Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 10/4 lên tiếng bảo vệ quyết định áp dụng mức lãi suất âm của nhiều ngân hàng trung ương trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu rủi ro do tốc độ tăng trưởng chậm.
Quan điểm này được đưa ra ngày trước thềm Hội nghị thường niên mùa Xuân của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ diễn ra trong tuần này tại Washington (Mỹ).
Sáu ngân hàng trung ương, trong đó có Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), đã có bước đi chưa từng thấy nhằm thúc đẩy chi tiêu và đầu tư.
Theo IMF, khoảng 25% nền kinh tế thế giới đang hưởng mức lãi suất chủ chốt dưới 0%.
Bên cạnh ECB và BoJ, bốn ngân hàng còn lại là các ngân hàng trung ương của Thụy Điển, Đan Mạch, Thụy Sĩ và Hungary cũng đang áp dụng chính sách lãi suất âm.
Cố vấn tài chính kiêm Giám đốc phụ trách các thị trường vốn và tiền tệ của IMF, Jose Vinals nhận định mặc dù chính sách này hiếm khi được áp dụng, nhưng nó giúp kích thích sự luân chuyển của dòng tiền và nới lỏng các điều kiện cho vay tài chính, góp phần kích thích nhu cầu và củng cố sự ổn định tài chính.
Tuy nhiên, IMF cũng thừa nhận chính sách này tồn tại một số nguy cơ tiềm tàng cần theo dõi và giám sát chặt chẽ.
Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế quan ngại việc áp dụng mức lãi suất âm ngược có thể khiến doanh nghiệp và người tiêu dùng cẩn trọng hơn trong hoạt động chi tiêu.
Nhiều ý kiến lập luận rằng bước đi này rất liều lĩnh vì việc cần làm là tăng chi tiêu chính phủ chứ không phải điều chỉnh chính sách tiền tệ. /.
Ý kiến ()