Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 24/11/2024 05:35 (GMT +7)
Hướng đến kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành TDTT
Thứ 5, 03/03/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
1. TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG MỘT SỐ MÔN THỂ THAO
Khẳng định nền tảng của thể dục, các cán bộ chuyên môn của Nha Thể dục và Trường Cán bộ Thể dục Việt Nam còn nghiên cứu và thống nhất nhận thức về vị trí quan trọng và nội dung của thể thao trong phong trào “Khỏe vì Nước” và trong nền thể dục thể thao mới. Công trình nghiên cứu phổ biến và bước đầu được áp dụng gồm: nguyên tắc căn bản, tính chất thể thao Việt Nam, một số môn thể thao khuyến khích phát triển về lâu dài. Đó là các môn thể thao cá nhân gồm: đi bộ, chạy, nhảy, ném, bơi lội; các môn thể thao đồng đội: bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, bóng bàn, bóng nước; các môn võ: Võ Việt Nam, quyền Anh, vật, kiếm.
Về chuyên môn, yêu cầu “người tập phải được luyện tập hằng ngày phần căn bản để có sức, dễ thành tài và giữ được lâu thành tích”. Ngoài sức khỏe, nhanh nhẹn, khéo léo, bền bỉ, người tập thể thao và võ có thêm đức tính điềm tĩnh, can đảm, ưa đấu tranh, biết hy sinh và trọng kỷ luật.
Về nhận thức chỉ đạo: “Thể thao, nếu không có thể dục làm căn bản, sẽ không đem lại kết quả mong muốn”, việc tổ chức thể thao trong phong trào “Khỏe vì Nước” phải theo đúng các nguyên tắc:
– Tránh mọi sự phô trương không cần thiết. Nước ta còn nghèo, chưa phải lúc có những cuộc đua vĩ đại, ầm ỹ, những cuộc giao tranh vang động, tốn tiền.
– Thể thao phải có quy định, luật lệ chặt chẽ, hợp với tinh thần thượng võ, hợp với sức vóc người tập, rèn luyện tinh thần kỷ luật, đoàn kết, tranh đấu.
-Thể thao phải được kiểm soát chặt chẽ, là giai đoạn thứ nhì trong phong trào “Khỏe vì Nước”, cổ động cho phổ thông thể dục.
Việc tổ chức thể thao phải ít tốn kém mà đi sâu vào đại chúng. Chú ý đặc biệt các môn thể thao phổ thông: điền kinh, bơi lội, bóng đá chân đất, bóng chuyền, bóng rổ, chạy việt dã. Đồng thời chú trọng các lối tập cổ điển, các môn võ thời xưa, lối quyền thuật của thế hệ cũ phải được nghiên cứu và đem áp dụng trong phong trào “Khỏe vì Nước”. “Thể thao Việt Nam, cũng như thể dục, phải được đi đôi với y lý; sân vận động phải là nơi lui tới thường ngày của thanh niên, của huấn luyện viên, của bác sĩ. Sự tổ chức phải ngăn nắp, chu đáo, hợp lý, khoa học. Thể thao Việt Nam phải có đủ tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng”.
Tóm lại, trong lúc này (1946), thể thao Việt Nam chưa nghĩ tới việc đào tạo các nhân tài xuất chúng gửi đi thi ngoại quốc, nhưng hết sức chăm lo rèn luyện sức khỏe cho đại chúng, biểu dương sức mạnh của cả một thế hệ muốn sống khỏe và cần phải “Khỏe vì Nước”.
Sau Hội nghị Ủy ban Thể thao Bắc Bộ ngày 7/4/1946, các ban chuyên môn phụ trách các môn thể thao đã bắt tay ngay vào việc soạn thảo chương trình hoạt động, các điều luật, sách hướng dẫn về chuyên môn…
– Bóng đá (năm 1946 gọi là bóng tròn) do ông Lê Bá Tâm làm Trưởng ban, đã sớm hoàn thành Điều lệ và nội quy, đặt chương trình hoạt động tối thiểu 1946-1947.
Các trận đấu giao hữu bóng đá phần lớn tổ chức trên sân SEPTO của Hà Nội.
Chiều 8/3/1946, trận đấu bóng đá đầu tiên được tổ chức, mở đầu cho hoạt động của bộ môn này.
Cuối tháng 9, Hà Nội tổ chức Giải Bóng đá Thủ đô với 10 đội (8 đội chân đất, 2 đội chân giầy). Các cặp đấu: Ngày 28/9, Đông Thành – Hai Bà Trưng; Đoàn Trần Nghiệp – Thanh niên Cứu quốc Ngày 29/9, Trường Cán bộ Thể dục – Trần Quốc Tuấn. Trận chân giầy diễn ra giữa hai đội Vệ Quốc Đoàn – Nội Châu. Tháng 10/1946, Ban Bóng đá trung ương và nhà buôn Quảng Thái tặng giải cho hai cuộc thi đấu của bóng đá Thủ đô: “giải Kiến Thiết” (hạng chân đất) và giải “Khỏe vì Nước” (hạng chân giầy).
Tại các địa phương có nhiều trận đấu giao hữu và tổ chức giải bóng đá như Kiến An, Nam Định, Phú Thọ, Nghệ An…
– Bóng chuyền do ông Dương Văn Toàn làm Trưởng ban, có tổ chức nhiều trận đấu giao hữu ở Hà Nội và các tỉnh; giúp tiến hành giải toàn Thủ đô tranh cúp Quảng Thái (tên một cửa hiệu bán đồ thể thao ở phố Hàng Quạt trao giải). Ngày 1/9/1946, ở trận chung kết, đội Đồng Xuân đoạt giải sau khi thắng đội Tư pháp 3 – 0. Trong các đội bóng chuyền Hà Nội, đội Tư pháp là một đội khá mạnh, từng thắng đội Trường Cán bộ Thể dục Việt Nam 2-1 trong trận đấu ngày 28/3/1946. Ở các tỉnh Hải Phòng, Kiến An, Phú Thọ, Hải Dương cũng tổ chức các trận thi đấu bóng chuyền giao hữu, giải toàn tỉnh…
– Bóng bàn : do ông Mai Duy Dưỡng, danh thủ Nam Định làm Trưởng ban, từ tháng 4/1946 đã định ra chương trình hoạt động và phổ biến tới các tỉnh. Thời gian này, Nam Định vẫn phát huy vai trò là một trung tâm bóng bàn, tổ chức nhiều hoạt động nhất, sau đó là Bắc Giang. Tỉnh Nam Định còn tổ chức Giải Bóng bàn nam nữ thanh niên do Ủy ban Hành chính thành phố trao (28/7/1946) và Giải Vô địch bóng bàn miền nam Bắc Bộ dành cho các cây vợt hạng nhì của Ninh Bình, Hà Nam, Hưng Yên,Thái Bình, Nam Định (12 và 13/10/1946). Tỉnh Bắc Giang có Giải Bóng bàn mang tên Bế Xuân Khê (9/6/1946) với 28 đấu thủ đọ vợt; giải liên tỉnh (29 và 30/6/1946) gồm 30 đấu thủ của Hà Nội, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang dự. Các tỉnh Phú Thọ, Kiến An, Hải Dương cũng tổ chức các cuộc thi đấu giao hữu, trong đó Phú Thọ đăng cai tổ chức trong tháng 10/1946 giải vô địch bóng bàn miền bắc Bắc Bộ, thu hút các cây vợt xuất sắc của Phúc Yên, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Yên Bái, Hà Giang, Lào Cai và Tuyên Quang.
Nguồn: P.V – thethaovietnam
Ý kiến ()