Thứ Ba, 26/11/2024 16:31 (GMT +7)

Hưng Hà, mảnh đất giàu truyền thống lịch sử và văn hóa

Chủ nhật, 01/01/2017 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Huyện Hưng Hà hiện có gần 670 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có một di tích quốc gia đặc biệt, 25 di tích quốc gia và 85 di tích cấp tỉnh. Với hệ thống di sản văn hóa dày đặc này, huyện Hưng Hà đang có lợi thế, tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch.

Người dân huyện Hưng Hà còn tự hào với những giá trị di sản văn hóa phi vật thể do chính mình xây dựng nên, tiêu biểu trong hệ thống di sản văn hóa phi vật thể ấy là số lượng lễ hội được phân bổ đều trên địa bàn huyện với gần 180 lễ hội các loại.

Cổng chính vào khu di tích cấp quốc gia đặc biệt. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Trong hệ thống di sản văn hóa phi vật thể này, có 2 lễ hội được đưa vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, đó là: Lễ hội đền Trần Thái Bình (xã Tiến Đức) và lễ hội đền Tiên La (xã Đoan Hùng). Trong nhiều năm qua, 2 di sản văn hóa này đã đóng vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng cư dân địa phương, có tính ảnh hưởng vùng miền rõ nét, trở thành trung tâm văn hóa- du lịch của khu vực Đồng bằng sông Hồng, được du khách trong nước và quốc tế biết đến.
Ông Nguyễn Công Khanh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình cho biết: Trong số hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn, nổi bật nhiều di tích có quy mô, tầm giá trị và sức hút như: Quần thể di tích khu Lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần đã được quy hoạch với tổng diện tích 32,4ha (xã Tiến Đức); Khu lưu niệm danh nhân văn hóa – nhà Bác học Lê Quý Đôn được quy hoạch với diện tích trên 10ha (xã Độc Lập); Quần thể di tích thờ Đông Nhung Đại tướng quân được quy hoạch với diện tích trên 20ha (xã Đoan Hùng và xã Tân Tiến); Đền Lưu Xá (xã Canh Tân); Di tích Hành cung Lỗ Giang thời Trần (xã Hồng Minh)… Những năm qua, các di tích này cùng với rất nhiều di tích khác trên địa bàn là cơ sở, là điều kiện để thiết lập, xây dựng các tuyến điểm du lịch văn hóa tâm linh gắn với nhiều loại hình du lịch khác trên địa bàn.
Đặc biệt hơn, khi các di tích trên là “địa chỉ đỏ” để hình thành các tuyến điểm du lịch thì các lễ hội tại mỗi di tích là yếu tố nòng cốt của du lịch văn hóa tâm linh, đây chính là những yếu tố làm cho các di tích lịch sử văn hóa có tiếng nói riêng, trở nên có sắc, có hồn, thiêng liêng và mỹ lệ, sôi động và hấp dẫn. Đến với các lễ hội tổ chức trên địa bàn tại các di tích, du khách sẽ được trải nghiệm với nhiều nét văn hóa, trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống, mang đậm tính vùng miền, địa phương.
Tại đền Trần Thái Bình – là một trong hai di tích cấp quốc gia đặc biệt của tỉnh Thái Bình, Lễ hội đền Trần (được duy trì theo định lệ cổ truyền từ ngày 13 tháng Giêng đến ngày 18 tháng Giêng hằng năm), thông qua việc tổ chức lễ hội, nhiều lễ thức cùng những trò chơi, trò diễn dân gian mang dấu ấn thời Trần vốn vẫn hằng tồn tại bền vững trong lòng dân đã được chấn hưng, nhiều lễ tục cổ được coi là những di sản văn hóa thời Trần được duy trì nghiêm cẩn và tỏa sáng như hội thi làm cỗ cá, hội thi gói bánh chưng, thi kéo lửa nấu cơm cần, tục giao chạ, lễ rước nước…

Rước nước về đền Trần. Ảnh: Thu Hoài/TTXVN

Những năm qua, lễ hội đền Trần diễn ra đã tác động tích cực đến đời sống của người dân trong huyện, nhất đối với người dân xã Tiến Đức – nơi có di tích Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần. Đời sống văn hóa của nhân dân được nâng cao, hiện nay 8 thôn của xã đều có các Câu lạc bộ văn nghệ, thơ, các đội rồng, lân, các đội tế… Khi đời sống tinh thần người dân trong xã được cải thiện, nét đẹp đạo đức truyền thống trong gia đình và cộng đồng và sự văn minh trong lễ hội được nhân dân duy trì và phát triển khi cả 8 thôn đều liên tục đạt danh hiệu thôn làng văn hóa hằng năm. Với riêng thôn Tam Đường (xã Tiến Đức), nằm cạnh di tích cấp quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, trước đây người dân của thôn chuyên trồng đay, trồng mía thì đến nay 80% số hộ của thôn đã có nghề phụ hoặc làm dịch vụ phục vụ khách du lịch; bình quân thu nhập trung bình trên 40 triệu đồng/người/năm.
Nhận thức về tiềm năng và thế mạnh phát triển du lịch của địa phương, những năm qua chính quyền huyện Hưng Hà đã quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo, đầu tư tích cực, tạo những tiền đề quan trọng để phát triển các hoạt động du lịch trên địa bàn, làm cho hoạt động du lịch ngày càng rõ nét và từng bước có hiệu quả. Huyện đã ban hành Đề án về du lịch, nghị quyết về văn hóa, qua đó xây dựng được hình ảnh đẹp về mảnh đất và con người Hưng Hà trong lòng du khách; khôi phục và bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, nhất là việc trùng tu, tôn tạo các công trình kiến trúc cổ, khôi phục và tổ chức tốt các lễ hội truyền thống hàng năm, đảm bảo yếu tố gốc, đáp ứng được nhu cầu tham quan, dâng hương của du khách.
Hoạt động du lịch ở Hưng Hà đã có những khởi sắc, tuy nhiên sự phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương; hoạt động còn mang nặng tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa có tính chuyên nghiệp, bài bản. Đặc biệt là chưa tạo được sự liên kết với hoạt động du lịch ngoài địa bàn huyện; chưa xây dựng được những điểm, tuyến điểm du lịch, sản phẩm du lịch hấp dẫn, lôi cuốn mạnh mẽ du khách…
Để khắc phục những hạn chế trên, đưa du lịch Hưng Hà trở thành một ngành kinh tế quan trọng của huyện, theo ông Nguyễn Công Khanh, thời gian tới huyện sẽ tập trung xây dựng cơ chế, chính sách rõ ràng, cụ thể cho việc phát triển du lịch trên địa bàn; tiếp tục tập trung ưu tiên đầu tư cho các công trình du lịch – di tích trọng điểm; kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực dịch vụ – du lịch; xây dựng phương pháp tuyên truyền khoa học, hiệu quả, có tầm ảnh hưởng lớn làm thay đổi nhận thức của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân về vai trò, ý nghĩa của hoạt động du lịch tại địa phương, để mỗi người dân tự nhận thấy mình cũng là một yếu tố của guồng máy hoạt động du lịch tại địa phương.
Huyện cũng đề nghị Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng hướng dẫn viên du lịch; tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình sớm hoàn thiện việc quy hoạch và xây dựng các hạng mục công trình còn thiếu trong khu di tích Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần.
TTXVN (Tin Tức)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu