Rời bỏ công việc tại ngân hàng, Nguyễn Văn Linh, Giám đốc Công ty cổ phần Vinafarm đến với nông nghiệp bằng ước vọng tạo ra những liên kết sản xuất “sạch,” đưa thực phẩm an toàn vào trong đời sống.
Điểm nổi bật của mô hình Vinafarm là đầu tư ít, tận dụng triệt để điều kiện tự nhiên và tài nguyên đất, đồi, cây và con giống cùng các quy trình và hạng mục công nghệ, lao động, đào tạo, quản lý tại chỗ… tạo ra mô hình kết nối có thể triển khai trên diện rộng, tại các địa phương và trên cả nước.
Đeo đuổi giấc mơ
“Kinh tế có phần eo hẹp hơn,” Linh đã thốt lên như vậy sau hai năm bước vào đời “ông chủ”. Lái chiếc xe hơi tương đối “bình dân,” Linh đưa nhóm phóng viên chúng tôi ra thăm trang trại của công ty.
Từ trung tâm thành phố di chuyển về phía Nam chừng chục cây số, vòng qua mấy con đê, xe đưa chúng tôi đến một khu vực ngoại thành có diện tích trồng rau rộng lớn tới cả ha.
Điều đặc biệt, rau quả ở đây có thể ăn ngay được tại vườn. Hái một quả cà chua bi, nhẹ nhàng lau bụi và đưa vào miệng ăn ngon lành, sau đó Linh hái đầy một vốc quả và mời chúng tôi nếm thử.
Những quả cà chua này không mang sắc màu đỏ rực rỡ, mà hơi ngả vàng và đặc quánh tinh bột, khi ăn vào có vị chua thanh nhẹ mang theo hương man mát, song nơi đầu lưỡi lại lưu một cảm giác ngọt đầm đậm của khoáng chất…
Nguyễn Văn Linh quan sát quá trình thưởng thức của chúng tôi với một nụ cười khá… bí hiểm.
“Ham chơi thì phải đi tới bến”
Cho dù là bất kỳ ai, ở vào hoàn cảnh nào, thì quá trình khởi nghiệp bao giờ cũng có những cung bậc “thăng, trầm” và với Linh không phải là ngoại lệ.
Linh sinh năm 1992. Sau khi tốt nghiệp đại học khoa tài chính, cậu đã thi đỗ ngay vào vị trí nhân viên tín dụng tại một ngân hàng thương mại lớn. Công việc phù hợp với ngành học, kinh tế có phần “khá khẩm.” Cuộc sống dường như đã quá ưu ái với chàng “hot boy” này, sáng sáng rong ruổi xe hơi đi làm, tối về ‘bù khú” thú vui chơi cùng bè bạn.
Linh hồi tưởng, “công việc tại ngân hàng tạo ra nhiều mối quan hệ, thời gian đó tôi đặc biệt thân thiết với một nhóm anh, chị vừa là nhà khoa học vừa là doanh nhân trong lĩnh vực nông nghiệp. Những buổi hội thảo, diễn đàn về biến đổi môi trường, ứng phó khí hậu, khoa học ứng dụng… cứ thế cuốn hút tôi. Rồi tôi tự hỏi, tại sao mình không làm điều gì đó vì môi trường, vì sức khỏe con người, trong đó có cả mình và người thân.”
Khi trao đổi với phụ huynh việc thực phẩm bẩn tràn lan, rau xanh nhiễm hóa chất ngày ngày “đầu độc” trong các bữa cơm và trình bày ý tưởng trồng rau ăn cho gia đình, Linh không ngờ đã nhận được sự đồng thuận và động viên khích lệ từ phía họ.
Thế là “xắn tay” thuê một mảnh vườn 500m2 tại Mễ Trì, Hà Nội, ban đầu sự nghiệp trồng rau của chàng “hot boy” cũng vô cùng gian nan. Cải tạo được đất, thì lo tới hệ thống tưới tiêu, “ham chơi thì phải đi tới bến” do đó mục tiêu đảm bảo vệ sinh môi trường vẫn được ưu tiên hàng đầu.
Tạm biệt ngân hàng
Sau khi cân nhắc và tham khảo ý kiến chuyên gia, Linh quyết định áp dụng phương thức kỹ thuật trồng rau bằng công nghệ sinh học hoạt hóa các tế bào (3 muối, 3 dường), tác động vào môi trường bên trong của cây cối nhằm tăng sức đề kháng chống chịu biến đổi môi trường, nhằm nâng cao suất, chất lượng và thời rút ngắn được thời gian canh tác.
“Niềm vui như vỡ òa, những luống rau đầu tiên tự tay sản xuất đến kỳ thu hoạch, đem thành quả lao động đó tặng cho gia đình, người thân, bạn bè… ai cũng tấm tắc. Với những kết quả nhỏ ấy, tôi nảy ra ý định phát triển và nhân rộng sản xuất và đưa vào thương mại,” Linh nói.
Ý định kinh doanh đó quả thật rất táo tạo đối với một anh chàng trong giới “cổ cồn trắng” và còn rất “non yếu” trong lĩnh vực “trái tay” vốn thuộc về những người “hai sương một nắng.”
Mặc dù rất băn khoăn song Linh vẫn quyết định từ bỏ công việc tại ngân hàng và dấn thân vào “cuộc chơi mới.”
Chẳng hề dễ dàng, khâu phân phối trở thành thách thức. Có ai ngờ, Linh “bảnh trai thế,” mà đi vác từng bó ra thuyết phục người tiêu dùng.
“Khi bắt đầu mang rau sạch ra ngoài thị trường, tôi đã phải vận động người dùng, mời họ ăn thử và đánh giá sản phẩm. Từng bước thu thập, xem thị trường chấp nhận sản phẩm của mình như thế nào, rồi mới xây dựng kế hoạch nhân rộng mô hình trang trại,” Linh chia sẻ.
Mặc dù sản phẩm “rau sạch” sản xuất ra đã được thị trường chấp nhận nhưng doanh thu không cao, do phải cạnh tranh về giá với các loại rau an toàn trên thị trường đồng thời chi phí quảng bá và phân phối cũng rất lớn.
Vì vậy, Linh quyết định nhân rộng mô hình trang trại, cụ thể tạo ra liên minh các trang trại sạch, hữu cơ, nhằm chia sẻ các chi phí trong khâu phân phối, bên cạnh đó lại phải làm sản phẩm đa dạng cung cấp cho người tiêu dùng.
“Tôi đi tìm đến các trang trại rau sạch và thuyết phục họ tham gia vào mô hình -Liên minh trạng trại hữu cơ ” với tiêu chí: “Healthy foods for a better life – Thực phẩm sạch cho một cuộc sống tốt hơn.”
Với tiêu chí đó trong hai năm, Linh đã nhân rộng mô hình sản xuất ra thêm bốn trang trại mới ở Thanh Trì, Sóc Sơn, Chương Mỹ (Hà Nội) và Vĩnh Phúc, với tổng diện tích sản xuất trên 10ha.
“Hiện nay tôi đang tích cực đưa sản phẩm sau rạch Vinafarm đến tận tay người tiêu dùng thông qua các kênh bán hàng trực tiếp, các cửa hàng tiện ích, các trường học mầm non và tham gia giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ thực phẩm nông nghiệp,” Linh nói.
Bỏ qua cuộc sống nhàn nhã, bước vào những tháng ngày “vận lộn, bôn ba” nhặt từng đồng trang trải cho công cuộc khởi nghiệp “xanh” của mình.
Có vẻ như giáo điều song Linh lại tin tưởng “hoạt động sản xuất không bền vững khiến môi trường bị tàn phá dưới nhiều hình thức, đó là hành vi “tự sát” sinh thái đi ngược lại nền văn minh và nó sẽ thảm sát đời sống mạnh hơn cả chiến tranh, bom nguyên tử, bệnh dịch… Chẳng có lý gì mỗi người có văn hóa lại hồn nhiên cho phép mình có hành vi thiếu đạo đức với môi trường bằng việc đối xử “dã man” với nó”./.
Ý kiến ()