả, khắc phục các hạn chế, thiếu sót, thúc đẩy nền nông nghiệp tăng trưởng đúng hướng, bền vững trên cơ sở quan điểm phát triển của vùng mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra tại Hội nghị chuyên đề đổi mới phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu tại Cần Thơ vừa qua. Trong đó chú trọng thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, từ số lượng sang chất lượng, gắn chuỗi giá trị; từ sản xuất nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao.
Bài và ảnh: Minh Trí (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu