Thứ Tư, 27/11/2024 01:43 (GMT +7)

Huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển vùng ĐBSCL

Thứ 5, 26/11/2020 | 19:23:00 [GMT +7] A  A

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 31/7/2020 về xây dựng quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 31/7/2020 về xây dựng quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sau gần 4 tháng triển khai, đến nay, Ban soạn thảo đã nhanh chóng hoàn thiện dự thảo quy hoạch. Việc xây dựng quy hoạch này đã căn cứ và dựa trên đề án phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định, đây là bản quy hoạch vùng đầu tiên được tổ chức lập theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch. Quy hoạch này sẽ xác định phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Để hiểu rõ hơn về quy hoạch này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Trần Quốc Phương xung quanh nội dung này:

Những cách đồng mẫu lớn ở huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Xin ông cho biết, việc xây dựng quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long mang ý nghĩa và tầm quan trọng như thế nào?

Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long mang ý nghĩa và tầm quan trọng rất lớn cho chính vùng này và cho cả đất nước. Đồng bằng sông Cửu Long là vùng ven biển thuộc hạ lưu sông Mê Kông; là một trong những đồng bằng trù phú, gồm 13 tỉnh, thành phố với diện tích bằng 12% diện tích cả nước và là nơi sinh sống của 20% dân số cả nước.

Với tiềm năng, lợi thế, cùng với những quyết sách phù hợp của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong thời gian qua, Đồng bằng sông Cửu Long đã từng bước hình thành các khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và du lịch tập trung, với quy mô ngày một lớn dần. Vùng này đã trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam không những góp phần làm thay đổi, cải thiện đời sống của nhân dân, mà còn bảo đảm an ninh lương thực quốc gia…

Tuy là một trong số các đồng bằng trù phú nhưng có thể nói chưa bao giờ Đồng bằng sông Cửu Long lại đứng trước nhiều thách thức như hiện nay. Đó là, các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng như những áp lực về phát triển kinh tế – xã hội. Gần đây, phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu đã gây sức ép ngày càng lớn lên hệ thống hạ tầng, các đô thị và không gian sống của người dân trong Đồng bằng sông Cửu Long, làm gia tăng nguy cơ thảm họa thiên nhiên trong hiện tại và thậm chí ngày càng gia tăng trong tương lai. Những nguy cơ này bao gồm ngập lụt, hạn hán, mưa bão cũng như những thách thức từ thiên nhiên như sụt lún và nhiễm mặn.

Đặc biệt, việc xây dựng các đập ở các quốc gia thượng nguồn sông sông Mê Kông làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn, hạn hán, lũ lụt. Cùng với đó là việc khai thác bùn cát quá mức ở các dòng sông đã gây ô nhiễm môi trường, làm mất cân bằng sinh thái, sụt lún đất, sạt lở bờ sông, bờ biển, ngập lụt tại các đô thị, tuyến dân cư. Từ đó, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân, đồng thời, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội của toàn vùng.

Vậy những yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt ra với Quy hoạch này như thế nào về phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh…, thưa ông ?

Thủ tướng Chính phủ đã có những yêu cầu rất rõ ràng, trước hết là phải xác định phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường có tính liên ngành, liên vùng và liên tỉnh trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2050 trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước theo yêu cầu đề ra tại Nghị quyết số 120, giải quyết các vấn đề mất cân đối chính trong phát triển vùng.

Cùng với đó là hài hòa cơ cấu công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; các vấn đề đô thị, con người, hạ tầng, nguồn nhân lực… đều phải được đặt ra trong quy hoạch, để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để bảo đảm thực hiện quy hoạch hiệu quả trên thực tế, chúng ta cần xác định mục tiêu đúng, giải pháp đúng, nguồn lực đúng và nhiệm vụ đúng với các bên có liên quan.

Thời gian qua, Ban soạn thảo đã tham vấn ý kiến bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia về bản quy hoạch này. Theo ông đâu là những vấn đề còn bất cập, chưa được thống nhất?

Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức 17 cuộc hội thảo, 12 cuộc họp chính thức với bộ, ngành, địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều hội thảo, tọa đàm với các chuyên gia trong nước, quốc tế để hình dung hướng đi và mục tiêu chiến lược của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.

Qua quá trình tham vấn ý kiến bộ, ngành, địa phương và các chuyên gia, đa số ý kiến thống nhất với quan điểm phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long trên cơ sở phát huy lợi thế của vùng về nông nghiệp…; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, chống chịu thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên đất, tài nguyên nước…

Tuy nhiên, còn có ý kiến khác nhau về một số vấn đề chính. Cụ thể là về xác định vai trò, vị thế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong tổng thể phát triển quốc gia, quốc tế và đặc biệt là mối quan hệ với các nước trong ASEAN, vùng Đông Nam Bộ và Tp. Hồ Chí Minh; phương án phân tiểu vùng (điểm mới của dự thảo); giảm đất trồng lúa; phát triển thủy sản; các trung tâm đầu mối và về định hướng phát triển đô thị.

Ngoài những nội dung chưa được thống nhất, ông có thể cho biết, đâu còn là những thách thức lớn nhất đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long?

Theo tôi, những thách thức lớn nhất cho vùng đất này là nước, dân số và hạ tầng. Tư tưởng chủ đạo của quy hoạch này là lấy tài nguyên nước làm nền tảng cơ sở, là gốc bởi với biến đổi khí hậu nước ngọt sẽ hạn hẹp và chưa biết vùng đầu nguồn sẽ có bao nhiêu dự án thủy điện nữa vì nó phụ thuộc vào chính sách của các quốc gia khác.

Theo đó, nước là vấn đề quan trọng bậc nhất của Đồng bằng sông Cửu Long. Nước về mang theo phù sa tạo nên màu mỡ và trù phú cho nơi đây nhưng do biến đổi khí hậu và nước biển dâng, xâm nhập mặn, khiến cho nhiều mô hình canh tác dựa trên nước ngọt bị phá hủy.

Bên cạnh đó, việc xây dựng các đập ở các quốc gia thượng nguồn sông Mê Kông làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản… Hơn nữa, đây là nơi có đặc điểm tự nhiên nhiều kênh rạch nên hạ tầng đường bộ vừa yếu, vừa thiếu lại phân tán, đó cũng là thách thức.

Cùng với đó, Đồng bằng sông Cửu Long là nơi có dân số vàng nhưng lại đang thiếu lao động do cả nguyên nhân hút và đẩy. Do lực hút của các nơi khác như Tp. Hồ Chí Minh khá lớn và do khó khăn nội tại của vùng đã đẩy người trong độ tuổi lao động rời Đồng bằng sông Cửu Long đi nơi khác làm ăn.

Trước những khó khăn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt, theo ông đâu sẽ là những cơ hội để khu vực này phát triển trong thời gian tới?

Bản quy hoạch này thể hiện một quan điểm khá mới mẻ là nhìn nhận Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ có khó khăn mà còn có lợi thế, làm sao biến thách thức thành cơ hội của vùng. Phát triển bền vững là quan điểm xuyên suốt, cùng với quan điểm phát triển tập trung, tránh phân tán và quan điểm đầu tư đồng bộ.

Tư tưởng chủ đạo của quy hoạch này là lấy vấn đề quản lý tài nguyên nước làm nền tảng nên quy hoạch lựa chọn phân án phân vùng theo nước, đó là vùng ngọt, vùng lợ, vùng mặn; trong đó, vùng lợ là vùng khó nhất trong quy hoạch vì tính chất động, thay đổi liên tục của vùng nước này.

Cùng với đó, mỗi vùng nước sẽ được xác định cây, con, quy hoạch sản xuất theo hướng phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp chế biến nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh, phát huy tiềm năng và lợi thế; đồng thời, khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên đất, tài nguyên nước theo phương châm “sống chung với nước ngọt, nước lợ và nước mặn”.

Ông sẽ kỳ vọng những gì tại hội nghị Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 hiện đang diễn ra tại Cần Thơ?

Hôm nay ngày 26/11, tại thành phố Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị này nhằm giới thiệu về nội dung chính của dự thảo Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và thảo luận về các vấn đề lớn, có tính chiến lược định hình sự phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho giai đoạn phát triển dài hạn với tầm nhìn đến năm 2050. Theo tôi, nếu các địa phương, các ngành thống nhất thì quy hoạch sẽ không treo; đặc biệt phải giải quyết vấn đề nguồn lực, nhất là nguồn lực cho hạ tầng giao thông…

Kỳ vọng lớn nhất qua hội nghị là đạt được đồng thuận cao với các nội dung, giải pháp, quan điểm của quy hoạch và sẽ tiếp tục lấy ý kiến sau Hội nghị. Bộ cũng kỳ vọng Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long sẽ là một hình mẫu, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm để tiến hành quy hoạch các vùng còn lại trên cả nước.

Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long sau khi được phê duyệt là cơ sở quan trọng để Bộ Kế hoạch và Đâu tư, với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2020 – 2025, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc phân bổ nguồn lực và điều phối vùng, thúc đẩy phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện, bộ đang cố gắng, nỗ lực tối đa để trình Thủ tướng Chính phủ bản Quy hoạch này trong tháng 12 tới.

Trân trọng cám ơn Thứ trưởng!

Minh Châu
https://baotintuc.vn/kinh-te/huy-dong-su-dung-hieu-qua-cac-nguon-luc-phat-trien-vung-dbscl-20201124151019934.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu