Thứ Sáu, 22/11/2024 01:38 (GMT +7)

Huyện Bến Lức nâng cao ý thức hộ gia đình trong phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

Thứ 6, 29/09/2023 | 11:09:33 [GMT +7] A  A

Trước tình hình số ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) có xu hướng gia tăng, huyện Bến Lức tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, nâng cao ý thức hộ gia đình thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng, giữ vệ sinh môi trường xung quanh để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Hướng dẫn người dân đậy kín các dụng cụ chứa nước quanh nhà, hạn chế nơi sinh sản của muỗi

Theo Trung tâm Y tế huyện Bến Lức, đến ngày 27/9/2023 (tuần thứ 39), huyện ghi nhận 279 ca mắc bệnh SXH, giảm 1.254 ca (5,4 lần) so với cùng kỳ năm 2022; 77 ổ dịch. Hiện 14/14 xã trên địa bàn huyện đã triển khai Chiến dịch "Diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống bệnh SXH Dengue và bệnh do vi-rút Zika" đợt 1 và đợt 2. Các ngành, đoàn thể, Ban điều hành 94 ấp, khu phố phối hợp vãng gia các hộ gia đình, kiểm tra các dụng cụ chứa nước và tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, loại bỏ các vật phế thải chứa nước quanh nhà, ngăn không cho muỗi sinh sản; vận động ký cam kết diệt muỗi, diệt lăng quăng phòng, chống bệnh SXH. Công tác truyền thông đã nâng cao ý thức phòng bệnh của mỗi người dân, gia đình.

Hướng dẫn người dân khi phơi vỏ dừa làm chất đốt thì phải lật úp, tránh để nước mưa tồn động trở thành nơi sinh sản của muỗi

Chị Nguyễn Thị Hồng Ân (Ấp 4, xã Tân Bửu) chia sẻ: "Qua thông tin tuyên truyền, tôi nhận biết được sự nguy hiểm của bệnh SXH. Mỗi người phải thường xuyên vệ sinh xung quanh nhà để môi trường thông thoáng, không để muỗi có nơi sinh sản. Bản thân tôi cũng thường xuyên thu gom và hủy các vật phế thải trong nhà và xung quanh nhà, như: Chai, lọ, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến".

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều gia đình vẫn còn tâm lý chủ quan trong công tác phòng, chống dịch bệnh SXH. Các thói quen sinh hoạt, như: Sử dụng lu, kiệu chứa nước mưa nhưng không đậy kín, phơi vỏ dừa làm chất đốt, tồn đọng các vật phế thải chứa nước quanh nhà đã trở thành nơi cho muỗi đẻ trứng. Để hạn chế tối đa số ca mắc mới, việc tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịchbệnh SXH được các địa phương quan tâm thực hiện, khuyến cáo người dân quan tâm vệ sinh môi trường xung quanh nhà, tiếp tục duy trì các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng sau chiến dịch.

Tuyên truyền phòng chống SXH bằng xe lưu động

Mùa mưa là điều kiện thuận lợi để muỗi, lăng quăng phát triển, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch SXH nếu người dân không chủ động dọn sạch các vật dụng đọng nước, đậy kín lu chứa nước, vệ sinh môi trường thường xuyên. Ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các ban, ngành, địa phương, rất cần ý thức của mỗi gia đình trong việc loại trừ các ổ sinh sản của muỗi, áp dụng các biện pháp phòng, chống muỗi đốt và đến ngay cơ sở y tế khi có các dấu hiệu của bệnh SXH để được tư vấn, điều trị kịp thời…/.  

Việt Hằng

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu