Thứ Ba, 26/11/2024 13:26 (GMT +7)

Hy vọng tìm ra thuốc chữa ung thư từ loài sên biển

Thứ 5, 19/05/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Kết quả công trình nghiên cứu mới công bố của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Wollongong, bang New South Wales, Australia cho thấy các chất trong loài sên biển sinh sống ở dọc bờ biển phía Đông Australia có khả năng chống ung thư rất mạnh.

Các nhà khoa học Australia tin rằng loài sên biển Đá Trắng này có thể giúp chữa trị nhiều loại ung thư khác nhau.

Các nhà nghiên cứu cho biết các phân tử tìm thấy trong trứng của loài sên biển Đá Trắng (White Rock) không chỉ ngăn chặn được tế bào ung thư mà chúng còn được chứng minh có khả năng tiêu diệt hiệu quả tế bào bạch huyết kháng hóa học trị liệu và sacôm (một dạng ung thư hiếm) ở tử cung.

Các nhà nghiên cứu tin rằng lớp phân tử này cũng sẽ có tác dụng trong việc chống các bệnh ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư trực tràng. Tiến sỹ Kara Perrow phát hiện thấy các chất này – được gọi là N-alkylisatins – đã tiêu diệt được 100% các tế bào ung thư kháng thuốc trong phòng thí nghiệm chỉ trong 48 giờ.

Theo Tiến sỹ Karra Perrow, khi so sánh với việc sử dụng thuốc chống ung thư Doxorubicin, họ phát hiện rằng loại thuốc này chỉ có tác dụng tiêu diệt được 10% tế bào ung thư. Trong khi đó, kháng thuốc là một trong những trở ngại lớn nhất mà các nhà khoa học đang phải đối mặt, đặc biệt khi thực hiện hóa trị liệu.

Từ năm 2002, các nhà khoa học Australia cũng đã phát hiện công thức trứng của loài sên biển Đá Trắng này có những đặc tính y học đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, chỉ đến gần đây, với sự hỗ trợ của nhiều nhà khoa học chuyên ngành hóa học, các nhà khoa học trường Đại học Wollongong mới phát hiện chúng cũng có tác dụng khi nhằm vào các tế bào ung thư kháng hóa trị liệu.

Bước tiếp theo là làm sao để đảm bảo các phân tử lấy từ trứng loài sên biển này an toàn khi đưa vào cơ thể người. Tiến sỹ Perrow cho biết các nhà khoa học đang xem xét đưa chúng vào các hạt nano để chúng trở nên không độc và an toàn cho việc tiêm vào cơ thể người. Bà cũng cho biết việc này có thể mất từ 5-10 năm trước khi đưa thuốc này vào sử dụng, song sẽ còn tùy thuộc vào sự thành công của các đợt thử nghiệm trên người.

Khánh Linh (P/v TTXVN tại Australia)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu