Thứ Hai, 25/11/2024 08:31 (GMT +7)

Hứa hẹn sự đột phá cho đấu thầu qua mạng

Thứ 2, 19/03/2018 | 09:16:00 [GMT +7] A  A

Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia được Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành ngày 15/11/2017 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3/2018.

Với rất nhiều điểm mới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, sự ra đời của Thông tư 04/2017/TT- BKHĐT sẽ thúc đẩy hình thức đấu thầu qua mạng trong thời gian tới.

Hiệu quả tích cực

Đấu thầu qua mạng chính thức được triển khai trên phạm vi cả nước từ ngày 1/1/2016 theo lộ trình quy định tại Thông tư liên tịch Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, số 01/2015/TTLT- BKHĐT- BTC và Quyết định số 1402/QĐ – TTg ngày 13/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 – 2025. Sau hơn 2 năm áp dụng, đấu thầu qua mạng được đánh giá là hình thức đấu thầu hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nền kinh tế, góp phần công khai và minh bạch cho các dự án đầu tư công.

Hoạt động tại Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Theo Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2017, số lượng gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng đạt 8.200 gói, tăng gấp 2 lần so với năm 2016. Cùng với đó, tổng giá trị gói thầu điện tử thực hiện năm 2017 là 9.000 tỷ đồng, tỷ lệ tiết kiệm đạt 9%, cao hơn đấu thầu trực tiếp là 7%. Số lượng trung bình nhà thầu tham gia gói thầu điện tử là 2,67 nhà thầu. Số lượng gói thầu hàng hóa chiếm 64%, xây lắp 26%, phí tư vấn là 10%.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Phó Cục trưởng Cục Quản ký đấu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, đấu thầu qua mạng đã chứng minh là công cụ hữu hiệu nhất để đảm bảo các mục tiêu của đấu thầu là cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế, góp phần cải cách thủ tục hành chính trong quá trình tổ chức, lựa chọn nhà thầu. Đặc biệt, áp dụng đấu thầu qua mạng đã góp phần chấm dứt vấn nạn “quân xanh, quân đỏ” hoặc việc cài cắm các điều khoản hạn chế sự tham gia của các đơn vị ứng thầu, hạn chế sự minh bạch trong công tác đấu thầu.

Mặc dù, đã thu được những kết quả nhất định, song Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tỷ lệ đấu thầu qua mạng trong năm 2017 vẫn chỉ chiếm khoảng 12% các gói thầu thuộc phạm vi áp dụng theo lộ trình tối thiểu 30% các gói chào hàng cạnh tranh và 15% số lượng các gói thầu quy mô nhỏ đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế.

Theo ông Phạm Thy Hùng, Giám đốc Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia, nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên là do đấu thầu qua mạng mới chỉ tập trung ở những dự án có quy mô nhỏ, sử dụng hình thức chào hàng cạnh tranh, đấu thầu rộng rãi. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn là các đơn vị tham gia dự thầu chưa nhiệt tình hưởng ứng hình thức đấu thầu qua mạng. Họ dựa vào những lý do như cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin không tốt, cán bộ đấu thầu không có nhiều kinh nghiệm nên không thể làm đấu thầu qua mạng.

Hình thức đấu thầu qua mạng thời gian qua, nhìn chung đã đạt được những chuyển biến tích cực, song nhiều chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, cách thức đấu thầu qua mạng còn quá phức tạp với nhiều loại giấy tờ, văn bản, thông tin mời thầu thiếu rõ ràng, hạ tầng công nghệ thông tin thực hiện hình thức đấu thầu còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến việc dự thầu của doanh nghiệp.

Giảm tối đa các thủ tục hành chính

Theo ông Phạm Thy Hùng, Giám đốc Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia, Thông tư 04 có 2 điểm mới, bao gồm, mở rộng phạm vi áp dụng đối với phương thức đấu thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ của các gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, phi tư vấn, mua sắm hàng hoá, xây lắp.

Cùng với đó, Thông tư 04 có 7 mẫu hồ sơ được ban hành kèm theo; trong đó, có 3 mẫu áp dụng cho gói thầu được tổ chức đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh qua mạng theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ; 3 mẫu áp dụng cho gói thầu được tổ chức đấu thầu rộng rãi qua mạng theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ và mẫu số 07 áp dụng đối với gói thầu được tổ chức chào hàng cạnh tranh theo quy trình rút gọn.

Cũng theo ông Phạm Thy Hùng, điểm nổi bật của Thông tư 04 chính là việc số hóa tất cả các biểu mẫu đấu thầu trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Trước đây, khi áp dụng đấu thầu qua mạng, các bên phải chuẩn bị hồ sơ dưới dạng file word, PDF đính kèm, nhưng với Thông tư này, các bên chỉ việc điền vào các web form có sẵn trên hệ thống rồi tải trực tiếp lên mạng.

Nhà thầu có thể nhập lần lượt các biểu mẫu dự thầu dưới dạng web form theo từng bước, từng giai đoạn. Hệ thống sẽ tự lưu lại thông tin nhà thầu khai báo, không cần phải mất công khai lại khi có sự cố xảy ra. Sau khi điền đầy đủ thông tin, hệ thống sẽ tự động tính toán để ra giá bỏ thầu căn cứ vào đơn giá chào thầu, số lượng của gói thầu.

Ngoài ra, dung lượng hồ sơ dự thầu cũng dự kiến được nâng cấp lên hàng trăm MB thay vì tối đa 20 MB như trước đây, nhằm tiến tới thực hiện đấu thấu qua mạng đối với những gói thầu quy mô lớn. Để tăng thêm tiện ích cho người dùng, Hệ thống cũng được bổ sung chức năng thông báo tự động các giao dịch giữa chủ đầu tư với nhà thầu. Trước đây, khi chưa có chức năng này, nhà thầu lúc nào cũng phải trực trên mạng để cập nhật thông tin gói thầu.

Như vậy, không chỉ tạo thuận lợi cho bên mời thầu, theo ông Phạm Thy Hùng, do được xây dựng theo hướng giảm tối đa các thủ tục hành chính, văn bản giấy tờ, tự động hóa các thao tác đăng tải thông tin đấu thầu nên Thông tư 04 giúp bên mời thầu đăng tải thông tin đấu thầu thuận lợi. Bên cạnh đó, nhà thầu tham dự thầu dễ dàng hơn, loại bỏ lỗi số học và sai lệch trong quá trình đấu thầu, tự động kiểm tra sự phù hợp của hồ sơ dự thầu ngay khi nộp.

Hiện nay, nhà thầu tham gia đấu thầu qua mạng chỉ được nộp hồ sơ dự thầu một lần và không được áp dụng thư giảm giá. Nhà thầu muốn rút hồ sơ dự thầu điện tử phải gửi văn bản xin rút đến bên mời thầu trước thời điểm đóng thầu. Nhưng với Thông tư 04, nhà thầu có thể rút hồ sơ dự thầu trực tuyến và nộp lại trước thời điểm đóng thầu. Bên cạnh đó, nhà thầu hoàn toàn có thể đưa ra tỷ lệ giảm giá vào đơn dự thầu trước khi nộp.

Mặt khác, Thông tư 04 quy định hai quy trình đánh giá hồ sơ dự thầu. Theo đó, nếu trường hợp không có ưu đãi, bên mời thầu có thể chọn nhà thầu có giá thấp để đánh giá tính hợp lệ, năng lực kinh nghiệm, đề xuất kỹ thuật và mời thương thảo hợp đồng nếu phù hợp, góp phần rút ngắn thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu.

Thông tư 04/2017/TT- BKHĐT về cơ bản đã khắc phục được rất nhiều những tồn tại trong hoạt động đấu thầu qua mạng thời gian qua. Trong đó, điểm quan trọng nhất nâng cấp được hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho hoạt động đấu thầu qua mạng, tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tham gia.

Nói như ông Nguyễn Thy Hùng, với điểm mới này, các đơn vị không có lý do gì để không tham gia đấu thầu qua mạng. Song các chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, để đấu thầu qua mạng trở nên phổ biến, đi vào cuộc sống, tạo ra sự minh bạch cho các dự án đầu tư còn phụ thuộc vào quyết tâm của các đơn vị tham gia.

“Cơ chế thuận lợi nhưng nếu vì một lý do nào đó các đơn vị không muốn tham gia thì đấu thầu qua mạng thì vẫn không thúc đẩy được sự minh bạch cho các dự án đầu tư”, ông Nguyễn Thy Hùng nhấn mạnh.

Thúy Hiền (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu